Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc Dương Văn An và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo, bàn các giải pháp khắc phục sự cố tàu, xà lan mắc kẹt gầm cầu Vĩnh Phú
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động số I trên sông Phó Đáy cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và yêu cầu các địa phương này triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số 1 đúng quy định.
Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Căn cứ tình hình mưa lũ các tỉnh lân cận, tình hình thời tiết và mức nước các sông trên địa bàn tỉnh, kịp thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương phòng chống khắc phục ảnh hưởng của bão số 3.
Gia cố đê xung yếu đoạn qua thôn Đồng Dừa xã Hải Lựu huyện Sông Lô
Ngay trong đêm 09/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã chỉ đạo yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh duy trì điện thoại mở 24/24; tuyệt đối không chủ quan lơ là, chịu trách nhiệm toàn diện trước các sự cố xảy ra do lỗi chủ quan. Thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và văn bản chỉ đạo số 64 ngày 09/9 của Ban chỉ huy.
Công an huyện Lập Thạch hỗ trợ thu hoạch lúa giúp Nhân dân thôn Tân Lập, xã Đồng Ích
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật tình hình mực nước các sông, đặc biệt sông Phó Đáy hiện đang ở mức cảnh báo. Đài khí tượng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; cung cấp thông tin, dự báo diễn biến mực nước trên các triền sông.
Yêu cầu Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống lụt bão của người dân, rà soát di chuyển ngay các hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở, khu vực ở ngoài đê có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước lũ lên cao của sông Phó Đáy; chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định; cập nhật tình hình thường xuyên báo cáo ngay các sự cố xảy ra trên địa bàn các huyện: Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương.
Thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động nhiều lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu, nguy cơ gây ngập lụt, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của Nhân dân; tiếp tục sát sao, khẩn trương trong thực hiện công tác phòng chống, khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 và diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết.
Người dân di chuyển vật nuôi ra khỏi vùng nước ngập
Trước tình hình nước trên sông Phó Đáy đoạn qua địa bàn các huyện Tam Dương, Lập Thạch đang lên nhanh, gây ngập lụt tại các khu dân cư hai bên triền đê, ngay trong đêm 09/9, huyện Lập Thạch, Tam Dương đã huy động các lực lượng Quân sự, Công an và chính quyền từ cấp huyện tới cấp xã sử dụng các phương tiện tiếp cận, kịp thời sơ tán, di chuyển toàn bộ người, tài sản và vật nuôi vùng ngoài đê sông Phó Đáy tới nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, chốt chặn, đặt cảnh báo không cho người và các phương tiện qua lại trên các tuyến đường bị ngập sâu.
Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm ngập úng nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Lập Thạch bị ngập sâu. Để giảm thiểu thiệt hại cho bà con, Công an huyện Lập Thạch đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ Nhân dân thôn Tân Lập, xã Đồng Ích thu hoạch lúa.
Trên địa bàn huyện Tam Đảo, do mưa lớn đêm 09/9, các ngầm tràn thôn Tân Tiến, cầu Lục Liễu, cầu Đồng Giếng, xã Đạo Trù đã bị ngập, UBND xã đã cử các lực lượng tham gia trực, UBND xã chủ động báo cáo Phòng Giáo dục huyện cho học sinh các trường học trên địa bàn nghỉ học đến khi bảo đảm an toàn mới đi học trở lại.
THƯƠNG NGUYỄN