/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số nguyên nhân khiến người dân khó đăng nhập vào VNeID

Một số nguyên nhân khiến người dân khó đăng nhập vào VNeID

02/07/2023 12:43 |

(LSVN) - Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), ngoài nguyên nhân cấu hình máy thấp, tốc độ đường truyền mạng kém, việc người dân đăng nhập cùng lúc cũng khiến hệ thống chậm phản hồi dẫn đến khó đăng nhập vào ứng dụng VNeID.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 06 tháng đầu năm 2023 do Bộ Công an tổ chức ngày 30/6/2023. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo.

Theo đó, thông tin tại họp báo, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh về việc họ gặp khó khăn khi đăng nhập và truy cập vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Lý giải vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đối với tất cả các bộ ngành, các địa phương và nhân dân, cho nên lượng đăng ký vô cùng lớn. Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 45 triệu tài khoản VNeID và bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc phục vụ nhân dân.

Về việc người dân gặp khó khi đăng nhập ứng dụng VNeID, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, hiện nay số lượng tài khoản được kích hoạt rất lớn nên tác động đến việc truy cập vào một số khung giờ, đặc biệt từ 19 - 22 giờ lượng đăng nhập vô cùng lớn dẫn đến hệ thống chậm.

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Nguyễn Quốc Hùng, đường truyền, cấu hình điện thoại của người dân cũng là nguyên nhân. Theo đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng, tăng cường mở rộng đường truyền dẫn, nâng cao tốc độ xử lý, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho hay, hiện Bộ Công an đang tăng cường triển khai đề án 06, nghiên cứu, triển khai, mở rộng các tiện ích, ứng dụng từ VNeID để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với ứng dụng VNeID mức độ 2, người dân, doanh nghiệp có thể thay thế một số giấy tờ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chuẩn bị hàng trăm câu trả lời liên quan đến căn cước công dân và định danh điện tử, đăng trên trang thông tin điện tử của Cục. Người dân có thể truy cập và đặt tất cả các câu hỏi, những khó khăn vướng mắc để được giải đáp một cách nhanh chóng nhất.

Theo Bộ Công an, trong 06 tháng đầu năm, toàn quốc đã điều tra, làm rõ gần 19.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, triệt phá 99 băng nhóm tội phạm, bắt và vận động ra đầu thú 2.298 đối tượng truy nã.

Về tội phạm ma túy, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 15.000 vụ với hơn 23.000 đối tượng; thu giữ hơn 300kg heroin, hơn 200kg cần sa; hơn 2.000kg và hơn 01 triệu viên ma túy tổng hợp.

Lực lượng công an toàn quốc cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới, nhất là những vụ án, vụ việc thuộc Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 2.502 vụ và 3.311 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 456 vụ và 1.283 đối tượng phạm tội về tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề bảo mật, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, thông tin tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong thời gian tới sẽ đồng bộ hóa dữ liệu của người sử dụng điện thoại với dữ liệu dân cư để giảm thiểu tội phạm không gian mạng.

Theo Phó Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tính tới nay đã có những nhà mạng đồng bộ được hơn 70 triệu thông tin thuê bao. Sau khi hoàn thiện đồng bộ, người sử dụng các phương tiện có liên quan đến internet sẽ được định danh, giảm được việc các đối tượng dùng sim rác để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là một trong những lợi ích rất rõ trong việc thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Phó Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Lê Xuân Minh cũng cho biết, Bộ Công an đang triển khai Đề án 06, hướng tới Chính phủ số, đồng thời cùng các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện để người dân được hưởng những lợi ích từ CCCD gắn chip và VNeID. Hai thứ này có thể thay thế toàn bộ giấy tờ, có thể dùng để chứng minh nhân thân và hiển thị những giấy tờ liên quan đã được tích hợp.

MINH QUÝ

Quy định mới về khung giá, phương pháp định giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Nguyễn Hoàng Lâm