Nội dung vụ án cụ thể như sau: Vào khoảng 16h00 ngày 05/12/2019, Huỳnh Văn Vũ điều khiển xe ôtô chở theo Trần Tuấn Ngọc và Lâm Thành Trọng đi từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Xe chạy qua cửa khẩu khoảng 100m đến phía trước trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, thì Công an tỉnh phối hợp với lực lượng biên phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tiến hành kiểm tra hành chính xe ôtô nêu trên. Cơ quan phát hiện trên xe có mang theo tiền Việt Nam đồng từ Campuchia về Việt Nam nhưng không khai báo với cơ quan chức năng được cấp phép mang tiền qua biên giới với tổng số tiền 698.194.000 đồng. Theo đó Tuấn Ngọc giữ 560.500.000 đồng, Ngọc đưa cho Trọng quản lý số tiền 137.694.000 đồng và 33.540.000 đồng dưới tấm lót sàn xe.
TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm, xử phạt bị cáo Trần Tuấn Ngọc 500.000.000 đồng, bị cáo Lâm Thành Trọng 20.000.000 đồng, trả tự do cho các bị cáo tại phiên tòa.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo không kháng cáo. VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có kháng nghị, đề nghị sửa hình phạt tiền thành hình phạt tù và xử lý vật chứng bổ sung.
Ngày 17/5/2022, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm, tại Bản án phúc thẩm số 321/2022/HS-PT đã tuyên chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ-VC3-V1 ngày 05/8/2020 của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; sửa hình phạt tiền thành hình phạt tù, cụ thể 3 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 23/3/2022; khấu trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/12/2019 đến ngày 15/7/2020. Tịch thu sung quỹ nhà nước: một túi xách màu nâu đen có in chữ LV hiệu Louis VUITTON, túi đã qua sử dụng; một túi xách màu đen đã qua sử dụng có dây đeo, trên túi có in hình vuông trên mặt túi.
Theo đó, Luật sư bào chữa cho Trần Tuấn Ngọc tại phiên tòa phúc thẩm đã có đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét để kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, bởi các lý do:
Về tố tụng:
Một là, sau khi án sơ thẩm TAND tỉnh Kiên Giang tuyên bị cáo hình phạt tiền theo khoản 3 Điều 189, điểm q, s, khoản 1 Điều 51, điểm h Điều 52, Điều 54, Điều 58 và Điều 35 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khoản 3 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo không kháng cáo, VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị theo hướng chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù. Trong quá trình từ thời gian án sơ thẩm tuyên đến ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo nhiều lần tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương Biên Hòa.
Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cũng nhiều lần hoãn xét xử, trong đó có lần hoãn đã tiến hành xác minh cho giám định lại. Luật sư của bị cáo cũng đã hai lần đề nghị giám định lại nhưng vẫn không được chấp nhận là vi phạm Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. TAND Cấp cao cũng không có văn bản trả lời “Lý do không giám định lại trước khi vụ án xét xử phúc thẩm”.
Hai là, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo đang trong giai đoạn tại ngoại để điều trị bệnh thì bị bắt tạm giam để chuẩn bị xét xử, như vậy TAND Cấp cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao mà chưa tiến hành xét xử phúc thẩm là vi phạm nguyên tắc “độc lập xét xử”, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được quy định tại Hiến pháp và pháp luật hình sự.
Ba là, sau khi xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên bị cáo hình phạt tiền 500.000.000 đồng, bị cáo không kháng cáo cấp sơ thẩm, không kháng nghị, gia đình bị cáo đã thi hành hình phạt tiền cơ quan thi hành án dân sự. VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị, nhưng nội dung kháng nghị không kháng nghị phần tiền 500.000.000đ đã nộp. Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cũng không tuyên phần này, như vậy là không giải quyết triệt để vụ án tại cấp phúc thẩm.
Bốn là, Kháng nghị số 32/QĐ-VC3-V1 ngày 05/8/2020 của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh do Phó Viện trưởng ký có nội dung không rõ ràng đầy đủ, cụ thể là Mục 2 chỉ kháng nghị theo hướng chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù có thời hạn không xác định bao nhiêu năm và cũng không xác định tù giam hay tù treo.
Về nội dung:
Một là, việc TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao để tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam là chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị cáo. Đặc biệt là bị cáo bị bệnh tâm thần đã và đang điều trị hơn một thập kỷ mà hồ sơ vụ án đã thể hiện.
Hai là, theo quy định hiện hành về việc xuất cảnh của người Việt Nam ra nước ngoài được mang theo 5.000 USD (ngoại tệ mà không phải khai báo). Trên xe có 02 người và một tài xế khi qua cửa khẩu sang nước bạn Campuchia, được phép mang số tiền VNĐ tương đương 15.000 USD (mười lăm nghìn đô la Mỹ) lẽ ra phải khấu trừ cho bị cáo nhưng chưa được khấu trừ là chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp. Bên cạnh đó, số tiền bị cáo vận chuyển qua biên giới sau đó mua 03 cây thuốc lá 555 đã được đưa trở lại Việt Nam, tức hậu quả nếu có đã được khắc phục kịp thời.
Ba là, chính sách hình sự đối với người bị bệnh tâm thần mất khả năng hoặc hạn chế khả năng nhận thức mà pháp luật nhà nước ra quy định mang tính nhân đạo cao, tạo điều kiện cho họ điều trị bệnh. Trong đó có điều trị bắt buộc mà không nhất thiết phải giam giữ. Mặt khác, tại Kết quả giám định tâm thần số 105/2020/KLGĐ của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ tại TP. Cần Thơ kết luận tại thời điểm phạm tội đương sự có bệnh lý tâm thần, hội chứng ganser. Do vậy việc chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù đối với bị cáo đang điều trị bệnh là chưa phù hợp và quá nghiêm khắc.
Bốn là, khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định rõ đối với tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng hình phạt tiền hoặc phạt tù. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang xử phạt tiền đối với người bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực hành vi là có căn cứ pháp lý vững chắc và có tính nhân đạo cao. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo và gia đình đã nộp 500.000.000 đồng theo bản án tuyên đã thể hiện ý thức khắc phục hậu quả vụ án, thái độ ăn năn hối lỗi.
Từ những cơ sở trên, Luật sư đã có văn bản đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh theo hướng hủy bản án phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2020/HS-ST ngày 15/7/2020 của TAND tỉnh Kiên Giang, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án để bị cáo trị bệnh trong thời gian xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo tính pháp lý và nhân đạo của pháp luật.
NGUYỄN THÀNH - NGỌC OANH
Cần tăng cường các giải pháp để ngăn chặn tội phạm mua bán người