(LSVN) - Gia đình tôi có dự định thành lập hợp tác xã. Vậy, tôi muốn hỏi những điều kiện pháp lý và thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã là gì? Cần có bao nhiêu người thì mới có thể thành lập được hợp tác xã và cách chia lợi nhuận ra sao? Bạn đọc H.T. (Hà Tĩnh) hỏi.
Căn cứ vào Điều 3 Luật hợp tác xã 2012 có quy định về hợp tác xã như sau:
Điều 3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 1. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. |
Theo quy định này thì khi thành lập hợp tác xã phải có ít nhất 07 thành viên tự nguyên thành lập và hợp tác lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm... Như vậy, nếu bạn muốn thành lập hợp tác xã thì bạn sẽ cần có ít nhất 07 thành viên tự nguyện cùng góp vốn để tham gia thành lập hợp tác xã.
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và tài sản. Tài sản, vốn và tư liệu sản xuất của hợp tác xã được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của thành viên khi họ gia nhập hợp tác xã, ngoài ra sẽ là vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Trong hợp tác xã có sự liên kết rộng rãi của những người lao động, của các hộ thành viên, của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp vừa và nhỏ,… thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Sự liên kết và hợp tác này không bị giới hạn bởi số lượng thành viên, quy mô, lĩnh vực và địa bản sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Còn đối với việc chia lợi nhuận của các thành viên trong hợp tác xã sẽ được chia theo quy định tại Điều 46 luật Hợp tác xã 2012 như sau:
Điều 46. Phân phối thu nhập Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối như sau: 1. Trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập; 2. Trích lập các quỹ khác do đại hội thành viên quyết định; 3. Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo nguyên tắc sau đây: a) Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm; b) Phần còn lại được chia theo vốn góp; c) Tỷ lệ và phương thức phân phối cụ thể do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định; 4. Thu nhập đã phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên là tài sản thuộc sở hữu của thành viên, hợp tác xã thành viên. Thành viên, hợp tác xã thành viên có thể giao thu nhập đã phân phối cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quản lý, sử dụng theo thỏa thuận với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. |
Như vậy, sau khi hoàn thành các khoản thuế, phí hay nghĩa vụ tài chính khác thì đối với thu nhập của hợp tác xã lúc này các bạn có thể dùng để trích lập quỹ đầu tư và các quỹ khác, sau đó khoản thu nhập còn lại thì sẽ được phân phối cho từng thành viên dựa trên cơ sở công sức đóng góp, và tỉ lệ vốn góp của từng thành viên.
Điều kiện đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 24 Luật hợp tác xã năm 2012. Theo đó, để có thể thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm (trong trường hợp hợp tác xã kinh doanh ngành nghề yêu cầu phải có điều kiện thì hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật);
- Hồ sơ thành lập theo đúng quy định của pháp luật;
- Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đặt theo đúng quy định tại Điều 22 Luật Hợp tác xã 2012:
Điều 22. Tên, biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định tên, biểu tượng của mình nhưng không trái với quy định của pháp luật. Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “Hợp tác xã” hoặc “Liên hiệp hợp tác xã”. 2. Tên, biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. |
- Có trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 Luật Hợp tác xã năm 2012.
“Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)”.
Thủ tục thành lập
- Trường hợp đăng kí trực tiếp
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.
- Người có thẩm quyền đăng ký cần có bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực đối với công dân Việt Nam; Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực đối với người nước ngoài).
- Trường hợp được ủy quyền thì phải có thêm giấy tờ sau: (1) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực đối với công dân Việt Nam; Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực đối với người nước ngoài); (2) Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Hồ sơ đăng ký hợp tác xã được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã khi:
+ Có đủ giấy tờ theo quy định;
+ Thông tin của hợp tác xã đã được kê khai đầy đủ vào các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hợp tác xã theo quy định;
+ Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã;
+ Đã nộp lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp tác xã, Phòng Tài chính - Kế hoạch trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp đăng ký theo quy định tại Điều 24 Luật Hợp tác xã, Phòng Tài chính - Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hợp tác xã trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Tài chính - Kế hoạch ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp tác xã đối với mỗi một bộ hồ sơ do hợp tác xã nộp trong 01 Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp tác xã
- Trường hợp hồ sơ đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 24 Luật Hợp tác xã, hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng...
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Người có thẩm quyền đăng ký hợp tác xã hoặc người đại diện theo ủy quyền kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
- Trường hợp người được cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký hợp tác xã theo quy định ủy quyền thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký hợp tác xã, thì người được ủy quyền kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ : Hồ sơ đăng ký hợp tác xã qua mạng điện tử hợp lệ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu sau:
- Hồ sơ đăng ký hợp tác xã qua mạng điện tử hợp lệ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu sau: (1) Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được chuyển sang dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy; (2) Các thông tin đăng ký hợp tác xã được nhập đầy đủ và chính xác theo thông tin trong các văn bản điện tử; (3) Hồ sơ đăng ký hợp tác xã qua mạng điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số công cộng của một trong các chủ thể sau đây: (3a) Cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký hợp tác xã theo quy định; (3b) Người được cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký hợp tác xã theo quy định ủy quyền thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký hợp tác xã.
- Trường hợp được ủy quyền thì phải có giấy tờ sau: (1) bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực đối với công dân Việt Nam; Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực đối với người nước ngoài); (2) Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
- Thời hạn để hợp tác xã sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp tác xã qua mạng điện tử là 60 ngày kể từ ngày Phòng Tài chính - Kế hoạch ra Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau thời hạn nêu trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của hợp tác xã, Phòng Tài chính – Kế hoạch sẽ hủy hồ sơ đăng ký hợp tác xã theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
- Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, cá nhân có thẩm quyền đăng ký hoặc người được cá nhân có thẩm quyền ký ủy quyền sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký hợp tác xã qua mạng điện tử.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Tài chính - Kế hoạch gửi thông báo qua mạng điện tử cho cá nhân có thẩm quyền ký hoặc người được cá nhân có thẩm quyền ký ủy quyền để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Hợp tác xã phải nộp hồ sơ bằng văn bản khi nhận giấy chứng nhận đăng ký để đối chiếu và lưu hồ sơ.
Trên đây là những thông tin về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục thành lập hợp tác xã. Hy vọng bài viết trên đây đã giải quyết được thắc mắc những điều cần biết về hợp tác xã của bạn.
THÁI HÀ