Ảnh minh họa.
Cụ thể, căn cứ chương trình giám sát, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các thành viên Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, Thường trực HĐND quyết định việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình.
Việc lựa chọn nội dung giải trình được thực hiện căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình và ưu tiên theo các tiêu chí sau đây:
- Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật;
- Vấn đề mới, phức tạp được xã hội quan tâm mà chưa có giải pháp thực hiện;
- Vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ở địa phương; những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế ở địa phương.
Ngoài ra, đại biểu HĐND cùng cấp được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình. Thường trực HĐND quyết định việc mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên giải trình.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã chủ trì, phối hợp với các Ban của HĐND dự kiến kế hoạch tổ chức giải trình để trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định.
PV