/ Kinh tế - Pháp luật
/ Việc tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai nhìn từ Dự án Xây dựng trụ sở - Văn phòng giao dịch tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy

Việc tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai nhìn từ Dự án Xây dựng trụ sở - Văn phòng giao dịch tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy

01/05/2022 06:03 |

(LSVN) - Chậm tiến độ hơn 10 năm, tiếp tục gia hạn và xin tăng thêm chiều cao công trình từ 9 tầng lên 17 tầng, Dự án Xây dựng Trụ sở - Văn phòng giao dịch, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy đang gây nên những điều khó hiểu trong công tác quản lý, tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Việc giải quyết dự án treo vẫn là vấn đề nóng được dư luận và người dân hết sức quan tâm. Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha. Trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha. Trong đó, các thành phố chiếm số lượng đáng kể, như: TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án…

Xử lý thế nào với dự án chậm tiến độ?

Các địa phương dù quyết tâm giải quyết nhưng thực tế việc xử lý dự án treo vẫn “giậm chân tại chỗ”. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn hecta đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Đây là nhiệm vụ mà ngành Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển kinh tế.

Dự án chậm tiến độ gây thất thoát, lãng phí.

Về quản lý ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian qua, Bộ đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo. Một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định mang tính quy phạm để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi.

Cụ thể, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 đã quy định việc thực hiện hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, tại điểm h và điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về các trường hợp thu hồi đất: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Đối với việc thu hồi đất dự án chậm tiến độ, Luật Đất đai 2013 cũng đã quy định rất cụ thể. Điều 64 quy định về các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó điểm i khoản 1 có quy định trường hợp: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Như vậy, trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng thì sẽ được gia hạn sử dụng đất, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp do bất khả kháng.

Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thời điểm tính gia hạn 24 tháng được xác định như sau:

- Dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì cho phép chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng tính từ tháng thứ 13 kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa;

- Dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa được gia hạn sử dụng đất 24 tháng tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng.

- Dự án được giao đất, cho thuê đất theo tiến độ thì việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng được áp dụng đối với từng phần diện tích đất đó; thời điểm để tính gia hạn tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất đó.

Trường hợp đến thời điểm kiểm tra, thanh tra mới xác định hành vi không sử dụng đất đã quá 12 tháng liên tục hoặc đã chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng được gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định gia hạn.

Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 quy định, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều dự án đã quá hạn, không triển khai tới nhiều năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi hay xử lý nghiêm; thậm chí dự án “treo” vẫn tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Dự án tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy 13 năm chậm tiến độ

Trong số các tỉnh có dự án treo chậm tiến độ, Hà Nội vẫn “đội sổ” với số lượng dự án lớn. Điều đáng nói, sau gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố nhưng kết quả xử lý dự án treo đạt rất thấp. Báo cáo của HĐND TP. Hà Nội cũng cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”. Trong số đó, Dự án Xây dựng Trụ sở - Văn phòng giao dịch, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (Dự án) do Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên (Công ty Duy Nguyên) làm chủ đầu tư là một ví dụ rất điển hình cho tình trạng này.

Theo đó, ngày 07/7/2009, Công ty Duy Nguyên được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000315 lần đầu để thực hiện Dự án, tiến độ thực hiện trong năm 2009 và 2010.

Công ty được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất tại Quyết định số 4999/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời gian thuê đất là 50 năm với số tiền thuê 177.114.600 đồng/năm.

Công ty Duy Nguyên được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009.

Tại Điều 5 Quyết định số 4999/QĐ-UBND ghi: “Sau 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất ngoài thực địa, nếu Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên không sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc sử dụng đất không đúng nội dung ghi tại Điều 1 Quyết định này thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố thu hồi đất”.

Sau đó, Công ty Duy Nguyên tiếp tục được UBND thành phố cấp Chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 số 01121000315 ngày 10/02/2015 điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2017.

Tại Kết luận thanh tra việc chấp hành Luật Đất đai đối với Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên trong việc thực hiện Dự án Xây dựng trụ sở - văn phòng cho thuê, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy ngày 14/5/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội nêu rõ: “Tại thời điểm thanh tra, Công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích thực hiện dự án nhưng chưa đầu tư xây dựng công trình theo dự án được duyệt, đến nay là 101 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa Công ty chưa đưa đất vào sử dụng, vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất Đai năm 2013”.

Tại Kết luận thanh tra này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố đồng ý đề xuất, kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với Dự án tại đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy do Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên làm chủ đầu tư, với lý do vi phạm quy định tại điểm i khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Tiếp tục, ngày 06/9/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4869/QĐ-UBND về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên sử dụng đất thực hiện Dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Thời gian gia hạn từ ngày 06/9/2019.

Sau đó, đến ngày 14/5/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2141/QĐ-UBND chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó nêu rõ, về tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh như sau: “Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động: Khởi công trước tháng 9/2021, hoàn thành vào tháng 12/2022”.

Sau chậm tiến độ, tiếp tục xin tăng chiều cao công trình

Theo Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án Xây dựng trụ sở - Văn phòng cho thuê, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy do Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên làm chủ đầu tư có diện tích sử dụng đất khoảng 1.885,52m2, quy mô gồm 01 công trình cao 9 tầng và 01 tầng hầm.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6631/QĐ-UBND ngày 02/12/2015, khu đất nêu trên thuộc ô quy hoạch ký hiệu K1-3/CQ1 được xác định chức năng sử dụng là đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chung: mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao công trình tối đa 18 tầng. Đối với chức năng đất hỗn hợp, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa 07 tầng.

Sau hàng chục năm chậm tiến độ, chủ đầu tư tiếp tục xin tăng thêm chiều cao công trình.

Ngày 24/11/2017, UBND TP. Hà Nội có Thông báo 1353/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp về việc xem xét quy hoạch kiến trúc tại ô đất Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên đề xuất điều chỉnh quy hoạch thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, tại nội dung văn bản có nêu: “Đồng ý bổ sung chức năng khách sạn trong dự án theo đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc (lưu ý không bố trí nhà ở trong dự án; nếu toàn bộ làm văn phòng thì cho phép nâng tầng cao tối đa theo quy hoạch phân khu được duyệt; Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện theo quy định”.

Ngày 30/6/2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 3339/QHKT-P1 về việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc dự án Tòa nhà văn phòng, Khách sạn tại số 6 đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, tại nội dung Văn bản có đánh giá, nhận xét sự phù hợp về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế đối với đề xuất điều chỉnh quy hoạch của Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên.

Trong đó, đối với nội dung Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên đề xuất điều chỉnh tầng cao công trình nổi cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tối đa là 17 tầng nổi (bao gồm cả tum thang – nếu có), Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá: “Theo Quy hoạch phân khu H2-2 tầng cao đất hỗn hợp tối đa là 07 tầng. Do vậy, việc Nhà đầu tư đề xuất tăng tầng cao công trình tại đây là chưa đủ cơ sở để xem xét chấp thuận, phải thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tại ô quy hoạch”.

Căn cứ Điều 84 Luật Xây dựng năm 2014, về việc điều chỉnh thiết kế xây dựng. Theo đó, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

- Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng;

- Trong quá trình thi công xây dựng có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả của dự án.

Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều này mà có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu của kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình thì việc điều chỉnh thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

Tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch nêu rõ, đánh giá thực hiện quy hoạch được thực hiện định kỳ hàng năm, năm năm hoặc đột xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 49, Điều 50 Luật Quy hoạch và Nghị định này. Cơ quan đánh giá thực hiện quy hoạch có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá đến cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Quy hoạch.

Căn cứ điều chỉnh quy hoạch, theo Điều 53 Luật Quy hoạch năm 2017, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;

- Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;

- Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;

- Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;

- Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;

- Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;

- Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nếu dự án 17 tầng được thông qua, xây dựng và đi vào hoạt động ngay trong vùng cửa ngõ sẽ không phù với tình hình hạ tầng giao thông của Hà Nội. Việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang là một vấn đề được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hết sức quan tâm và đã ban hành các chương trình, kế hoạch để giải quyết tình trạng này, như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành giao thông... HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý là giải pháp tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô. Tập trung thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác…

Nhà đầu tư kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn được thực hiện dự án

Dự án Xây dựng Trụ sở - Văn phòng cho thuê, trung tâm dịch vụ khách hàng tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có tổng vốn đầu tư là 43,6 tỉ đồng, trong đó vốn tự có là 12 tỉ đồng, vốn huy động hợp pháp là 31,6 tỉ đồng. Tại Văn bản số 991/STC-TCCĐ ngày 09/02/2021 của Sở Tài chính TP. Hà Nội về việc tham gia ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cho biết, Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên có số vốn điều lệ 15 tỉ đồng.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh số 01121000315 ngày 10/02/2015, vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư cam kết là 12 tỉ đồng. Theo Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên, vốn chủ sở hữu của của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2019 là 12.273.922.027 đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu 15.000.000.000 đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 2.726.077.973 đồng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên, vốn chủ sở hữu của của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2020 là 12.084.098.847 đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu 15.000.000.000 đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 2.915.901.153 đồng.

Chủ đầu tư dự án với 2 năm làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, ngày 14/5/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2141/QĐ-UBND chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó nêu rõ, chứng nhận nhà đầu tư là Công ty TNHH Quảng cáo Duy Nguyên.

Việc tiếp tục giao dự án cho chủ đầu tư đã chậm thực hiện tiến độ nhiều lần và kinh doanh thua lỗ khiến dư luận đặt ra dấu hỏi về mặt pháp lý? Theo Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021), hồ sơ năng lực tài chính được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 nêu rõ: “Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư”.

Tại khoản 4 Điều 33 quy định nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư bao gồm:

- Các nội dung thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này;

- Khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;

- Đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

- Các điều kiện khác đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020 về việc triển khai thi hành Luật Đầu tư năm 2020.

Như vậy, Luật Đầu tư năm 2020 không quy định thẩm định năng lực tài chính khi chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có yêu cầu về năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Theo quy định Luật Đất đai, khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định chi tiết về điều kiện đối với người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án:

- Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 hecta trở lên.

- Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy các dự án “treo”, chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí, gây thất thu ngân sách, làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây nhếch nhác, mất mỹ quan.

Theo quy định của Luật Đất đai, dự án được cấp quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng có thể được gia hạn thêm và tối đa 48 tháng phải đưa đất vào khai thác sử dụng. Nếu hết thời gian này, dự án vẫn bỏ hoang, vẫn “treo”, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư và thu hồi đất mà không bồi thường.

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ tại các địa phương, trong đó có Hà Nội đang là vấn đề hết sức bức thiết được đặt ra. Được biết, UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo, đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra đối với 135 dự án.

Với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra đối với 404 dự án.

Kết quả cho thấy, 96 dự án với diện tích 290,9ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm pháp luật đất đai, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; 60 dự án với tổng diện tích ̣95ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng; 63 dự án với tổng diện tích 1.426,1ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội, hi vọng tình trạng quy hoạch treo, chậm tiến độ tại các dự án sẽ được dẹp bỏ. Điều này không chỉ trả lại cho Thủ đô một bộ mặt mỹ quan mà cho thấy việc tuân thủ pháp luật về đất đai và các quy định khác được nghiêm minh, chặt chẽ.

PV

Sẽ kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu các dự án chậm tiến độ

Rà soát, gỡ vướng các dự án chậm tiến độ

Lê Minh Hoàng