Tôn giáo có vai trò vô cùng to lớn đối với công tác phòng chống ma túy. Trong đó, thiên chúa giáo, công giáo không chỉ tham gia vào hoạt động phòng ngừa sử dụng ma túy mà còn tham gia vào công tác cai nghiện ma túy và đã có những kết quả tích cực.
Theo một nghiên cứu của Mỹ, thanh niên theo tôn giáo sử dụng đồ uống có cồn ít hơn 3 lần và sử dụng ma túy ít hơn 4 lần so với thanh niên không theo tôn giáo. 84% các nghiên cứu khẳng định tôn giáo làm giảm nguy cơ nghiện ma túy; 82% số người tham gia các chương trình cai nghiện và phục hồi kết hợp đức tin tôn giáo từ bỏ ma túy sau một năm, so với tỷ lệ 55% số người tham gia chương trình cai nghiện phi tôn giáo. Hiện có khoảng 13000 tổ chức thuộc tất cả các tôn giáo ở Mỹ có các chương trình hoạt động trợ giúp việc cai nghiện và đã cứu sống khoảng 20.000 người Mỹ mỗi năm.
Tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo và đồng bào tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng cũng đã có nhiều hoạt động, cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống ma túy.
Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Caritas Hà Nội cho biết: “Trong các năm qua, Viện thánh cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện, chương trình về ma túy và HIV/ AIDS.” Trong hai ngày 25,26/6 vừa qua, Uỷ ban BAXH – Caritas Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy cho nhóm nòng cốt và cộng tác viên và tình nguyện viên công giáo. Đây là chương trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền và giúp những người nghiện ma túy trong giáo hội cai nghiện thành công.
Khẳng định vai trò của thành viên nòng cốt, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo
Nhóm thành viên nòng cốt, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo là lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống ma túy cho cộng đồng công giáo nói riêng và xã hội nói chung. Để làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cho cộng đồng, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo cần tích cực tham gia các khóa tập huấn, chủ động cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Sau khi trau dồi đầy đủ kiến thức và kỹ năng, cộng tác viên và tình nguyện viên công giáo cần đẩy mạnh triển khai thực hiện tuyên truyền về phòng chống ma túy cho cộng đồng; tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng chia sẻ kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy; chia sẻ thông tin về các phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả cho cộng đồng…
Đồng thời, cần huy động, kết nối các nguồn lực trong cộng đồng để phòng chống ma túy hiệu quả: huy động cá nhân, gia đình, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống ma túy tại địa phương; thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống ma túy sâu rộng trong cộng đồng dưới các hình thức như thiện nguyện, tình nguyện… Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác giám sát, hỗ trợ, phát hiện và ngăn ngừa cộng đồng sử dụng ma túy, giám sát và hỗ trợ người sử dụng ma túy trong cộng đồng phục hồi… Cần phát huy vai trò niềm tin, đức tin trong mỗi cá nhân trong việc phòng ngừa lạm dụng ma tuý và hỗ trợ người sử dụng ma tuý từ bỏ ma tuý hiệu quả, bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 25,26/6 vừa qua, các chuyên gia của Viện PSD đã trình bày các tham luận xoay quanh các chủ đề, bao gồm: Tình hình phòng chống ma túy trên thế giới, tại Việt Nam hiện nay và Can thiệp dự phòng nghiện ma tuý; Kỹ năng nhận biết về ma túy, nghiện ma túy và nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng ma tuý; Kỹ năng nhận biết người sử dụng/nghiện ma túy; Hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu “Kỹ năng Phòng, chống ma tuý cho học sinh Trung học”; Nguyên tắc khi tiếp cận, hỗ trợ cho người sử dụng ma túy, nghiện ma túy (Nguyên tắc tôn trọng, không phán xét, nguyên tắc bảo mật thông tin, nguyên tắc đảm bảo sự an toàn …); Kỹ năng tiếp cận và hỗ trợ người sử dụng/nghiện ma tuý; Vai trò niềm tin tôn giáo, cộng tác viên Công giáo trong công tác phòng, ngừa ma túy và chống tái nghiện ma túy cho cộng đồng Công giáo; Phương pháp cai nghiện ma túy hiện nay (Chia sẻ về Phương pháp “Chống tái nghiện ma tuý bằng trị liệu tâm lý” của Viện PSD),… Chia sẻ về chương trình, Đại tá, Bác sĩ Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD cho biết: “Buổi tập huấn như một sự bổ kết, tập huấn thêm cho những người công giáo. Trước đây, họ đã làm rất tốt các chương trình, sự kiện về phòng chống ma túy cũng như tìm hiểu về HIV/ AIDS. Tôi mong muốn khi có thêm sự đóng góp của Viện PSD và sự hỗ trợ của mình thì sẽ giúp ích cho họ những thiếu thốn về mặt kiến thức, về mặt chuyên môn và họ sẽ làm tốt công tác phòng chống ma túy. Đây chính là mục đích và ý nghĩa to lớn của buổi tập huấn lần này”. |
PV