/ Tin tức
/ VCCI đề nghị chọn đối tượng và phạm vi thanh tra theo quản lý rủi ro

VCCI đề nghị chọn đối tượng và phạm vi thanh tra theo quản lý rủi ro

08/10/2022 04:24 |

(LSVN) - Sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, VCCI đã có văn bản hồi âm đề nghị của UBPL Quốc hội về việc lấy ý kiến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Trong đó, VCCI đã đề nghị Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.

Ảnh minh họa.

Theo VCCI, Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện nay đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục giúp hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thanh tra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan Nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.

Hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra,… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực.

Dự thảo luật có đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra. Quy định như vậy vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp như đề cập ở trên.

Theo đó VCCI góp ý, việc hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành.

Cũng theo VCCI, điều này đã được làm tương tự với việc kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, quy định cụ thể về từng thủ tục hành chính thì vẫn do pháp luật chuyên ngành, nhưng Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính đặt ra những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng và ban hành các quy định thủ tục hành chính. Đây là cơ sở để chấn chỉnh các quy định còn thiếu minh bạch tại pháp luật chuyên ngành. Nhờ có các quy định nguyên tắc như vậy nên cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra và thực hiện hoạt động kiểm tra.

Cụ thể, khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trao quyền kiểm tra cho các cơ quan Nhà nước thì cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định đó. Ví dụ: Phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra; Phải quy định rõ về kế hoạch kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất; Phải quy định rõ về ban hành, gửi nhận quyết định kiểm tra; Phải quy định rõ về người thực hiện kiểm tra; Phải quy định rõ về thời hạn thực hiện kiểm tra tối đa, việc gia hạn, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra; Phải quy định rõ về nội dung, phạm vi, thời kỳ kiểm tra; Có thể quy định các mẫu giấy tờ cần thiết như mẫu quyết định kiểm tra, mẫu biên bản kiểm tra, mẫu kết luận kiểm tra, mẫu biên bản bàn giao tài liệu…

Khi thực hiện việc kiểm tra thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau (trừ khi pháp luật chuyên ngành có quy định khác): Phải có quyết định kiểm tra do người có thẩm quyền ký; Phải cung cấp một bản sao quyết định kiểm tra cho người bị kiểm tra; Quyết định kiểm tra phải nêu rõ căn cứ ra quyết định kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; đổi tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra. Các vấn đề về địa điểm, thời gian làm việc; yêu cầu cung cấp thông tin; thu thập thông tin tài liệu liên quan; kiểm tra xác minh thông tin, tài liệu; niêm phong tài liệu; kiểm kê tài sản; trưng cầu giám định; đình chỉ hành vi vi phạm; tạm giữ tài sản, giấy tờ; yêu cầu phong toả tài khoản;… thực hiện theo các quy định tương tự của Luật Thanh tra, trừ khi pháp luật về chuyên ngành có quy định khác.

Quy định như vậy vẫn bảo đảm rằng pháp luật chuyên ngành có thể đưa ra quy trình kiểm tra khác với luật này, nhưng vẫn xử lý được trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định gì thì vẫn có thể áp dụng tương tự pháp luật thanh tra.

Về nghĩa vụ bảo mật thông tin của đoàn thanh tra, theo VCCI, dự thảo hiện chưa có quy định về việc lựa chọn đối tượng để đưa vào kế hoạch thanh tra cũng như việc quyết định các nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc cơ quan thanh tra lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tuỳ tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng.

Hiện nay, một số cơ quan Nhà nước đã áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong thanh tra như lĩnh vực thuế hải quan. Phương pháp này sẽ chấm điểm rủi ro của các doanh nghiệp, hồ sơ, lô hàng giúp các cơ quan Nhà nước quyết định việc lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra có mức độ rủi ro vi phạm pháp luật cao nhất. Thực tiễn triển khai trong lĩnh vực thuế và hải quan đã cho thấy, phương pháp này mang lại nhiều tác dụng tích cực như giảm thời gian, nhân lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra; tăng hiệu quả hoạt động thanh tra do hướng đến đúng đối tượng có rủi ro cao; tăng động lực tuân thủ cho doanh nghiệp nhằm được hưởng chế độ giám sát tuân thủ tốt hơn; giảm nguy cơ tham nhũng tiêu cực và sự chủ quan khi lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra.

Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo việc tăng cường áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng chưa được triển khai thành chủ trương chung rộng khắp trong các cơ quan Nhà nước.

Về việc này, VCCI đề nghị Luật Thanh tra bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.

Cụ thể như sau: Yêu cầu các cơ quan phải lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; Cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều tiêu chí nhằm chấm điểm rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; Các cơ quan lập công thức chấm điểm rủi ro dựa trên các tiêu chí trong dữ liệu; Thực hiện lựa chọn đối tượng thanh tra định kỳ theo điểm rủi ro của từng đối tượng.

Về thời điểm gửi kế hoạch thanh tra, dự thảo quy định kế hoạch thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định về thời gian gửi Kế hoạch này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định Kế hoạch thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra trong vòng 05 ngày kể từ khi ban hành.

Ngoài các nội dung trên, VCCI còn góp ý cụ thể về các quy định căn cứ ra quyết định thanh tra, nội dung của quyết định này, gửi và công bố quyết định thanh tra, thông báo kế hoạch tiến hành thanh tra...

Liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin của đoàn thanh tra, Dự thảo hiện chưa có quy định rõ ràng về việc bảo mật thông tin của đoàn thanh tra. Trên thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp các đoàn thanh tra hoặc thành viên đoàn thanh tra vội vàng cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bên thứ ba khác khi mới bắt đầu thanh tra doanh nghiệp và thông tin chưa đầy đủ, gây hiểu nhầm và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.

NGUYÊN TRẦN

Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi nào?

Admin