/ Đời sống - Xã hội
/ Văn hóa đọc và nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên của trường Đại học Tân Trào

Văn hóa đọc và nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên của trường Đại học Tân Trào

13/06/2021 10:55 |

(LSVN) - Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều người lầm tưởng văn hóa nghe, nhìn mới là tiên tiến. Nhưng trong thực tế, văn hóa đọc vẫn luôn là nền tảng của một xã hội học tập, là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mọi người, dù làm những ngành nghề khác nhau, lứa tuổi khác nhau, sở thích và khả năng khác nhau… thì năng lực đọc hiểu vẫn luôn là yêu cầu hàng đầu phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đối với “người học” nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng thì văn hóa đọc lại càng quan trọng hơn, vì nó là một yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của quá trình tự học; đến lượt mình tự học lại đóng vai trò quyết định hiệu quả của quá trình học tập trong nhà trường cũng như trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8, năm 2021 -  Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. 

Có nhiều cách định nghĩa về văn hóa đọc, tựu chung lại có thể tiếp cận khái niệm này theo 2 cách. Theo nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Theo nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Cấu trúc của văn hóa đọc bao gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này được ví như ba vòng tròn đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. 

Để hình thành văn hóa đọc cần cả một quá trình lâu dài với sự phối hợp của cá nhân, gia đình, nhà trường và cả xã hội. Trước hết, cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong suốt quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản. Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân), ví dụ: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách phổ biến khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật ... Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu màu sắc cho nền văn hoá đọc trong xã hội. 

Văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên, bởi nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc thì hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc thì kiến thức thu lượm cũng chẳng được là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Có nhiều quan điểm cho rằng: văn hoá đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa với kỹ năng đọc của họ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng đọc của mỗi cá nhân. Hiện nay quan điểm này cũng đang phát triển và có nội hàm hết sức phong phú. 

Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy sau: 

- Biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí...).

- Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp).

- Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp...

- Biết vận dụng những nội dung đã đọc vào thực tiễn.

Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Ngày nay, người ta đặc biệt lưu tâm tới yếu tố thứ 4: biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ. Vì vậy, hàng năm UNESCO trao giải thưởng xóa mù chữ cho những cá nhân, tập thể không chỉ biết đọc, biết viết đơn thuần, mà phải biết vận dụng những điều đọc được vào cuộc sống của mình, cải thiện được cuộc sống nghèo khổ của chính họ. 

Sinh viên trường Đại học Tân Trào trong ngày sách Việt Nam 21/4.

Ở Việt Nam, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách. Sách truyền thống là sách in hiện nay rất phong phú, nội dung đầy đủ các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn…, hình thức đẹp, bắt mắt, được trình bày trên các chất liệu ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó sách hiện đại dạng điện tử đang trên đà chiếm lĩnh thị trường sách bởi sự tiện dụng và dễ tra cứu của nó. Hệ thống thư viện nước ta hiện nay chủ yếu vẫn lưu trữ và phục vụ bạn đọc các loại sách in.

Ở các thành phố lớn và các trường đại học thì thư viện cũng đã có hỗ trợ các công cụ tra cứu tài liệu điện tử phục vụ nhu cầu nghiên cứu của người đọc. Ngoài ra các thư viện cũng có sự liên kết với nhau trong việc chia sẻ học liệu điện tử. Đây là một xu thế tốt để người học có nhiều hình thức tiếp cận các tài liệu mình cần. Nhất là trong các trường đại học, nguồn học liệu là vô cùng quan trọng phục vụ quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Và việc xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên các trường đại học hiện nay là vô cùng cần thiết. Văn hóa đọc của sinh viên được tiếp nối từ thói quen đọc sách từ các trường phổ thông, cần phải được duy trì, rèn luyện, nâng cao trong quá trình học đại học và nó chính là nền tảng cho kỹ năng đọc và vận dụng vào công việc của họ trong tương lai. Kỹ năng đọc là yêu cầu số một đối với bất kỳ một sinh viên nào.

Trong quá trình giảng dạy tại trường Đại học Tân Trào từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2016 - 2017 tác giả nhận thấy, phần lớn sinh viên của nhà trường còn lười đọc sách và chưa biết cách đọc sách hiệu quả. Vì vậy, từ năm học 2018 - 2019 đến nay, nhà trường đã quán triệt tất cả các khoa, bộ môn phải chú trọng tới việc rèn luyện kỹ năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu học tập cho sinh viên thông qua việc rèn luyện kỹ năng tự học, nâng cao khả năng học tập suốt đời cho người học. Các khoa khi xây dựng chương trình đào tạo phải cung cấp danh mục tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo, ghi rõ trong đề cương chi tiết công khai với người học để người học tìm đọc. 

Trước khi lên lớp, giảng viên có trách nhiệm cung cấp tên các học liệu, chỉ dẫn địa chỉ tìm tài liệu và hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Nhà trường có Cổng thông tin giảng dạy trực tuyến trên website là nơi hướng dẫn sinh viên học tập, nghiên cứu, tham khảo các tài liệu và chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Mỗi lớp, mỗi giảng viên, sinh viên có tài khoản riêng kết nối với nhau cùng khai thác hiệu quả cổng thông tin này. Giảng viên giao việc cho sinh viên trước khi đến lớp và yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị, trả bài cho giảng viên trong buổi học trên lớp và giảng viên có biểu chấm điểm chuẩn bị bài cho sinh viên. Qua đó giảng viên sẽ đánh giá được khả năng tự học, tự nghiên cứu học liệu của sinh viên. 

Ngoài ra, phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng và Phòng Thanh tra – Pháp chế, trưởng Khoa và Bộ môn được cấp quyền giám sát hoạt động dạy và học trên cổng thông tin này. Đây được đánh giá là một phương thức rất hiệu quả để giảng viên hình thành được văn hóa đọc cho sinh viên.

Cùng với đó, khi muốn hình thành văn hóa đọc cho sinh viên, chắc chắn phải xây dựng được một hệ thống tài liệu đọc phong phú, đa dạng và dễ khai thác. Do đó nhà trường luôn chú trọng xây dựng một thư viện hiện đại, quy mô với nguồn học liệu đa dạng, phương thức khai thác học liệu thuận lợi cho cả giảng viên và sinh viên. 

Trường Phổ thông Tuyên Quang tặng 1000 cuốn sách cho Thư viện trường Đại học Tân Trào nhân ngày Sách Việt Nam 21/4/2021.

Thư viện quản lý các tài nguyên của trường Đại học Tân Trào bằng phần mềm ELIB-LRC với đội ngũ nhân viên có nghiệp vụ tốt. Trường có Thư viện điện tử, kết nối với Trung tâm Học liệu Thái Nguyên với quyền được khai thác tài liệu điện tử thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên ngành khác nhau. Thư viện có đầy đủ giáo trình, tài liệu, sách tham khảo (bản cứng/bản mềm) phù hợp để hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thư viện có trên 5500 đầu sách, hơn 180.000 bản sách. Sách Tiếng Việt chiếm trên 90%, còn lại là sách, tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài. Đồng thời, Trường có Thư viện điện tử, kết nối với Trung tâm Học liệu Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin- Thư viện trường Đại học Hùng Vương, Thư viện điện tử trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với quyền được khai thác tài liệu điện tử thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau nhằm làm phong phú thêm nguồn tài liệu. Đặc biệt, gần đây thư viện có kết nối với thư viện điện tử trường Đại học Bắc Philippin, mở ra một kênh khai thác sách nước ngoài cho sinh viên và giảng viên của trường.

Theo số liệu thống kê, số cán bộ, giảng viên, sinh viên đến Trung tâm Thông tin - Thư viện tra cứu tài liệu, truy cập Internet trên thực tế trong 5 năm gần đây là: Năm 2016 có 38.348 lượt bạn đọc, lượt truy cập Internet 15.215 lượt; Năm 2017 có 36.524 lượt bạn đọc, lượt truy cập Internet 24.315 lượt; Năm 2018 có 34.125 lượt bạn đọc, lượt truy cập Internet 30.912 lượt; Năm 2019 có 39.453 lượt bạn đọc, lượt truy cập internet 37.897 lượt; Năm 2020 có 41.465 lượt bạn đọc, lượt truy cập internet 39.976 lượt. Hằng năm vào tuần sinh hoạt công dân, thư viện có hướng dẫn cho sinh viên mới nhập học cách thức sử dụng thư viện, đặc biệt là tra cứu và download tài liệu trong thư viện điện tử của Trường.

Hàng năm, Trung tâm Thông tin - Thư viện tiến hành khảo sát ý kiến sinh viên, cán bộ, giảng viên về mức độ đáp ứng nguồn học liệu ở Thư viện về nhu cầu tra cứu, học tập và nghiên cứu khoa học cũng như lịch hoạt động của Thư viện. Kết quả cho thấy trên 90% sinh viên, cán bộ, giảng viên hài lòng về hệ thống nguồn học liệu cũng như cơ sở dữ liệu trực tuyến của Nhà trường. 

Việc nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên của trường Đại học Tân Trào còn thể hiện qua việc nhà trường thường xuyên tích cực tuyên truyền, giáo dục về vai trò của sách và văn hóa đọc đối với học sinh sinh viên. Ngay từ khi “Ngày sách Việt Nam” được xác định, hàng năm nhà trường đều giao Trung tâm Thông tin – Thư viện chủ trì tổ chức kỷ niệm, thu hút được đông đảo sinh viên và bạn đọc trong và ngoài trường tham gia.

Thời gian tới, để xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên, trường Đại học Tân Trào cần tiếp tục duy trì hoạt động tuyên truyền về vai trò của sách và văn hóa đọc đối với sinh viên, tăng cường giáo dục về văn hóa đọc cho sinh viên thông qua hoạt động dạy học của giáo viên. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn hội của trường Đại học Tân Trào như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức Công đoàn, Hội Văn học nghệ thuật…. Các tổ chức đoàn hội có thể mở các cuộc thi, các sân chơi trí tuệ cho học sinh, sinh viên như: các cuộc thi kể chuyện theo sách, tìm hiểu kiến thức, tìm hiểu lịch sử, hiểu biết tổng hợp… hoặc các cuộc thi viết mà người tham gia phải đọc, phải nghiên cứu mới viết được… để đánh thức niềm đam mê đọc sách của sinh viên. Thư viện, trung tâm hỗ trợ học tập của nhà trường cần thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp để thu hút người đọc như tăng thêm nhiều loại sách hay, tăng cường giới thiệu, quảng bá những cuốn sách hay; có thể lấy một ngày ý nghĩa làm ngày kỷ niệm ngày hội đọc sách của nhà trường. 

Văn hóa đọc đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và lĩnh hội tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe nhìn không có được. Trong những năm qua, trường Đại học Tân Trào đã có nhiều cố gắng trong việc hình thành văn hóa đọc cho sinh viên. Để giữ vững và phát huy được những thành công bước đầu này, Ban Giám hiệu nhà trường cần phải không ngừng đổi mới phương thức quản lý, giáo dục, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp. Có như vậy, mới có thể nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên trong nhà trường, góp phần nâng cao nhận thức khoa học, bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm cao đẹp cho các sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ths. TRẦN THÚY VÂN

Giảng viên trường Đại học Tân Trào

Một số bất cập về pháp lý trong mô hình liên thông 9+ của giáo dục nghề nghiệp

Loan B T Thanh