/ Pháp luật - Đời sống
/ Văn Giang, Hưng Yên: HTX Vôi Dân Chủ 'bức tử' sông Hồng?

Văn Giang, Hưng Yên: HTX Vôi Dân Chủ 'bức tử' sông Hồng?

01/12/2021 02:35 |

(LSVN) - Những vi phạm lấn chiếm lòng sông như tập kết hàng hóa trái phép, lấp sông… dù đã được các cấp chính quyền địa phương vào cuộc xử lý song thời gian qua tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, thách thức pháp luật.

                                     Sông Hồng đang bị “bức tử”.

Tự ý san lấp, “bức tử” sông Hồng

Theo giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên cấp cho Hợp tác xã (HTX) Vôi Dân Chủ (địa chỉ xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có vị trí từ Km161+940 đến Km162+040, bên bờ trái của sông Hồng, thuộc địa phận xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có diện tích khoảng 2963m2.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của chính quyền địa phương ngày 11/11/2021 vừa qua, HTX Vôi Dân Chủ đã có hành vi dùng gạch vụn, phế thải xây dựng tự ý san lấp bờ sông Hồng với chiều dài 11m, rộng 16m và ép mố cẩu rộng 8m, dài 3m. Với hành vi trên, UBND xã Thắng Lợi đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HTX Vôi Dân Chủ, người đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Kính với mức phạt bằng tiền là 5 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, HTX Vôi Dân Chủ buộc phải giải tỏa, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Thách thức pháp luật

                  Hiện trạng khu vực bị san lấp trái phép ngày 30/11.

Tuy nhiên, đến nay HTX Vôi Dân Chủ chỉ thực hiện duy nhất hình phạt bằng tiền là 5 triệu đồng. Còn việc hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu thì HTX Vôi Dân Chủ nhất quyết không thực hiện và có dấu hiệu “chống lệnh”.

Cụ thể, tại biên bản làm việc và giao trách nhiệm được lập ngày 11/11/2021, thành phần gồm các ban ngành UBND xã Thắng Lợi và người đại diện pháp luật của HTX Vôi Dân Chủ. UBND xã Thắng Lợi đã yêu cầu HTX dừng việc thi công ép mố cẩu và hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu, trả lại diện tích sông đã bị HTX tự ý san lấp trước ngày 18/11/2021, HTX cũng cam kết chấp hành những nội dung mà HTX đã giao trách nhiệm.

Cam kết là thế, nhưng đến hết ngày 18/11/2021, HTX Vôi Dân Chủ vẫn không thực hiện việc giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu cho sông Hồng.

                 Liệu những chiếc xe này có được phép chở vật liệu đi trên đê?

Ngày 23/11/2021, UBND xã Thắng Lợi tiếp tục có buổi làm việc với HTX Vôi Dân Chủ. Qua đó, UBND xã tiếp tục yêu cầu HTX Dân Chủ thực hiện việc giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 28/11/2021. Tuy nhiên, ngày 30/11/2021, khi phóng viên có mặt tại vị trí vi phạm của HTX Vôi Dân Chủ thì mọi việc vẫn còn nguyên, chưa có bất cứ động thái khắc phục nào từ phía HTX Vôi Dân Chủ.

Phóng viên đã liên hệ với ông Đặng Văn Trận, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, ông Trận cho biết, vừa qua, HTX Vôi Dân Chủ đã tiến hành công chứng hồ sơ, UBND xã đã nhắc nhở việc hoạt động phải theo giấy phép, nếu có thay đổi, hợp tác phải xin ý kiến. Về việc xây dựng trụ cẩu phải xin phép, nhưng phía HTX không thực hiện. UBND xã đã tiến hành xử phạt và báo cáo sự việc lên UBND huyện văn Giang.

Có xử lý dứt điểm?

Trao đổi với một lãnh đạo Hạt Quản lý đê huyện Văn Giang, vị lãnh đạo này cho biết, đã có hai đơn vị ra quyết định xử phạt đối với HTX Vôi Dân Chủ, hiện tại HTX đã xin tỉnh cấp phép. Đối với những vi phạm của HTX Vôi Dân Chủ, nếu UBND xã không giải tỏa được thì Hạt Quản lý đê sẽ tham mưu UBND huyện kiên quyết giải tỏa.

"Đối với những vi phạm của HTX Vôi Dân Chủ, nếu UBND xã không giải tỏa được thì Hạt Quản lý đê sẽ tham mưu UBND huyện kiên quyết giải tỏa, trả lại hiện trạng như ban đầu chứ tuyệt đối không phải phạt để cho tồn tại. Đây rõ ràng là việc biết sai nhưng vẫn cố tình, vừa làm vừa xin phép, đây là việc làm gây “bức tử” sông Hồng bởi có cấp phép cũng không ai đồng ý cho việc lấp sông như thế”, vị này cho biết.

Bên cạnh việc các khu dân cư, cơ sở sản xuất hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Luật Đê điều, thì việc xử lý thiếu cương quyết, chưa kịp thời, hoặc xử lý theo kiểu "phạt cho tồn tại" của nhiều chính quyền địa phương như thời gian qua, đã tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục vi phạm.

Để hệ thống đê điều của tỉnh Hưng Yên có thể ứng phó tốt với mùa mưa bão, bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lũ bão, các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần kiên quyết hơn trong việc giải tỏa các công trình, bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê. Các cấp chính quyền cần sớm xây dựng đường hành lang chân đê, chống tái chiếm và tạo điều kiện thuận lợi về giao thông. Đồng thời, lập quy hoạch rõ ràng về việc bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm các yêu cầu về an toàn đê điều và hành lang thoát lũ... Cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đê, bãi bồi ven sông.

Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

                                                                                                                    PV

Cảnh báo người dân không tham gia đầu tư thực phẩm chức năng APLGO

Lê Minh Hoàng