Mặc dù Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn H. (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết, hợp đồng bảo hiểm giữa ông và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (Bảo hiểm MB Ageas) đã bị Công ty này ngụy tạo, giả mạo chữ ký.
Văn bản trả lời của Bảo hiểm MB Ageas với khách hàng
Theo văn bản phản hồi ý kiến khách hàng Nguyễn Văn H. của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (Bảo hiểm MB Ageas) ngày 01/8/2023 cho biết về quy trình tư vấn và cấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) của MB Ageas Life như sau: “- CVTVBH (chuyên viên tư vấn bảo hiểm - PV) tư vấn sản phẩm bảo hiểm tới Khách hàng, sau đó hỗ trợ Khách hàng làm Hồ yêu cầu bảo hiểm điện tử (HSYCBH); - Công ty thẩm định trên bộ HSYCBH (hồ sơ yêu cầu bảo hiểm - PV) điện tử và phát hành bộ HĐBH điện tử; - Bộ HĐBH điện tử được gửi lới Khách hàng; - Theo Điều 10 của Quy tắc, Điều khoản sản phẩm bảo hiển Món Quà Phú Quý được chấp thuận theo công văn số 7732/BTC-QLBH ngày 24/06/2020 của Bộ Tài chính, Khách hàng có 21 ngày để cân nhắc việc tham gia HĐBH hay từ chối tham gia HĐBH;
HĐBH của Quý khách được chúng tôi thực hiện thẩm định và phát hành dựa trên HSYCBH được Quý khách xác nhận hợp lệ và được thực hiện đúng theo quy trình tiêu chuẩn nêu trên. Theo đó, chúng tôi ghi nhận tin nhắn thông báo HĐBH đã được phát hành cùng đường link tra cứu bộ HĐBH điện tử được gửi thành công tới số điện thoại 098556… của Quý khách đăng ký trên HSYCBH điện tử vào 17:01 ngày 04/6/2021. Đồng thời, theo đơn khiếu nại đề ngày 05/7/2023 Quý khách trao đổi đã nhận được Chứng nhận bảo hiểm (bản rút gọn).
Nếu tại thời điểm nêu trên, MB Ageas Life kịp thời ghi nhận được những phản ánh từ Quý khách thì Công ty đã có cơ hội làm rõ và giải quyết các yêu cầu của Quý khách bao gồm cả yêu cầu hủy HĐBH trong 21 ngày cân nhắc”.
Do đó, Công ty Bảo hiểm MB Ageas cho rằng không đủ cơ sở giải quyết quyền lợi cho ông H.
Ông H. cho biết, phía Công ty Bảo hiểm MB Ageas căn cứ vào đâu để từ chối những yêu cầu của ông đưa ra?. Nếu căn cứ vào hợp đồng thì bản thân ông không được đọc, ký và nhận hợp đồng trực tiếp. “Việc tạo lập hợp đồng do nhân viên của Công ty ngụy tạo và giả mạo chữ ký của tôi. Bản thân tôi không hề biết việc có hợp đồng và xác nhận bằng tin nhắn như văn bản của Bảo hiểm MB Ageas trả lời. Sau nhiều lần gọi điện hỏi thì hơn 1 tháng sau tôi mới nhận được 1 tờ chứng nhận qua đường bưu điện. Vậy căn cứ nào để tôi thắc mắc, nếu biết phía Bảo hiểm MB Ageas có hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng thế này thì tôi đã không tham gia”, ông H. nói.
Đồng thời, ông H. cho biết, ông chưa từng gọi điện phản ánh nội dung đến phía Công ty Bảo hiểm MB Ageas, tất cả những thắc mắc ông đều đến trực tiếp Văn phòng giao dịch của Ngân hàng MB và trụ sở Công ty Bảo hiểm MB Ageas hoặc gửi văn bản kiến nghị. Nhưng trong văn bản hồi đáp ý kiến khách hàng của Công ty Bảo hiểm MB Ageas cho rằng ghi nhận ý kiến của ông qua số điện thoại chăm sóc khách hàng.
Hợp đồng của Bảo hiểm MB Ageas có hiệu lực?
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc nhân viên không cung cấp giấy tờ liên quan đến việc giao kết hợp đồng giữa hai bên và giả mạo chữ ký trên hợp đồng thì việc Bảo hiểm MB Ageas giao kết hợp đồng với ông H. chưa đúng theo quy định về hình thức của hợp đồng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Bởi vì phía Bảo hiểm MB Ageas vẫn chưa thực hiện cung cấp cho ông H. bản hợp đồng giao kết bằng văn bản về vấn đề tham gia bảo hiểm của ông. Khi ông H. yêu cầu xuất trình bản hợp đồng gốc bằng văn bản thì phía Bảo hiểm MB Ageas không xuất trình được mà chỉ đưa cho ông xem một bản hợp đồng điện tử với chữ ký giả mạo. Nên trên thực tế, hợp đồng giữa ông H. và Bảo hiểm MB Ageas vẫn chưa được lập thành văn bản và được ông H. ký xác nhận.
Theo Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Phía Bảo hiểm MB Ageas mới chỉ gửi cho ông H. một bản Chứng nhận bảo hiểm qua đường bưu điện. Tuy nhiên, bản Chứng nhận bảo hiểm đó không thể thay thế hợp đồng bảo hiểm, thay vào đó nó chỉ được coi là văn bản đi kèm hợp đồng.
Về hiệu lực hợp đồng, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, căn cứ quy định tại Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 một trong những trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi “hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này”.
“Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo đó, hợp đồng giữa khách hàng và Công ty Bảo hiểm MB Ageas trở nên vô hiệu, do bên phía Công ty Bảo hiểm MB Ageas đã có hành vi gian dối, làm cho khách hàng hiểu nhầm về thời gian tham gia và các quyền lợi sẽ được nhận khi tham gia bảo hiểm. Thậm chí, hợp đồng bảo hiểm này còn không tuân thủ quy định về hình thức do khách hàng không ký, không hề được nhận và được nhìn thấy bản hợp đồng này trên thực tế mà chỉ được biết các thông tin qua lời nói của nhân viên tư vấn”, Luật sư nói.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Cục cũng nhận được một số đơn thư phản ánh đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm, như: Tư vấn viên lừa để khách hàng tham gia bảo hiểm, việc ngụy tạo hồ sơ, giả mạo chữ ký của người tham gia bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đây là các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra. Với các trường hợp này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển các đơn thư có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.
Cần làm gì để làm minh bạch thị trường bảo hiểm nhân thọ?
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc minh bạch thông tin là vô cùng cần thiết để đảm bảo khách hàng hiểu hết các quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định trong quản lý chất lượng đại lý bảo hiểm trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các nguyên tắc khi bán bảo hiểm, nhất là quy trình đào tạo nghiệp vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.
Theo Luật sư Hà, việc vi phạm quy định trong việc bảo hiểm đang ngày càng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. “Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ đã “sập bẫy” bởi sự tư vấn mập mờ của tư vấn viên để rồi ký hợp đồng trong khi không hiểu hết nội dung hợp đồng. Nên cần làm rõ có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lí nghiêm các hành vi vi phạm”, Luật sư Hà kiến nghị.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thanh tra, giám sát bán bảo hiểm qua ngân hàng Ngày 27/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Văn bản số 687/TTg-KTTH về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bán bảo hiểm qua ngân hàng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bán bảo hiểm qua ngân hàng và hoạt động của các công ty bảo hiểm để nhanh chóng xác định, làm rõ có dấu hiệu sai phạm hay không, có hành vi gian dối, lừa đảo, vi phạm pháp luật hay không để có cơ sở xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả, hoàn thành trong tháng 7. Liên quan đến nội dung phản ánh của ông Nguyễn Văn H., Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đặt nội dung làm việc với Bảo hiểm MB Ageas, nhưng sau nhiều lần liên hệ phía Công ty này chưa có thông tin trả lời báo chí. |
PV
Vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nhìn từ hợp đồng bảo hiểm với khách hàng