/ Tin tức
/ Văn phòng Chính phủ công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020

Văn phòng Chính phủ công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020

17/03/2021 08:49 |

(LSVN) - Sáng 17/3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Buổi họp báo có sự tham gia của các thành viên, các Ban của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, lãnh đạo các đơn vị thuộc VPCP, đại diện các bộ ngành, địa phương, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), các chuyên gia và các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh tham dự buổi họp báo.

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng, gồm: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Năm 2020 đã diễn ra với nhiều khó khăn do tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Khi mà nhiều quốc gia trên thế giới công bố các mức tăng trưởng kinh tế âm và số ca tử vong do nhiễm Covid-19 tăng vọt trong những ngày cuối năm, thì Chính phủ Việt Nam lạc quan với vị trí thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với mức tăng trưởng dương 2,91%. Sự chèo lái của Chính phủ trong 12 tháng chống chọi với đại dịch Covid-19 vừa qua chính là phép thử khó khăn nhất của bộ máy Trung ương và chính quyền địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu “kép” vừa phải khống chế dịch bệnh, vừa phải duy trì phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, APCI 2020 mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và rút ra được 4 bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách:

Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó. Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.

Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.

Những bài học rút ra từ APCI năm nay đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách.

Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2017-2020. Với những đóng góp tích cực vào công tác cải cách TTHC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thạc sĩ, Luật sư LÊ HỒNG LAM

Tổ trưởng Tổ Cải cách TTHC

Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Tổ công tác

Lê Minh Hoàng