Thế nào là ủy quyền?
Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Như vậy, ủy quyền là việc thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền (công việc trong phạm vi ủy quyền).
Khoản 1 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật ghi nhận ủy quyền bằng văn bản, song không có quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác. Quan hệ ủy quyền thường được xác lập bằng văn bản theo hai hình thức là giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự mới chỉ có quy định về hợp đồng ủy quyền từ Điều 562 đến Điều 569. Thời hạn ủy quyền được quy định tại Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015: Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Ủy quyền trong thi hành án dân sự
Luật Thi hành án dân sự có những quy định sau về những trường hợp ủy quyền của người được thi hành án:
Thứ nhất, ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án
Khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định: Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Theo đó, ngoài việc tự mình thi hành án, người được thi hành án có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án hộ mình. Hình thức thực hiện bao gồm: nộp đơn, trực tiếp trình bày bằng lời nói, gửi đơn qua bưu điện.
Thứ hai, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình
Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vậy, người được ủy quyền là ai và phạm vi ủy quyền của họ như thế nào? Người được ủy quyền có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý hay bất kỳ ai có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện việc ủy quyền. Phạm vi ủy quyền của người được thi hành án có thể là ủy quyền một phần công việc hoặc ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình. Theo Điều 129 Luật Thi hành án dân sự, đối với trường hợp người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, có thể ủy quyền cho người khác nhận tiền, tài sản, tuy nhiên văn bản ủy quyền phải có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam. Chấp hành viên sẽ trả tiền, tài sản cho người được ủy quyền.
Thứ ba, ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án
Theo điểm đ khoản 1 Điều 7 và khoản 5 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án có thể ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
Thứ tư, ủy quyền thực hiện khiếu nại về thi hành án dân sự
Người được thi hành án có thể ủy quyền thực hiện một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình cho người khác. Như vậy, căn cứ vào Điều 140 Luật Thi hành án dân sự, người được ủy quyền có thể thay đương sự thực hiện khiếu nại về thi hành án dân sự nếu họ được đương sự ủy quyền.
Bên cạnh đó, người phải thi hành án cũng có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, vì tính chất “phải thực hiện nghĩa vụ” mà phạm vi ủy quyền sẽ có một vài hạn chế nhất định. Dưới đây là quy định của pháp luật về những trường hợp ủy quyền của người phải thi hành án:
Thứ nhất, ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án
Tương tự như người được thi hành án, đương sự ở khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự bao gồm cả người phải thi hành án. Vì vậy, họ có thể ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án và hình thức yêu cầu gồm: nộp đơn, trực tiếp trình bày bằng lời nói, gửi đơn qua bưu điện. Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, nếu người phải thi hành án là phạm nhân, người được ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án mà chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.
Thứ hai, ủy quyền khi xuất cảnh
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trường hợp người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà đã ủy quyền cho người khác (đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ) thay mặt họ giải quyết việc thi hành án thì họ có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Ngoài ra, việc ủy quyền phải có công chứng và các bên tham gia không được hủy ngang việc ủy quyền.
Thực tiễn của việc ủy quyền trong thi hành án dân sự
Pháp luật quy định hình thức xác lập quan hệ ủy quyền bằng văn bản có thể là giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cơ quan thi hành án thường yêu cầu văn bản ủy quyền theo mẫu đơn ủy quyền của thi hành án dân sự.
Việc tham gia của luật sư vào các giai đoạn trong tố tụng với các tư cách khác nhau được quy định khá rõ ràng trong các văn bản luật có liên quan. Tuy nhiên, vai trò của luật sư khi tham gia vào giai đoạn thi hành án với tư cách là người được ủy quyền chưa được quy định rõ ràng như các giai đoạn khác. Câu hỏi đặt ra ở đây là khi tham gia vào giai đoạn thi hành án, với tư cách của người được ủy quyền, luật sư được tham gia đến mức độ nào và việc tiếp cận hồ sơ của luật sư đến đâu? Trong thực tế, luật sư khi nhận ủy quyền thực hiện thay các công việc cụ thể của đương sự có những điểm khác với luật sư khi tham gia vào quá trình thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Luật sư với tư cách là người được ủy quyền sẽ có nhiều quyền và nghĩa vụ hơn tư cách luật sư và không bị ràng buộc bởi luật luật sư. Tuy nhiên, luật sư sẽ bị ràng buộc bởi phạm vi ủy quyền của đương sự được ghi nhận trong giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng dịch vụ pháp…
Hiện nay, phần đông mọi người đều có suy nghĩ khi đã ra quyết định trong bản án, mọi việc đã định, sự tham gia của luật sư không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, trái lại, trong quá trình này, sự tham gia của luật sư đóng vai trò rất lớn. Trong quá trình thi hành án, luật sư có thể giúp đương sự đàm phán với bên còn lại về phần nghĩa vụ mà họ phải thực hiện (tiền, tài sản…), có thể giúp đương sự giảm bớt phần nào nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian vừa qua việc tham gia của luật sư trong hoạt động thi hành án còn rất mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, không phát huy được hết vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Pháp luật còn chưa quy định rõ về sự tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án.
- Nhận thức của người dân về vai trò của Luật sư trong thi hành án dân sự còn hạn chế.
- Một số cơ quan thi hành án còn tồn tại các quan điểm cho rằng Luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự sẽ làm phức tạp thêm vụ việc, sẽ vì lợi ích của đương sự mà gây khó khăn, cản trở hoạt động thi hành án dân sự, dẫn đến việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án và luật sư chưa nhịp nhàng, một số cơ quan thi hành án còn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tác nghiệp.
Tóm lại, pháp luật nên quy định rõ ràng hơn đối với tư cách người ủy quyền của luật sư khi tham gia thi hành án để giúp thuận tiện trong quá trình thi hành án cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích của các đương sự.
Như đã nêu ở trên, theo Điều 129 Luật Thi hành án dân sự, người đang chấp hành hình phạt tù có thể ủy quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thông qua văn bản ủy quyền có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam. Tuy nhiên, trong thực tế, có những phạm nhân đang thụ tại các trại xa nơi xử án, hoặc có những trường hợp phạm nhân bị chuyển trại giam. Thực tiễn này đặt ra một vấn đề khó khăn đối với việc xin xác nhận Giám thị trại giam, trại tạm giam, đồng thời cũng gây mất thời gian tổ chức thi hành án. Việc ủy quyền là có thời hạn, vậy nên trong một số trường hợp phạm nhân bị chuyển trại giam mà giấy ủy quyền trước đó đã hết hạn thì việc ủy quyền phải xin xác nhận lại, hoặc một số trường hợp người ủy quyền vẫn phải bổ sung thêm giấy tờ nếu có yêu cầu của cơ quan thi hành án. Do đó, đa số quan điểm cho rằng, đối với việc ủy quyền xin nhận lại tài sản của phạm nhân cần có phương án đơn giản hơn. Việc xin giấy ủy quyền có xác nhận của trại giam chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn còn đối với các tài sản có giá trị nhỏ hoặc các loại giấy tờ thì không nên áp dụng quy định này mà nên giản lược bớt thủ tục để thuận tiện cho các bên tham gia vào quá trình thi hành án.
Như vậy, ủy quyền trong thi hành án ngày càng diễn ra phổ biến vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật. Để đảm bảo việc ủy quyền diễn ra suôn sẻ và đúng pháp luật, cần có sự hiểu biết sâu sắc về các quy định pháp lý, cùng với sự cẩn trọng và minh bạch trong quá trình ủy quyền. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp Luật Thi hành án dân sự và các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác để đương sự thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả quyền của mình trong việc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.