/ Kinh tế - Pháp luật
/ VCCI đề nghị ban hành văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19

VCCI đề nghị ban hành văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

Đây là đề xuất của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng động doanh nghiệp, ngày 26/9.

Trước sự suy kiệt về “sức khỏe” của khối doanh nghiệp, ông Công cho rằng không thể dùng biện pháp giãn cách xã hội mãi được, vì kéo dài quá lâu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có thể sụp đổ.

Theo ông Công, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cần tập chú trọng cả cả mặt trận thứ hai, đó là duy trì và phát triển kinh tế.

“Cả hai mặt trận này đều quan trọng và tác động qua lại với nhau. Cụ thể, phòng chống dịch tốt mới duy trì được sản xuất an toàn và sản xuất tốt sẽ tạo tiềm lực để chiến thắng dịch bệnh,” ông Công nói.

Với quan điểm trên, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất hai phương án đối phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Một là cần phải thay đổi quan điểm để nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp như một chủ thể quan trọng trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho doanh nghiệp.

Hai là mặt trận kinh tế vững chắc sẽ tạo nền tảng chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy các chính sách đưa ra cần bảo vệ, hỗ trợ việc duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh an toàn trong điều kiện sống chung với dịch. 

Trên cở sở đó, VCCI đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại các cấp, địa phương cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Trong điều kiện “bình thường mới,” ông Công nhấn mạnh vaccine là ‘chìa khoá’ cho việc mở cửa kinh tế cũng như sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp có nguyện vọng mong các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ được triển khai nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm vô cùng khó khăn như hiện nay.

Ông Công chỉ ra thực tế, công tác phòng chống dịch bệnh đã trở thành một phần không tách rời trong quy trình sản xuất-kinh doanh và quản trị của khối doanh nghiệp. Theo đó, chi phí phòng chống dịch bệnh đã trở thành một phần tất yếu của chi phí sản xuất trong bối cảnh “sống chung” với dịch bệnh,

Do vậy, VCCI đề nghị Chính phủ, Quốc hội chủ động và kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, quy định mới (kể cả pháp luật) phù hợp với điều kiện bình thường mới, tránh nguy cơ chính sách lạc hậu và trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của động của doanh nghiệp.

“Đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

Hơn nữa, Chỉ thị không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài”, ông Công phát biểu.

Còn đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.

PV

Đề xuất quy định mới về bảo lãnh ngân hàng

Lê Minh Hoàng