(LSVN) – Vấn nạn vi phạm bản quyền trên Internet đang là rào cản lớn với ngành công nghiệp nội dung số. Hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam trên mạng không có ai kiểm soát, tác giả của các bài hát này cũng không hề được hỏi, được xin phép, được trả tiền.
Ảnh minh họa.
Từ nhiều năm nay, vi phạm bản quyền nội dung số là một vấn nạn không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực trong đó có cả ngành âm nhạc. Nạn vi phạm bản quyền trên môi trường Internet ở Việt Nam ngày càng gia tăng ở mức báo động với hơn 70 trang web online vi phạm bản quyền và hàng trăm ứng dụng di động sống nhờ vào nội dung vi phạm bản quyền.
Về trách nhiệm hành chính: Căn cứ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Mức phạt tiền áp dụng sẽ khác nhau đối với cá nhân hoặc tổ chức. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Bên cạnh đó pháp luật áp dụng kèm theo các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm quyền tác giả gây ra đối với chủ sở hữu tác phẩm bị xâm phạm
Về trách nhiệm hình sự: Nếu trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các cá nhân, tổ chức này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy đinh tại Điều 225 về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” hoặc Điều 226 về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” Bộ luật Hình sự 2015.
Lỗ hổng trong việc thực hiện quyền sao chép tác phẩm tại Việt Nam
Chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền tài sản nhất định đối với tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trong đó có quyền sao chép tác phẩm. Sao chép tác phẩm là việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hay tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Đây được xem là một bất cập đổi với quyền sao chép tác phẩm tại Việt Nam. Bởi, cụm từ “không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” được hiểu là nếu một người thực hiện hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm của người khác nhưng lại chứng minh được là hành vi đó không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu hoặc chứng minh là hành vi đó đã làm cho tác phẩm “hay” lên thì không vi phạm. Đó là một lỗ hổng khá lớn khiến cho nhiều bên vi phạm “mượn cớ” để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có các bộ luật để bảo vệ quyền lợi cho tác giả, tuy nhiên hiện tượng các cá nhân, tập thể vô tình hoặc cố ý lợi dụng những kẽ hở trong luật để chuộc lợi vẫn diễn ra phổ biến. Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, dễ nhận thấy nhất là hiện tượng photocopy các ấn phẩm, tác phẩm, sách in một cách tràn lan mà không được sự đồng ý của tác giả, rồi sử dụng vào mục đích kinh doanh. Từ trước đến nay, chúng ta hầu như chỉ để tâm đến người sao chép tác phẩm để sử dụng mà quên đi rằng chính những cửa hàng kinh doanh dịch vụ photocopy cũng là những người vi phạm bản quyền tác giả một cách chuyên nghiệp.
Những vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số
Có rất nhiều vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền tác giả trên môi trường số. Điều này không đáng ngạc nhiên, bởi xử lí xâm phạm bản quyền trong môi trường truyền thống ở Việt Nam vốn đã khó khăn, chưa kể đến môi trường số. Thông thường, những kẻ sao chép tác phẩm không bản quyền phải có nơi in ấn, vận chuyển và phân phối tác phẩm đến tay người mua thì trên môi trường số, họ chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, Internet, viễn thông đã tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện hành vi vi phạm một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng rất khó kiểm soát, dễ tái phạm, cách thức vi phạm đa dạng. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ nhưng ngay lập tức lại xuất hiện do tính chất dễ dàng đăng tải, chia sẻ tài nguyên trên mạng Internet.
Tính linh hoạt của môi trường Internet có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong xử lí xâm phạm bản quyền. Các cơ quan chức năng tốn rất nhiều công sức, thời gian để tìm được chứng cứ do hành vi vi phạm trên Internet rất dễ thực hiện và dễ xóa dấu vết.
Mặc dù vấn đề bản sao tạm thời đã được đề cập đến trong nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ, song chỉ quy định riêng cho tổ chức phát sóng, chưa có nội dung về truyền dữ liệu trên Internet. Trong trường hợp tạo ra một bản sao như vậy, nhưng mục đích là truyền đạt tác phẩm tới công chúng chứ không phải sao chép, thì quyền sao chép có được áp dụng hay không. Đây là những góc khuất gây ra rất nhiều khó khăn khi xử lí thực tế?
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Công ty Luật TNHH TGS