Các đại biểu cắt băng khánh thành Thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc.
Đây là địa phương thứ 4 của tỉnh và địa phương thứ 2 của Yên Lạc tổ chức khánh thành Khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu.
Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để nằm giữa trung tâm thị trấn Tam Hồng có 3 Tổ dân phố là Bàng Mới, Đình Chợ, Đông Nam.
Với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, Nhân dân hiến 5.660m2 quỹ đất nông nghiệp và hơn 500 ngày công lao động, sau 3 tháng khởi công xây dựng, Khu thiết chế văn hóa, thể thao làng Man Để đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, gồm: Nhà văn hóa rộng 600m2 được trang bị đồng bộ thiết bị, nội thất âm thanh, ánh sáng; đường dạo xung quanh; hệ thống dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời được lắp đặt đồng bộ; 1 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông được chỉnh trang, làm mới.
Làng đã đạt 8/14 tiêu chí và 46/58 nội dung của Làng văn hóa kiểu mẫu, qua đó, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tặng thưởng cho thị trấn Tam Hồng và đơn vị thi công vì đã vượt tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Chúc mừng Nhân dân làng Man Để đã có công trình, không gian văn hóa vừa hiện đại, vừa gần gũi, ấm áp đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho mọi lứa tuổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước khẳng định: Mục tiêu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc là tạo nên những vùng quê đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tuy nhiên, để người dân thực sự được hưởng những thành quả đó, thời gian tới, huyện Yên Lạc nói chung, thị trấn Tam Hồng nói riêng cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; xây dựng các mô hình sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, nâng cao năng lực của bộ máy trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Đối với người dân làng Man Để cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan sáng – xanh - sạch - đẹp, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc dựa trên mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, cộng đồng dân cư.
Đặc biệt là từng hộ dân chủ động hơn nữa trong tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế, gìn giữ, phát huy tốt các giá trị văn hóa của địa phương và làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xóm. Tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước để Làng văn hóa Man Để thật sự trở thành Làng văn hóa kiểu mẫu.
THƯƠNG NGUYỄN