/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Vị tướng tuổi 90 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” vừa xuất bản

Vị tướng tuổi 90 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” vừa xuất bản

05/01/2021 18:00 |

LSVNO - “Nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc, nhiều người chỉ biết đến cuộc xâm lược của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 cho đến 18/3/1979 (quân Trung Quốc rút về nước). Còn cu...

LSVNO - “Nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc, nhiều người chỉ biết đến cuộc xâm lược của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 cho đến 18/3/1979 (quân Trung Quốc rút về nước). Còn cuộc xâm lược lần thứ hai từ năm 1984, kết thúc năm 1989, diễn ra ở Vị Xuyên (Hà Giang) rất ít được nói tới và rất nhiều người không biết. Cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” đã nói rõ về sự kiện lịch sử này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ với PV Dân Việt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm nay bước sang tuổi 90 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh –Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Phó Tư lệnh –Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên vẫn giữ được sự lanh lẹ, hoạt bát. Vị tướng từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc vừa xuất bản cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, nhân dịp này PV Dân Việt có cuộc trò chuyện với ông.

Ông có thể nói lý do vì sao lại viết cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, cuốn sách này có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi viết cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, ở đây tôi dùng từ “chiến tranh” chứ không phải xung đột. Đây là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc lần thứ 2 (sau tháng 2/1979) diễn ra ở Vị Xuyên (Hà Tuyên, nay tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, Vị Xuyên thuộc Hà Giang). Có thể nói sự kiện lịch sử trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Vị Xuyên gần như ít được nói đến, chính vì thế nhiều người, thậm chí có cả cán bộ trong quân đội không biết có cuộc chiến tranh này. 

Các phương tiện thông tin truyền thông của Nhà nước cũng ít nói tới. Mới đây có anh cán bộ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan báo chí đến phỏng vấn tôi về sự kiện 17/2/1979, qua trò chuyện thấy anh không biết sau năm 1979 còn có sự kiện ở Vị Xuyên.

Nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc, nhiều người chỉ biết đến cuộc xâm lược của Trung Quốc bắt đầu từ 17/2/1979 cho đến 18/3/1979 (quân Trung Quốc rút về nước). Đó là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất (tính từ giai đoạn 1979 -1989).

Còn cuộc xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc diễn ra ở Vị Xuyên, diễn ra năm 1984, kết thúc năm 1989. Đây là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vô cùng ác liệt, thời gian dài hơn rất nhiều so với cuộc thứ nhất, quy mô của cuộc chiến tranh này cũng lớn (địch sử dụng đến 50 vạn quân luân phiên nhau, ta sử dụng 9 sư đoàn luân phiên nhau). Địch tập trung vào 3 xã Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức của huyện Vị Xuyên với chiều rộng khoảng 20km, chiều sâu khoảng 10km.

Mục đích lần này của Trung Quốc khác với tháng 2/1979, thứ nhất là lấn sâu vào lãnh thổ nước ta, vẽ lại đường biên giới; thứ hai tiếp tục phá hoại công cuộc tái thiết đất nước của chúng ta; thứ ba nếu có điều kiện họ tiếp tục lấn sâu thêm.

Tôi viết cuốn sách này là để góp phần giúp cho lịch sử không lãng quên. Thứ hai, trong cuộc chiến tranh này chúng ta hy sinh gần 5.000 bộ đội, đến nay mới lấy được hơn 1.700 hài cốt đưa vào nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên. Chính vì thế cuốn sách này cũng là nhắc nhở thế hệ sau đừng quên sự hy sinh to lớn của những người đã chiến đấu ở Vị Xuyên.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và cuốn "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên" (ảnh PV).

Ông bắt đầu đặt bút viết cuốn sách này khi nào, trong thời gian bao lâu thì "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên" hoàn thành?

- Tôi bắt đầu đặt bút viết từ đầu năm 2019, viết rất nhanh vì tôi là người trực tiếp chỉ huy chiến đấu từ năm 1985 cho đến khi kết thúc chiến tranh (năm 1989), tôi là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên; sau này tôi ở Quân khu 2 làm Phó Tư lệnh –Tham mưu trưởng rồi làm Quyền Tư lệnh Quân khu 2 đến khi nghỉ hưu.

Như vậy tôi có 10 năm ở Quân khu 2 (tỉnh Hà Giang thuộc Quân khu 2), những tư liệu tôi còn nhớ, còn ghi chép lại được. Trước cuốn sách này, nhiều anh em cũng viết hồi ký, tỉnh Hà Giang cũng viết một số sách, tôi cũng tổng hợp thêm một số tư liệu vào “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.

Còn tại sao thời gian trước đây tôi không viết và gửi nhà xuất bản, vì lúc trước không nhà xuất bản nào in. Trước đó tôi cũng từng viết nhiều cuốn sách liên quan đến cuộc chiến đấu ở Vị Xuyên nhưng có cuốn gửi đi cả năm, có cuốn gửi tới 2 năm nhưng không được xuất bản. Sau đó cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang mới in theo kiểu lưu hành nội bộ.

Hiện sĩ quan cấp quân khu chỉ huy mặt trận Vị Xuyên còn 2 người là tôi và Trung tướng Đặng Quân Thụy. Tôi năm nay cũng 90 tuổi nếu mình không viết thì không còn ai để viết, không có tài liệu đầy đủ thì thế hệ sau nhìn sự kiện chỉ mang tính phỏng đoán.

Bộ đội hành quân ra mặt trận năm 1979 (ảnh Trần Mạnh Thường).

Lần này khi gửi cuốn bản thảo “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” ông có lo ngại sẽ không được xuất bản?

- Nói thật, ban đầu tôi cũng nghĩ cuốn sách không xuất bản được, nhưng điều rất mừng là sau khi tôi gửi bản thảo, sau thời gian khá dài đến ngày 27/12/2019, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã có quyết định cho xuất bản. Sách ra đời vào dịp 41 năm sự kiện 17/2/1979. Như tôi đã nói hồi ức của tôi là để lưu lại những tư liệu quan trọng cho thế hệ sau này, để lịch sử không bị lãng quên hoặc lịch sử bị hiểu sai.

Có thể nói, hiện nay những tư liệu về chiến tranh ở Vị Xuyên rất ít. Vừa qua khi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cán bộ ở đây có nói tư liệu về chiến tranh Vị Xuyên rất ít, đề nghị các bác cung cấp cho, và tôi đã cung cấp.

Cuốn sách nói lên sự thật lịch sử là để các thế hệ hiểu đúng chứ không phải là kích động lòng hận thù, thưa ông?

- Tôi viết “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, trong đó cũng nói rõ là không phải để kích động hận thù, chỉ để làm rõ sự kiện lịch sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Như đã nói ở trên, cuốn sách để giúp thế hệ sau hiểu, không bị nhầm lẫn là sau sự kiện 17/2/1979, cuộc chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc đã kết thúc.

Trong cuốn sách tôi đã viết: Việt Nam và Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước đã gắn bó mật thiết, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Những gì họ đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta luôn ghi nhớ.  

Ngày nay, chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không được quên quá khứ. Nhắc tới lịch sử và hiểu đúng lịch sử là để các thế hệ tiếp nối truyền thống yêu nước, không quên những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân ta chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 (ảnh tư liệu).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cuốn "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên" được in 2.000 cuốn, tuy nhiên sách không đưa ra thị trường, chủ yếu để tặng các đồng đội, người quen. Sách được sắp xếp thứ tự theo các phần:

Chương I: Trung Quốc đem hơn 60 vạn quân xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.

Chương II: Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ 2

Phần A - Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ 2 và những hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực ta (ghi lại một số trận tiêu biểu).

Phần B - Hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương Hà Tuyên trên Mặt trận Vị Xuyên.

Phần C - Vị Xuyên - Những dấu ấn không quên.

Thay cho lời kết: Một số hoạt động sau khi kết thúc chiến tranh.

Phần phụ lục là những bài viết, trả lời phỏng vấn của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy với các phương tiện truyền thông về chiến tranh bảo vệ phía Bắc và bảo vệ biên giới Vị Xuyên- Hà Tuyên.

Xin cảm ơn Thiếu tướng !

Lương Kết(thực hiện/Dân Việt)