/ Đời sống - Xã hội
/ Vấn đề pháp lý về hoạt động tài chính của CLB Tình người

Vấn đề pháp lý về hoạt động tài chính của CLB Tình người

04/06/2021 01:36 |

LSVN - Cách vận hành quỹ cũng giống như một doanh nghiệp kinh doanh, nhưng sự khác biệt lớn nhất của mục đích thành lập của quỹ là không theo đuổi lợi nhuận, và nghĩa vụ thuế sẽ không nặng như với doanh nghiệp, các thành viên tự nguyện nộp tài sản cho quỹ không được hưởng những quyền lợi đáng kể như thành viên góp vốn trong công ty TNHH, cổ đông trong công ty cổ phần khi so với những sáng lập viên.

Ngày 16/7/2019, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH HTV trở lên đối với Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng do bà Phạm Thị Bình làm đại diện.

Đến ngày 19/7/2019, Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng ban hành Quyết định số 01/2019/QĐ-TTCĐ về việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tình người.

Theo Quy chế nội bộ tổ chức và hoạt động của CLB Tình người (ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-QCHĐ ngày 23/7/2019 của Chủ tịch CLB Tình người), Chương IV: Tài chính và tài sản của CLB ghi rõ:

Điều 8. Tài chính của CLB

Tài chính của CLB gồm có Tài chính Hành chính và Tài chính Công tác xã hội, được quản lý theo quy định hiện hành.

1. Tài chính Hành chính gồm có:

a) Nguồn thu:

- Đóng góp tự nguyện của hội viên nhằm xây dựng CLB ngày một phát triển.

b) Các khoản chi:

- Chi phí thuê Văn phòng;

- Các khoản chi cho các hoạt động hành chính của CLB;

Các khoản chi hợp lệ khác.

2. Tài chính công tác xã hội gồm có:

a) Nguồn thu:

- Đóng góp tự nguyện của hội viên và học viên;

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

b) Các khoản chi:

- Chi cho các chương trình công tác xã hội của CLB theo kế hoạch;

- Chi các trường hợp đặc biệt khác.

Việc quản lý, sử dụng tài sản chính của CLB được thực hiện theo các quy định của Nhà nước, quy chế tài chính của CLB đảm bảo công khai, minh bạch. Ban Kiểm tra định kỳ kiểm tra tài chính của CLB 01 tháng/ 01 lần.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Phó Chủ tịch CLB cho biết, hội viên chính thức của CLB chỉ khoảng 300 người, trong đó có 50 người là hội viên thường xuyên hoạt động, còn lại là các học viên. Các học viên là những người thấy mô hình hay đến xin học, một số người đem về áp dụng tại địa phương.

Phó Chủ tịch CLB cũng cho biết, kinh phí thuê địa điểm cũng như duy trì hoạt động của CLB được lấy từ nguồn quỹ đóng góp của mỗi hội viên với số tiền 200.000 đồng/tháng và lãi suất từ số tiền các hội viên cho mượn.

“Đối với hoạt động thiện nguyện, mọi thu chi đều rõ ràng và có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Với mỗi chuyến đi từ thiện, các cá nhân tham gia đều phải đóng tiền xe, tiền ăn, phí sinh hoạt, không phạm một đồng tiền từ thiện. Vào ngày đầu mỗi tháng, các hội viên đều được thông báo các khoản chi phí của các chương trình đang triển khai”, ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, từ khi thành lập đến nay, tổng số tiền mà CLB thực hiện thiện nguyện là hơn 55 tỉ đồng.

Về vấn đề tài chính đối với hoạt động của mô hình CLB thiện nguyện, Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, điều kiện thành lập quỹ, căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải đảm bảo những điều kiện sau:

- Là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ;

- Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận;

- Phải được Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Ngoài ra, nguồn thu của quỹ theo quy định của Điều 35 Nghị định 93/2019/NĐ-CP sẽ bao gồm 2 nguồn chính như sau:

- Thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật. Nguồn thu của quỹ không bao gồm nguồn tài sản của các sáng lập viên;

- Thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;

- Ngoài ra, sẽ còn kinh phí do ngân hàng nhà nước cấp; thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ; các nguồn thu hợp pháp khác.

“Trong trường hợp của CLB Tình người, chúng ta có thể thấy nguồn thu chính của CLB là sự đóng góp tự nguyện của của các thành viên trong CLB”, Luật sư Hoàn nhận định.

Theo Luật sư Hoàn, hoạt động sử dụng quỹ quy định tại Điều 36 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, bao gồm:

- Chi tài trợ, bao gồm: Tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và các mục đích xã hội khác vì sự phát triển cộng đồng theo điều lệ quỹ. Tài trợ theo sự ủy nhiệm của cá nhân, tổ chức và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật. Tài trợ cho tổ chức, cá nhân phù hợp với mục đích của quỹ;

- Đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

- Việc tiếp nhận, sử dụng viện trợ từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản liên quan;

- Chi thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng hoặc các nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước giao;

- Chi cho hoạt động quản lý quỹ;

- Mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm đối với tiền nhàn rỗi của quỹ (không bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước cấp, nếu có);

- Chi thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác.

Ngoài ra, nội dung chi hoạt động quản lý quỹ quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 93/2019/NĐ-CP bao gồm:

- Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý quỹ;

- Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định;

- Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có);

- Chi mua sắm, sửa chữa vật tư văn phòng, tài sản phục vụ hoạt động của quỹ;

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động của quỹ;

- Chi các khoản công tác phí phát sinh đi làm các nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ;

- Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hóa; chi phí chuyển tiền; chi phí liên quan đến phân bổ tiền, hàng cứu trợ).

Bên cạnh đó, quản lý tài sản, tài chính quỹ được quy định như sau:

- Hội đồng quản lý quỹ ban hành các quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, các định mức chi tiêu của quỹ; phê duyệt tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, chuẩn y kế hoạch tài chính và xét duyệt quyết toán tài chính hàng năm của quỹ;

- Ban Kiểm soát quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ và báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý quỹ về tình hình tài sản, tài chính của quỹ;

- Giám đốc quỹ chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của quỹ theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ trên cơ sở nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng quản lý quỹ thông qua; không được sử dụng tài sản, tài chính quỹ vào các hoạt động khác ngoài mục đích của quỹ;

- Hội đồng quản lý quỹ và Giám đốc quỹ có trách nhiệm công khai tình hình tài sản, tài chính quỹ hàng quý, năm theo các nội dung sau:

a) Danh sách, số tiền, hiện vật đóng góp, tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho quỹ;

b) Danh sách, số tiền, hiện vật tổ chức, cá nhân được nhận từ quỹ; công khai kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp;

c) Báo cáo tình hình tài sản, tài chính và quyết toán quý, năm của quỹ theo từng nội dung thu, chi theo Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Đối với các khoản chi theo từng đợt vận động, việc báo cáo được thực hiện theo quy định hiện hành về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

- Quỹ phải thực hiện công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trên phương tiện thông tin đại chúng hàng năm theo quy định hiện hành.

“Qua đó, chúng ta có thể thấy cách vận hành quỹ cũng giống như một doanh nghiệp kinh doanh. Nhưng sự khác biệt lớn nhất, mục đích thành lập của quỹ là không theo đuổi lợi nhuận, và nghĩa vụ thuế sẽ không nặng như với doanh nghiệp (quỹ không phải đóng thuế doanh nghiệp, chỉ chịu những nghĩa vụ thuế trong những hoạt động chi), các thành viên tự nguyện nộp tài sản cho quỹ không được hưởng những quyền lợi đáng kể như thành viên góp vốn trong công ty TNHH, cổ đông trong công ty cổ phần khi so với những sáng lập viên. Việc những nghĩa vụ thành lập quỹ nhẹ hơn thành lập doanh nghiệp là để khuyến khích thành lập quỹ, để giúp đỡ những công tác nhân đạo của nhà nước, cải thiện đời sống xã hội”, Luật sư Hoàn nói.

PV

Admin