/ Pháp luật - Đời sống
/ Chỉ thị của Viện KSND Tối cao: Những bản án vi phạm rõ ràng phải kiên quyết kháng nghị

Chỉ thị của Viện KSND Tối cao: Những bản án vi phạm rõ ràng phải kiên quyết kháng nghị

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-VKSTC về việc tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Ảnh minh họa.

Theo đó, thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 10). Ngoài ra, VKSND các cấp cũng đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm được Tòa án chấp nhận, bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự của Tòa án đúng quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số vi phạm của Tòa án chưa được VKS phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị, số lượng kháng nghị có xu hướng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện kiểm sát chưa đạt yêu cầu... Những tồn tại, hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân như: Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ở nhiều đơn vị chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức; năng lực và tinh thần trách nhiệm của công chức có lúc, có nơi còn hạn chế.

Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị của VKSND, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu VKSND các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với tòa án để nắm rõ số vụ, việc tòa án thụ lý, giải quyết; nắm chắc số lượng bản án, quyết định do tòa án gửi đến… nhằm phát hiện vi phạm của bản án, quyết định, kịp thời thực hiện quyền kháng nghị.

- Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến bỏ lọt vi phạm hoặc nhận thức, áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến quyết định kháng nghị không đủ căn cứ hoặc không cần thiết.

- VKSND các cấp cần rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế đối với từng trường hợp mà VKS rút kháng nghị hoặc kháng nghị của VKS không được tòa án chấp nhận. Rút kinh nghiệm trong việc không phát hiện được vi phạm pháp luật khi kiểm sát bản án, quyết định.

- Đối với các kháng nghị được tòa án xét xử chấp nhận, cần tổng hợp thông báo cho VKS cấp dưới tham khảo, rút kinh nghiệm. Định kỳ sơ kết, tổng kết tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Về công tác kháng nghị phúc thẩm

VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao tăng cường kháng nghị phúc thẩm nhằm giảm tỉ lệ bản án, quyết định của tòa án bị cấp trên hủy sửa mà không có kháng nghị của VKS.

Khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị phúc thẩm thì thông báo bản án, quyết định có vi phạm ngay cho VKS cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Đồng thời cần khắc phục ngay việc VKS cấp dưới sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát, thông báo việc kháng cáo (nếu có) quá chậm lên VKS cấp trên trực tiếp dẫn đến tình trạng khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm thì không còn thời hạn kháng nghị.

Đối với những bản án vi phạm rõ ràng, cụ thể, nghiêm trọng phải kiên quyết kháng nghị.

VKSND các cấp kiểm sát bản án, quyết định dân sự, hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì thông báo đề nghị Viện trưởng VKS có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.

Đối với những đơn do cơ quan Đảng, Nhà nước kiến nghị, yêu cầu VKSND Tối cao xem xét; đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; đơn bức xúc, kéo dài thì phải khẩn trương nghiên cứu, báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo đơn vị để chỉ đạo tập trung xem xét, giải quyết kịp thời.

Vụ 9, Vụ 10 phối hợp với Văn phòng, Thanh tra VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND Tối cao đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị này.

TRẦN MINH

Danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty Cổ phần

Lê Minh Hoàng