(LSO) - Phạt đến 75.000.000 đồng người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức, ngược đãi người lao động, thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ mình… là những quy định sẽ có hiệu lực từ tháng 4 tới đây.
Phạt tối đa 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ
Nghị định 18/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-4-2020.
Cấm lập hội nhóm, bè phái khi bị giam giữ
Theo Thông tư 17/2020/TT-BCA của Bộ Công an (quy định nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân), nghiêm cấm phạm nhân có hành vi lập hội, nhóm, bè phái dưới mọi hình thức; có thái độ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong thời gian bị giam giữ, phạm nhân cũng bị nghiêm cấm lưu trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu, phim, băng, đĩa, thiết bị lưu trữ điện tử, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy hay các hành vi quan hệ đồng tính, tình dục, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác (trừ quan hệ vợ, chồng khi được phép); xăm trổ trên thân thể mình hoặc người khác; tự đeo lên cơ thể mình hoặc người khác những vật thể bằng kim loại hoặc vật chất khác... Thông tư 17/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 3-4-2020.
Tăng thời hạn đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật thuộc Bộ Quốc phòng
Theo Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; đã tăng thời hạn đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật lên không quá 3 tháng. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 5 tháng. Trước đây, nội dung này được quy định tại Thông tư 192/2016/TT-BQP là không quá 30 ngày, trường hợp đặc biệt là không quá 3 tháng.
Thông tư được áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; có hiệu lực từ 8-4-2020.
Khởi kiện tranh chấp tài sản chung dòng họ
Theo Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP được Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao ban hành ngày 5-3-2020 hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ, thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. “Thành viên dòng họ” là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 10-4-2020.
Phạt đến 75.000.000 đồng hành vi cưỡng bức, ngược đãi người lao động
Nghị định 28/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 10. Đây là nội dung pháp luật hiện hành chưa có quy định. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-4-2020.
Không được nhận xét vào lý lịch khi chứng thực chữ ký
Thông tư 01/2020/TT-BTP (hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) quy định: người thực hiện chứng thực không được ghi nhận xét vào tờ khai lý lịch cá nhân của người có nhu cầu chứng thực. Theo đó, người thực hiện chứng thực chỉ ghi lời chứng chứng thực chữ ký theo quy định pháp luật. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20-4-2020.
Anh Phương (SGGP)