/ Pháp luật - Đời sống
/ Vì sao Bản án phúc thẩm dân sự của TAND TP. Cần Thơ bị kháng nghị?

Vì sao Bản án phúc thẩm dân sự của TAND TP. Cần Thơ bị kháng nghị?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thực tế xét xử cho thấy, nhiều bản án sơ thẩm dân sự của TAND quận, huyện đã xét xử đúng, nhưng không hiểu lý do gì khi xét xử phúc thẩm bản án lại bị cải sửa. Bản án phúc thẩm dân sự số 105/2021/DSPT ngày 02/6/2021 của TAND TP. Cần Thơ là một trong số đó.

Về nội dung vụ án, nguyên đơn anh Nguyễn Minh Toàn có đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất công chứng số 295 ngày 04/6/2013, nội dung anh Nguyễn Minh Toàn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số 283, tờ bản đồ 26, tại tỉnh lộ 917, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho ông Trần Trọng Trường (viết tắt hợp đồng 295) là vô hiệu vì giao dịch này là giả tạo, che dấu giao dịch vay tiền giữa ông Toàn và ông Trường.

Anh Toàn cung cấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng ngày 04/6/2013, người làm chứng là bà Võ Thị Điểm, không công chứng chứng thực (viết tắt là hợp đồng).

Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2020/DSST ngày 15/12/2020 của TAND quận Bình Thủy đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 04/6/2013 giữa anh Nguyễn Minh Toàn và ông Trần Trọng Trường được công chứng tại Văn phòng công chứng 24h, số công chứng 295, quyển số 02/2013/CC-SCC-HĐGD là vô hiệu do giả tạo. Kiến nghị UBND quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN.811498 cấp cho ông Trần Trọng Trường. Anh Nguyễn Minh Toàn được thực hiện lại việc đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2020/DSST cũng tuyên buộc ông Nguyễn Minh Toàn có nghĩa vụ trả cho bị đơn Trần Trọng Trường 909.494.000 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Trường kháng cáo, nguyên đơn cũng kháng cáo.

Tại Bản án phúc thẩm số 105/DSPT ngày 02/6/2021, TAND TP Cần Thơ đã tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Sửa án sơ thẩm

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Minh Toàn về việc yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất công chứng số 295 quyển số 02/2013/CC-SCC-HĐGD ngày 04/6/2013 tại Văn phòng công chứng 24h và đồng ý trả lại số tiền vay 400.000.000 đồng.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Toàn đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm ngày 31/7/2021.

Ngày 24/02/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm số 105/2021/DSPT ngày 02/6/2021 của của TAND TP. Cần Thơ.

Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nêu rõ, tại Điều 7 hợp đồng ngày 04/6/2013 ghi “Hai bên thống nhất khi nào Bên A trả đủ số tiền đã vay của bên B thì bên B có trách nhiệm ký sang tên cho bên A, số tiền vay là 400.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng”.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Trường thừa nhận ông đã ký tên và viết “Tôi đã đọc và đồng ý” tại mục Bên B hợp đồng ngày 04/6/2013 (BL 240). Lời khai nhận này của ông Trường phù hợp với lời khai của nguyên đơn và người làm chứng bà Võ Thị Điểm là hợp đồng này lập tại nhà ông Trường ở TP. HCM khi bà Điểm ký vào hợp đồng thì đã có ghi nội dung tại Điều 7 (BL120, 121). Bà Điểm còn cho rằng, giao dịch chuyển nhượng giữa ông Trường và anh Toàn là nhằm đảm bảo cho việc trả số tiền anh Toàn vay của ông Trường chứ không phải mua bán thật vì bà Điểm chính là người giới thiệu anh Toàn vay tiền của ông Trường. Đồng thời, ông Trường và anh Toàn thống nhất đưa cho bà Điểm giữ tờ hợp đồng chuyển nhượng ngày 04/6/2013 và làm chứng cho thỏa thuận này (BL 84). Như vậy, ông Trường cho rằng ông không biết về nội dung thỏa thuận tại Điều 7 của hợp đồng ngày 04/6/2013 là không có cơ sở chấp nhận.

Ông Trường còn cho rằng anh Toàn tự ghi vào nội dung thỏa thuận tại Điều 7 của hợp đồng ngày 04/6/2013, sau khi ông Trường đã ký vào hợp đồng số 295, hợp đồng ngày 04/6/2013 và trong thời gian chờ Công chứng viên tiến hành các thủ tục hoàn thành việc công chứng nhưng ông Trường không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Ngược lại, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trường thừa nhận việc công chứng của Văn phòng công chứng 24h là đúng.

Mặt khác, tại Điều 7 hợp đồng số 295 không ghi nội dung nên các đương sự đã gạch chéo, còn tại Điều 7 hợp đồng ngày 04/6/2013 thì không có dấu gạch chéo. Điều này chứng minh hợp đồng ngày 04/6/2013 không phải là bản sao của hợp đồng số 295 mà do hai bên tự nguyện lập để xác định có việc vay nợ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là để bảo đảm cho số nợ vay.

Từ những phân tích trên, nhận thấy lời khai của nguyên đơn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ và lời khai của người làm chứng, đủ cơ sở chứng minh việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trường và anh Toàn là giả tạo, nhằm mục đích che giấu giao dịch vay tiền nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số công chứng 295 ngày 04/6/2013 giữa anh Toàn và ông Trường vô hiệu; công nhận giao dịch vay tiền giữa anh Toàn và ông Trường có hiệu lực pháp luật là theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005. Bên cạnh đó, công nhận sự tự nguyện của nguyên đơn đối với giao dịch vay tiền là theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, các Điều 468, 469 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, bản án phúc thẩm tuyên sửa án sơ thẩm là không có căn cứ, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.

Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm của TAND TP. Cần Thơ, giữ nguyên bản án sơ thẩm của của TAND quận Bình Thủy.

NGUYỄN THÀNH - TRƯỜNG SƠN

Điểm mới về đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy từ 21/5

 

Lê Minh Hoàng