/ Kết nối
/ Vấn đề pháp lý vụ bãi tập kết keo tràm ngang nhiên lấn chiếm hành lang QL 49, TP. Huế

Vấn đề pháp lý vụ bãi tập kết keo tràm ngang nhiên lấn chiếm hành lang QL 49, TP. Huế

05/01/2025 07:43 |

( LSVN ) – Trên Quốc lộ 49, đoạn qua thôn Phú Tuyên, xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà, TP. Huế có bãi tập kết gỗ keo tràm lấn chiếm hành lang an toàn, gây ô nhiễm môi trường…, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vừa qua, người dân xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà, TP. Huế phản ánh về tình trạng, tại khu vực thôn Phú Tuyên (xã Bình Thành) có bãi tập kết keo tràm của một doanh nghiệp, rộng hàng nghìn mét vuông, ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn QL 49, gây ô nhiễm môi trường.

Bãi tập kết keo tràm của doanh nghiệp ông Trần Hoàng tại thôn Phú Tuyên, xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà TP. Huế lấn chiếm hành lang an toàn Quốc lộ 49, gây ô nhiễm môi trường.

 Bãi tập kết keo tràm của doanh nghiệp ông Trần Hoàng tại thôn Phú Tuyên, xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà TP. Huế lấn chiếm hành lang an toàn Quốc lộ 49, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân cho biết, bãi tập kết trên hoạt động nhiều năm qua, nằm ngay con dốc cong (hướng TP. Huế - huyện A Lưới) nên khi tham gia giao thông qua đây, người điều khiển thường bị khuất tầm nhìn (phía lên đầu dốc). Cùng với đó, hàng ngày, tại đây thường xuyên có nhiều xe tải dừng đỗ, bốc xếp gỗ keo tràm,lấn chiếm lòng nề đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Người dân cho biết thêm, vào lúc thời tiết hanh khô bụi bặm, tiếng ồn từ máy gắp, máy cắt, xe tải vận chuyển gỗ khiến họ “đau đầu”. Khi trời mưa, nước từ trong bãi chảy thẳng ra đường, bốc mùi hôi, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống. Không những vậy, bãi tập kết trên nằm ngay dưới đường dây điện.

Vào thời điểm ghi nhận, tại đây có một chiếc xe tải dừng đỗ lấn lòng đường QL49. Cùng với đó có một chiếc xe ghắp đang gắp gỗ keo tràm từ bãi lên xe.

Liên quan đến vụ việc, ông Hồ Chí Thịnh, Chủ tịch xã Bình Thành cho biết, bãi tập kết keo tràm trên của doanh nghiệp tư nhân của ông Trần Hoàng, nằm trên địa bàn thôn Phú Tuyên (Bình Thành). Trong quá trình hoạt động, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, phối hợp với CSGT cũng như cơ quan chức năng xử phạt về hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ; môi trường sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo… Nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện đúng cam kết.

Người dân cho rằng, hành vi vi phạm quy định trong việc tập kết keo tràm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, gây khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp Trần Hoàng đã làm ảnh hưởng đến đời sống, mất an toàn cho người, phương tiện khi gia giao thông. Theo đó, người dân đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý dứt điểm vụ việc.

Xe tải dừng đỗ lấn ra lòng đường để bốc xếp keo tràm.

Xe tải dừng đỗ lấn ra lòng đường để bốc xếp keo tràm.

Liên quan đến vấn đề, Luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Đà Nẵng và Cộng sự đưa ra quan điểm, theo thông tin doanh nghiệp của ông Trần Hoàng tại thôn Phú Tuyên, xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà, TP. Huế đã vi phạm quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể:

Theo quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe thì hành vi lấn chiếm hành lang, vỉa hè đường bộ của doanh nghiệp Trần Hoàng thuộc hành vi vi phạm tại Khoản 9 Điều 12 của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP về Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác.

Theo đó, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường, vỉa hè.

Đối với hành vi không quản lý chất thải từ vật liệu, hàng hóa để nước thải chảy trực tiếp vào môi trường và gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó tổ chức có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường hoặc nguy hại vào môi trường thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặt phạt tiền từ 600.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng và có thể bị xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở đối với cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng; Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng. Người vi phạm còn bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bị buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Trường hợp quá trình bốc xếp, vận chuyển hàng mà doanh nghiệp thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường thì theo quy định tại Điều 21 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng tùy thuộc vào lưu lượng khí thải và mức vượt tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như hành vi vi phạm về việc xả nước thải vào môi trường nêu ở trên.

Máy ghắp đang hoạt động tại bãi tập kết.

Máy ghắp đang hoạt động tại bãi tập kết.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về tiếng ồn thì theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng tùy thuộc vào mức vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như hành vi vi phạm về việc xả nước thải vào môi trường nêu ở trên.

Đối với hành vi các xe tải lớn thường xuyên ra vào, dừng xe để bốc xếp và đổ hàng ngay tại vị trí đầu con dốc, cong gây cản trở cho người dân tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 49 nối từ huyện A Lưới về TP. Huế, gây cản trở tầm nhìn. Đây là hành vi vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể tại Điểm b khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất. Nếu vi phạm thì bị phạt theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm c, d khoản 32 Điều 2 Nghị định số123/2021/NĐ-CP), theo đó phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe tại vị trí trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

THỌ NGUYỄN

Các tin khác