Từ vấn đề thực trạng
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng đã được các cấp, các ngành, chủ thể trong hoạt động xây dựng được triển khai thực hiện thông qua việc kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu.
Theo số liệu Bộ Xây dựng, hàng năm, có từ 40.000-50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước. “Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng”.
Theo Bộ này, về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình, đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh như cử tri phản ảnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020. Bộ cho biết đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.
Có thể nói, việc giám sát của người dân trong xây dựng công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan đơn vị vô cùng quan trọng được Đảng, nhà nước và các cấp ban ngành đặc biệt quan tâm chú trọng.
Công trường thi công đầu tư dự án Nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Vấn đề từ cấp cơ sở
Cũng liên quan đến vấn đề trên, mới đây tòa soạn Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn thư của ông Lê Tùng Lâm là thanh tra nhân dân tổ dân phố 8 và thành viên của ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Theo đó, ngày 11/8/2022, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã ra kế hoạch Số: 98 /KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐND ngày 26/7/2022 của Hội đồng nhân dân thị xã về việc hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh giai đoạn 2022 - 2024 đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đúng thời gianlộ trình đề ra.
Tiếp theo, vào ngày 13/7/2023, UBND thị xã ra quyết định số 1510 về phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư dự án Nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Sau khi hoàn thành các hồ sơ giấy tờ về Biên bản bàn giao mặt bằng thi công công trình; Văn bản số 90 của Ban quản lý đầu tư xây dựng ngày 05/9/2023 về việc đề nghị thu dọn, tháo dỡ vật tư trang thiết bị nhà văn hóa tổ dân phố 8, Bắc Hồng để bàn giao mặt bằng thi công xây dựng công trình; Bản vẽ Mặt bằng tổng thể cải tạo công trình Nhà Văn hóa tổ dân phố 8; Hồ sơ tiên lượng dự toán, do Công ty cổ phần XD và DVTM Đức Bảo thiết kế; được Phòng QLĐT thẩm định ngày 11/7/2023; Bản vẽ ban đầu (có cost 5.33)... Thì công trình được khởi công vào ngày 18/9/2023, cùng ngày Chủ tịch UBMTTQphường Bắc Hồng cũng ra quyết định số 10/QĐ-UBMT về viêc kiện toàn Ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án: Nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng.
Sau khi công trình đã tiến hành xây dựng được 15 ngày thì ban quản lý dự án gửi dự toán xuống cho ban giám sát cộng đồng. Sau khi nghiên cứu bản vẽ, dự toán và các văn bản liên quan ông Lâm đã phát hiện và phản ánh về những nội dung; Việc khảo sát thi công trình chưa thực tế không sát với nhu cầu của nhân dân mà vẫn phê duyệt nên đã xảy ra rất nhiều bất cập ở công trình xây dựng làm lãng phí tiền của nhân dân; Biên bản bàn giao mặt bằng do ông Nguyễn Công Thiện trưởng ban quản lý dự án Thị xã Hồng Lĩnh ký không đúng với hồ sơ bản vẽ ban đầu; Phê duyệt và thẩm định dự toán không sát với thực tế một số hạng mục nên kinh phí tăng cao làm mất niềm tin với nhân dân.
Theo Phản ánh của ông Lâm thì về phần cốt xây dựng, theo văn bản được phê duyệt Ban xây dựng gửi về cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng thì cốt theo bản vẽ lúc ban đầu là: 533cm sau đó chủ đầu tư đã tự ý nâng lên 546cm và hiện tại bây giờ đang dùng cốt 559cm cao hơn cốt thiết kế ban đầu.
Trụ sở UBND thị xã Hồng Lĩnh.
Về công trình thì tường phía Bắc và phía nam (tường cũ) trong thiết kế để lại và xây cao lên 35cm nhưng trong quá trình thi công tường cũ không được xây mới nên không thi công được “đế trụ” đúng thiết kế; việc xây dựng nhà kho thấp so với mặt bằng xây dựng dễ gây ra ủng ngập những khi mưa xuống; Tường phía đông (bức tường của dân) nên không đục và da trát được; một số trụ móng chưa đảm bảo, đặc biệt khi đặt “rá móng” còn lệch 60 cm nên không thể đảm bảo chất lượng công trình...
Ngoài ra, trong đơn ông Lâm còn đặt câu hỏi hoài nghi về chọn nhà thầu năng lực thấp có dấu hiệu bán thầu? Cụ thể, trên cổng thông tin đấu thầu của Bộ kế hoạch và đầu tư thì đơn vị trúng thầu là Công Ty TNHH xây dựng 668 Hà Tĩnh và không có liên danh với công ty khác nhưng thực tế hiện tại là Công Ty TNHH xây lắp và thương mại Gia Hưng đang thi công?
Điều đáng nói, sau khi nhận được những phản ánh của ông Lê Tùng Lâm thì ngày 19/10/2023 bà Phạm Thị Hoàng Yến quyền Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng có làm tờ trình gửi UBND thị xã căn cứ vào hai biên bản hội ý công việc và tờ trình về việc xin điều chỉnh, bổ sung thiết kế nhà văn hóa của tổ dân phố 8. Theo ông Lâm thì bà Yến đã tự soạn các văn bản trên và gọi cán bộ tổ dân phố 8 lên ký. Hai văn bản trên đều được ký vào chiều ngày 23/10/2023 nhưng bà lại cố tình làm sai lệch, hợp thức hóa hồ sơ nên đã đề ngày 03/10/2023. Mặc dù ông Lâm nằm trong ban giám sát cộng đồng là thành phần được mời hội ý, cũng chính là người đã phát hiện ra những vấn đề trên nhưng khi xác lập biên bản ông Lâm lại không được thông qua và cũng không được ký vào biên bản nêu trên.
Trụ sở UBND phường Bắc Hồng.
Ông Lê Tùng Lâm cho biết: “Với tư cách là một cựu chiến binh và là thành viên Ban công tác mặt trận tổ dân phố 8. Tôi phản ánh những vấn đề trên để đòi hỏi quyền lợi để bà con tổ dân phố 8 có được một nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp để sử dụng an toàn và lâu dài. Tôi phản ánh những vấn đề trên không vì một mục đích nào tư lợi cho cá nhân mà muốn thực hiện quyền giám sát chặt chẽ của nhân dân.”
Cơ quan chức năng và Luật sư nói gì?
Ngày 21/12/2023 ông Nguyễn Minh Toàn, Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐND ngày 26/7/2022 của Hội đồng nhân dân thị xã thì toàn bộ thị xã sửa chữa và cải tạo gần 50 nhà văn hóa, trong đó phường Bắc Hồng có hai nhà văn hóa tổ dân phố 8 và tổ dân phố 3. Mặc dù xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố nhưng UBND cũng chỉ là đơn vị thụ hưởng, khi thi công xây dựng nhà văn hóa tổ 8 ủy ban phường cũng đã nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân. Ủy ban đã làm văn bản đề nghị chủ đầu tư thẩm định, xem xét, cử cán bộ kỹ thuật, chuyên môn xem xét. Ông Toàn cho biết thêm mặc dù mới được chuyển về làm chủ tịch được 10 ngày nhưng ông cũng đã tổ chức hai cuộc họp về vấn đề trên với Ban quản lý và nhà thầu, phường cũng đang kết hợp với ban quản lý dự án và nhà thẩu để giải quyết để hoàn thiện xây dựng nhà văn hóa chất lượng, mỹ thuật đúng thiết kế. Các vấn đề kiến nghị của người dân đang được phòng quản lý đô thị xem xét điều chỉnh.
Trao đổi về việc chủ đầu từ đã tự ý nâng cốt từ 533cm sau đó chủ đầu tư đã tự ý nâng lên 559 cao hơn cốt thiết kế ban đầu ông Lê Anh Đức chủ trì thiết kế Ban quản lý dự án thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Cốt 533 ở đây không phải là vấn đề xây dựng mà cốt ở đây là để định vị công trình, kiểm tra ví như là một cái tọa độ, cái mốc để khi thi công người ta căn cứ vào dùng máy đo hoặc nôm na là vạch ở ống nước để lấy tọa độ đo thăng bằng để đưa ra những thông số về góc trong đo đạc, kiểm tra chất lượng những công trình xây dựng. Lúc thiết kế ban đầu Cốt 533 (để so sánh) nhưng sau mốc này bị mất, xác định lại bằng cốt 546 còn cốt 559 thực ra không thay đổi”.
Nói về các biên bản hội ý công việc và tờ trình về việc xin điều chỉnh, bổ sung thiết kế nhà văn hóa của tổ dân phố 8 được ký vào chiều ngày 23/10/2023 nhưng lại sửa thành 03/10/2023, ông Hoàng Thế Hùng, Chánh văn phòng UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Ở dưới địa phương (phường và tổ dân phố) diễn ra nhiều cuộc nhưng không đầy đủ thành phần, sau khi đầy đủ thành phần thì thống nhất trong nội bộ ban kiểm tra khi trình văn bản thì lấy một ngày để đưa vào văn bản”.
Trao đổi vấn đề trên cổng thông tin đấu thầu của Bộ kế hoạch và đầu tư thì đơn vị trúng thầu là Công Ty TNHH xây dựng 668 Hà Tĩnh và không có liên danh với công ty khác nhưng thực tế hiện tại là Công Ty TNHH xây lắp và thương mại Gia Hưng đang thi công ông Tôn Đức Thọ nhà thầu thi công cho biết: “Cái vấn đề nhà thầu phụ, nhà thầu chính thì trong hồ sơ dự thầu chúng tôi có, đấy là nhà thầu liên doanh phụ trách chất lượng nhiều công trình rồi, ở đây hai nhà thầu chia nhau, công ty chúng tôi làm 40%, dưới công ty còn có các kỷ thuật, chỉ huy trưởng công trình theo đúng như phê duyệt không phải đơn vị ngoài vào làm, cái này hoàn toàn minh bạch...”
Từ vấn đề trên theo Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Luật sư thành Phố Hà Nội cho biết: Tại Điều 74 Luật Đầu tư công 2019, các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội.
Cơ quan chủ quản tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư công nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng gồm: a)Việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; b) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền lợi của Nhân dân; c) Các chương trình, dự án sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân; d) Tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; đ) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công theo quy định tại Điều 14 của Luật này; e) Phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.
Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng được hướng dẫn tại Điều 86 Nghị định 29/2021/NĐ-CP như sau: Một là, nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và dự án PPP: a) Theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; b) Theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về: chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư; c) Tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; d) Phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án; đ) Phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; e) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư.
Hai là, nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn khác thực hiện theo các điểm a, b, c, d, e.
Ba là, nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư có nguồn vốn và công sức của cộng đồng, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã: a) Thực hiện các nội dung như giám sát như giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và dự án PPP: b) Theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức và chủng loại vật tư theo quy định; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
Về quyền giám sát đầu tư của cộng đồng thì công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong đó, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền: Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; Yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư: Quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Đối với các chương trình, dự án đầu tư có nguồn vốn và công sức của cộng đồng, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã, ngoài các nội dung trên, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin về quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại và định mức vật tư; kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
Từ những thông tin trên thì ở đây các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các tài liệu tại các điểm a, b, c khoản này cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong các trường hợp sau: Phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; Chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; Phản ánh với các cơ quan nhà nước về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng và kiến nghị biện pháp xử lý.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh Tại điều 75 Luật trên cũng quy định về trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau đây: a) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn theo các nội dung quy định tại b) Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án; c) Thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chậm nhất 45 ngày trước ngày thực hiện.
Về chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm: a) Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án quy định tại b) Tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật; c) Tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.
PV