/ Thuật ngữ pháp lý
/ Vị quan cương nghị khiến kẻ quyền thế phải chùn tay

Vị quan cương nghị khiến kẻ quyền thế phải chùn tay

05/01/2021 17:53 |

LSVNO - Thời Lê, Dương Trực Nguyên nổi tiếng ngay thẳng nên được giao đứng đầu cơ quan chuyên xét hỏi lại các vụ án vua thấy nghi ngờ.

LSVNO - Thời Lê, Dương Trực Nguyên nổi tiếng ngay thẳng nên được giao đứng đầu cơ quan chuyên xét hỏi lại các vụ án vua thấy nghi ngờ.

Ảnh minh họa.

Dương Trực Nguyên đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất khi 33 tuổi, vào năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông (1490). Ông làm quan 19 năm, trải qua bốn triều vua: Lê Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục với nhiều chức vụ. Nhờ tài văn chương, ông là thành viên Hội Tao Đàn nổi tiếng do vua Lê Thánh Tông tổ chức.

Năm 1492, Dương Trực Nguyên được cử giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý, và năm sau thăng tiến làm Hiến sát sứ ty hiến sát sứ thừa tuyên Hải Dương. Tuy nhiên, năm 1493, vì tâu trái ý vua, ông bị giáng xuống chức cũ.

Sau khi vua Thánh Tông qua đời năm 1497, vua Lê Hiến Tông lên ngôi đã cho Dương Trực Nguyên giữ chức Đông các hiệu thư, rồi thăng chức Lại khoa cấp sự trung.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm 1499, ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Nổi tiếng là người cương nghị, thẳng tay trừng trị cường hào và những người cậy quyền thế nên ông được lòng dân. Năm 1500, ông được vua Lê Hiến Tông bổ nhiệm làm Đô đình úy quản lý Ty đình úy.

Ty đình úy là cơ quan mới được cải cách sau khi Lê Hiến Tông lên ngôi. Trước đây, ty Đình uý thuộc vệ Cẩm y, hễ người nào tội nặng, án đáng ngờ, nhà vua có chiếu chỉ xuống thì ty ấy vâng mệnh xét hỏi lại. Dương Trực Nguyên sau đó tiếp tục giữ nhiều chức vụ cao khác trong triều.

Lúc làm Tả thị lang bộ Lễ, năm 1503, Dương Trực Nguyên đã tâu xin đắp đê bên sông Tô Lịch đề phòng lụt, hạn để lợi cho việc nhà nông. Tháng 12 năm ấy Dương Trực Nguyên cai quản Hàn lâm viện sự.

Sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời năm 1504, vua Túc Tông nối ngôi cũng mất sớm, vua Uy Mục lên ngôi đã cử Dương Trực Nguyên làm chánh sứ sang nhà Minh. Đến năm 1509, vua Lê Uy Mục bổ nhiệm Dương Trực Nguyên làm Đô ngự sử đài, chức quan trông coi việc hặc tấu, can gián nhà vua.

Vua Uy Mục do không được lòng dân nên bị Giản Tu công Lê Oanh khởi binh từ Thanh Hoa, tiến đánh kinh thành ép phải nhường ngôi. Uy Mục cho Dương Trực Nguyên cùng với phó tướng là Lê Vũ thống lĩnh cầm quân ra chống lại, nhưng bại trận. Dương Trực Nguyên tử trận tại Châu Cầu, thọ 53 tuổi.

Lê Oanh lên làm vua, xét thấy Dương Trực Nguyên là vị quan tài năng và trung nghĩa, đã truy phong ông chức Ngự sử đài trung đô ngự sử. Dương Trực Nguyên được dân địa phương lập đền thờ và nhiều đời vua đã sắc phong ông làm “Thượng đẳng phúc thần”.

Theo VnExpress