Bị can Cao Minh Quang và bị can Dương Huy Liệu. Ảnh: BCA.
Ngày 11/03, theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an, việc khởi tố với 03 cựu quan chức Bộ Y tế, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nằm trong quá trình điều tra mở rộng, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Cụ thể, 03 người mới bị khởi tố gồm các ông: Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, nguyên Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A - H5N1 và Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế. Trong số này, bị can Nguyễn Nam Liên đang bị tạm giam trong vụ án "nâng khống" kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á.
Cả 03 bị can đều bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó, ông Cao Minh Quang bị bắt tạm giam. Ông Dương Huy Liệu bị áp dụng hình thức ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn ông Nguyễn Nam Liên đang trong quá trình bị tạm giam để điều tra, liên quan đến vụ án trước đó.
Được biết, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra mở rộng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Liên quan vụ án này, trước đó C03 đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Lương Văn Hóa, nguyên Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Thanh Hải, nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Dược phẩm Cửu Long.
Đồng thời, C03 cũng khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long.
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính về thực hiện, quyết toán hợp đồng đặt hàng, giữ lại hơn 3,8 triệu USD tiền giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Liệu đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty CP Dược phẩm Cửu Long.
Do đó, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện ra việc công ty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về những sai phạm trong quá trình thực hiện kế hoạch mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sự việc diễn ra vào thời điểm cuối năm 2005, đầu năm 2006, khi dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát. Ngày 09/11/2005, Bộ Y tế và Công ty Roche - nhà nghiên cứu và phát triển thuốc Tamiflu, đã ký thỏa thuận về việc sản xuất thuốc điều trị cúm có hoạt chất Oseltamivir tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận này, Công ty Roche sẽ cung cấp nguyên liệu và một số tài liệu kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất viên nang có hoạt chất Oseltamivir tại Việt Nam, với báo giá là gần 9.000USD/kg. Đồng thời, Roche cũng cam kết giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc điều trị và dự phòng cúm trong trường hợp đại dịch xảy ra ở Việt Nam.
Tuy vậy, với lý do là Roche chỉ cung cấp nguyên liệu từ tháng 8/2006, mà Việt Nam cần dự trữ trước 30/06/2006 nên thay vì nhập nguyên liệu của Roche với hạn dùng 10 năm, phía Bộ Y tế Việt Nam đã giao 04 công ty (Công ty Dược và Vật tư - Y tế Phú Yên, Công ty CP dược Cửu Long, Công ty CP dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam) tham gia đóng viên Oseltamivir 75mg tại Việt Nam tìm nguồn nguyên liệu khác.
Song, nguyên liệu của 04 công ty này mua chỉ có hạn dùng 0 năm và giá lại đắt gấp đôi: 17.500 - 18.000USD/kg, nâng tổng giá trị nguyên liệu là 27.180.000USD. Nếu đại dịch diễn ra, nguồn thuốc này có thể cứu được 03 triệu người. Nhưng dự báo đó đã không chính xác và hơn 10 triệu viên thuốc được sản xuất ra đã hết hạn sử dụng.
Đồng thời, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu 03 công ty là Công ty Dược và Vật tư - Y tế Phú Yên, Công ty CP dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam phải nộp lại ngân sách 2,8 triệu USD; Công ty CP dược phẩm Cửu Long phải giải trình số tiền 3,8 triệu USD không thanh toán cho bên bán cũng không được nêu trong báo cáo tài chính.
VŨ QUÝ
Bắt giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang