Ảnh minh họa.
Ngày 27/3, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH sửa đổi). Trong đó, các ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề rút BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Vấn đề này theo dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội có 02 phương án.
Phương án 1: Người lao động được chia làm 02 nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện; khác với quy định hiện hành là dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần. Nhóm 2, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành; đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Ủng hộ với phương án 1, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị thêm, khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần, cần quy trình đánh giá thêm việc rút BHXH một lần theo phương án này đã thực sự đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động chưa, tức là chúng ta có sự kiểm soát. Trường hợp bất khả kháng không thể khác, Nhà nước phải tính toán phương án để hỗ trợ cho người lao động, như chính sách về tín dụng cho người lao động, để họ không phải rút BHXH một lần. Từ đó, Đại biểu đề nghị người lao động có thêm cơ hội cân nhắc có nên rút BHXH một lần hay không.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) - ủng hộ phương án 2, nêu đề nghị bỏ điều kiện “sau 12 tháng” và giảm thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm. Theo ông Thắng, việc đưa ra thời hạn 12 tháng gây khó khăn cho người lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời khiến cơ quan BHXH gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát.
Nhận định vấn đề rút BHXH một lần là “khó và phức tạp”, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) không đồng tình với phương án 1 và cho rằng quy định như vậy sẽ tạo “lát cắt” giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật có hiệu lực. Theo Đại biểu, hiện có khoảng 17 triệu người, tức khoảng 38% lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Chúng ta không có gì đảm bảo rằng đối tượng này sẽ không rút BHXH một lần. Còn người bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 01/7/2025 lại không được rút một lần.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đánh giá phương án 2 quán triệt sát hơn tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội). Việc rút BHXH một lần diễn ra nhiều nhất trong giai đoạn dịch Covid-19, khi người lao động cần giải quyết cuộc sống trước mắt. Theo đó, Đại biểu đề xuất, giữ chân người lao động và cho rút 50%. Đồng thời, hỗ trợ cho vay thông qua ngân hàng chính sách để giúp họ vừa có điều kiện tham gia BHXH, vừa giải quyết được khó khăn về kinh tế.
Cũng có ý kiến khác đánh giá cả hai phương án đều có ưu và khuyết điểm. Trong đó, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, đây là vấn đề lớn, phức tạp và đề nghị tiếp tục lấy ý kiến đối với cả hai phương án, nhất là lấy ý kiến của người lao động.
Tuy nhiên, nêu quan điểm cá nhân, Đại biểu nghiêng về phương án 1, cho rằng phương án này sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu lại quá trình đã đóng BHXH.
Theo chương trình, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp 7 vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đánh giá đây là dự án Luật phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, trong phương án tiếp thu, giải trình của Chính phủ cũng chưa chọn phương án nào chính thức để đảm bảo kịp trình tại kỳ họp tới. Vì vậy, bà đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua luật.
ĐBQH Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thông qua dự án Luật BHXH (sửa đổi) sau khi thực hiện cải cách tiền lương, tức là nên thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) thay cho việc thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bởi theo Đại biểu, cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó, phức tạp, tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhóm hoạt động khác nhau trên toàn xã hội.
Theo Đại biểu, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn. Khi đó, các chính sách BHXH được sửa đổi theo cải cách tiền lương sẽ phù hợp hơn.
Dự kiến từ ngày 01/7/2024, sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thay đổi này đến các quy định liên quan, dẫn đến chưa rõ hướng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật, như: Do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của Luật hiện hành và không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ BHXH cũng như một số chế độ quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng BHXH cho những đối tượng này; phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/7/2024.
Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở được quy định theo hướng “mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực”.
MINH NGUYÊN (t/h)