/ Pháp luật - Đời sống
/ Vĩnh Phúc: Cần làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Vĩnh Phúc: Cần làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

09/06/2023 19:46 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn của chị Vũ Thanh Thủy (SN 1977, trú tại tổ 2, cụm 2, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) liên quan đến việc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng tín nhiệm của gia đình nạn nhân làm hồ sơ giả mua bán đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhằm chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hiện trạng thửa đất và hồ sơ về thửa đất...

Hình ảnh hiện trạng thửa đất bị tranh chấp. (Ảnh bạn đọc cung cấp).

Theo đơn phản ánh, gia đình chị Thủy có một thửa đất ở từ năm 1958, tại thôn Cầu Trên, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc do ông Vũ Đình Cường (bố chị Thuỷ) đứng tên. Năm 1984, ông Cường có cho em gái ruột là bà Vũ Thị Hồng ở nhờ trên mảnh đất của gia đình, với diện tích đất cho mượn là 300m2, chiều giáp mặt đường quốc lộ 2C là 10m, chiều tiếp giáp nhà ông Lý Thành là 30m. Đến năm 1998, bà Vũ Thị Hồng chuyển đi Đắk Lắk sinh sống.

Năm 1999, bà Vũ Thị Hồng xin ông Cường bán tài sản trên phần diện tích đất mượn của bố ông Cường là căn nhà cấp 4 ba gian. Ông Diệp Minh Long (nguyên Chủ tịch UBND xã Quang Sơn) đến hỏi mua tài sản trên. Ông Cường có thỏa thuận với bà Vũ Thị Hồng, ông Phùng Viết Ban (chồng bà Hồng) và người mua là ông Diệp Minh Long: Phần tài sản trên đất mua bán với bà Hồng, ông Ban, còn phần diện đất phải mua trực tiếp với ông Vũ Đình Cường. Theo đề nghị của ông Diệp Minh Long, ông Cường cho gia đình ông Diệp Minh Long chuyển đến ở trước và làm giấy tờ mua bán đất với ông Cường sau. Về giá bán đất theo giá thị trường tại thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng đất.

Trong đơn chị Thủy cho biết, trong quá trình ở nhờ trên diện tích đất của gia đình ông Cường, ông Diệp Minh Long đã lạm dụng tín nhiệm để làm GCNQSDĐ trên thửa đất của gia đình nhà ông Cường. Ông Diệp Minh Phú (con trai ông Diệp Minh Long hiện đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Quang Sơn) đã làm giả hồ sơ mua bán đất với bà Vũ Thị Hồng và ông Phùng Thế Ban để làm GCNQSDĐ mang tên bà Hà Thị Ngân (vợ ông Phú).

Trong đơn thư chị Thủy khẳng định, gia đình ông Cường chưa bao giờ bán đất cho bất kỳ ai thửa đất trên. Ông Diệp Minh Long, Diệp Minh Phú đều là Chủ tịch UBND xã Quang Sơn đã lợi dụng sự tin tưởng của gia đình ông Cường đã làm giả hồ sơ mua bán đất để chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Cường

Từ nội dung như trên, chị Thủy đã gửi đơn khởi kiện ông Diệp Minh Long và ông Diệp Minh Phú về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; làm giả bộ hồ sơ mua bán đất với bà Vũ Thị Hồng và ông Phùng Thế Ban để làm GCNQSDĐ mang tên bà Hà Thị Ngân; lợi dụng tín nhiệm của gia đình ông Cường làm bộ hồ sơ giả mua bán đất để chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hiện trạng thửa đất và hồ sơ về thửa đất của gia đình ông Cường.

Đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các sai phạm của ông Diệp Minh Phú, và xử lí theo quy định của pháp luật. Thu hồi lại GCNQSDĐ mang tên bà Hà Thị Ngân và hộ gia đình bà Trần Thị Loan, trả đất cho gia đình ông Cường.

Để nắm rõ về vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ bà Vũ Thị Hồng, bà Hồng khẳng định chỉ bán cho ông Long ba gian nhà cấp 4 với giá 20 triệu đồng còn phần đất thì chưa có thoả thuận mua bán.

Trao đổi với phóng viên, ông Diệp Minh Phú, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, (con trai ông Diệp Minh Long, nguyên Chủ tịch UBND xã) cho biết, tranh chấp này diễn ra từ năm 2019, gia đình đã gửi đơn lên cấp xã sau đó được hòa giải nhưng không thành. Sau đó, gia đình tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện, UBND huyện cũng đã lập đoàn về xác minh có kết luận. Về việc giả mạo chữ ký, hồ sơ, Công an huyện cũng đã có xác minh.

Ông Phú cho biết thêm, di chúc của bà Nguyễn Thị Được (mẹ của bà Hồng) để lại tài sản cho bà Hồng và ông Ban từ năm 1984 nhưng lại có nét chữ giống nhau với hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Được, ông Ban, bà Hồng với ông Diệp Minh Phú năm 1999. Nếu gia đình ông Cường nghi ngờ về chữ ký hồ sơ giả về hợp đồng chuyển nhượng thì có thể mời cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.

Từ những thông tin cung cấp, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, cho từ năm 1984 nhưng đến năm 1999 mới lập di chúc và hợp đồng mua bán nên sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995. Pháp luật thời điểm này quy định về việc lập di chúc như sau:

Vì trước thời điểm năm 1999 không có di chúc bằng văn bản nên giả sử có di chúc miệng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 654 BLDS năm 1995 quy định về di chúc miệng: “Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị huỷ bỏ”. Như vậy, nếu như trước thời điểm năm 1999 có di chúc miệng thì sau 3 tháng mà bà Được vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng này sẽ không có giá trị.

Trường hợp đến năm 1999 có di chúc bằng văn bản. Theo quy định tại Điều 670 BLDS năm 1995 quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc: “Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”. Theo quy định tại Điều 636 BLDS năm 1995 quy định về thời điểm, địa điểm mở thừa kế: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết...” Theo quy định tại Điều 30 Luật Đất đai năm 1993 quy định về các trường hợp không được chuyển quyền sử dụng đất, trong đó: “Đất sử dụng không có giấy tờ hợp pháp;...”.

Như vậy, trong trường hợp di chúc được lập hợp pháp thì sau khi bà Được chết thì di chúc mới có hiệu lực, người nhận thừa kế phải làm thủ tục khai nhận thừa kế để được cấp GCNQSDĐ, sau đó mới được phép chuyển nhượng. Việc lập di chúc vào thời điểm năm 1999 nhưng lùi năm trên giấy tờ, hồ sơ lại năm 1984 kể cả trong trường hợp có xác nhận của chính quyền địa phương ở thời điểm hiện tại cũng không đúng với quy định của pháp luật. Bởi, việc này không đúng với sự thật khách quan. Việc xác định thời điểm lập di chúc có liên quan đến việc có hiệu lực của di chúc, khai nhận thừa kế và chuyển nhượng QSDĐ.

Đất là tài sản chung của 2 vợ chồng bà Được, nếu bản di chúc chồng không ký thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 233 BLDS năm 2015 quy định về sở hữu chung của vợ chồng và khoản 1, 2 Điều 237 BLDS năm 2015 quy định về việc định đoạt tài sản chung, trong trường hợp di chúc được lập hợp pháp và có hiệu lực thì việc định đoạt di sản của bà Được chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản riêng trong khối tài sản chung giữa bà Được và chồng (trừ khi vợ chồng có thoả thuận từ trước).

Trường hợp hành vi làm giả chữ ký trong giấy chuyển nhượng, di chúc và các giấy tờ về việc mua bán vào thời điểm năm 1999 thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991,1992). Đối với người thực hiện hành vi giả mạo là người có chức vụ thì theo quy định tại Điều 224 quy định về tội "Giả mạo trong công tác", người nào trong khi thực hiện nhiệm vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu hoặc làm và cấp giấy tờ giả, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy công chứng; gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 8 BLHS 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992) quy định về khái niệm tội phạm thì, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Những tội phạm khác là tội phạm ít nghiêm trọng. 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 45 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, không truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua những thời hạn sau đây: Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt từ hai năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn; Mười năm tù đối với các loại tội pham ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt tù trên hai năm; Mười lăm năm đối với các loại tội phạm nghiêm trọng. 

Như vậy, trong trường hợp đủ cấu thành tội phạm thì đây cũng là tội ít nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm và tính đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp làm giả chữ ký trong giấy chuyển nhượng, di chúc... thì người dân nên nộp đơn khởi kiện ra toà án có thẩm quyền để được thụ lý giải quyết.

PV

Nguyễn Mỹ Linh