/ Tin tức
/ Vĩnh Phúc: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng

Vĩnh Phúc: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng

14/11/2024 09:41 |

(LSVN) - Thời gian qua, Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai tích cực đã góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Nhờ đó, nhiều người bệnh đã vượt qua những vấn đề bất ổn tâm lý, ổn định cuộc sống.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp y học cổ truyền

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp y học cổ truyền

Ngày 10/10/1998, Chính phủ đã quyết định đưa Chương trình Phòng chống tâm thần thành Chương trình mục tiêu Y tế quốc gia bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng. Triển khai thực hiện chương trình này, đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện giám sát được 136/136 xã, phường, thị trấn củng cố hồ sơ sổ sách báo cáo và khám định kỳ cho bệnh nhân tại cộng đồng với khoảng hơn 4.300 người bệnh. Từ đầu năm đến nay, có 35 bệnh nhân động kinh, tâm thần phân liệt, trầm cảm phát hiện mới được chuyển về cộng đồng, lập bệnh án, quản lý và cấp phát thuốc miễn phí hằng tháng với sức khỏe ổn định.

Cùng với đó, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên triển khai chương trình khám sàng lọc đối với các đối tượng có nguy cơ cao; phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình quản lý bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại các xã, phường, thị trấn; tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở các kiến thức về phát hiện một số rối loạn tâm thần và tự kỷ… Trong 9 tháng năm 2024, bệnh viện đã thực hiện khám, sàng lọc, tư vấn sức khỏe cho người dân tại 45 xã của 9 huyện, thành phố trong tỉnh với hơn 20.000 lượt người, qua đó, phát hiện hơn 1.100 trường hợp có các vấn đề về sức khỏe tâm thần từ nhẹ đến nặng.

Trên thực tế, với chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, bệnh nhân được điều trị tại gia đình giúp cho họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh ở địa phương, hạn chế tái phát nhập viện điều trị nội trú. Gia đình có người bị bệnh đã hiểu được quyền lợi được cấp phát thuốc tại y tế địa phương hằng tháng. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc đều đặn, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã hòa nhập rất tốt, có thể lao động và nuôi sống bản thân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần còn hạn chế; vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với bệnh nhân tâm thần. Trong khi đó, nhiều người bệnh chưa được điều trị đúng cách, nên tình trạng bệnh không cải thiện; gia đình người bệnh chưa thực sự quan tâm đến việc điều trị, vẫn còn tình trạng cố tình giấu bệnh, không đưa người bệnh đi điều trị do tâm lý sợ bị kỳ thị. Tại các địa phương, đội ngũ cán bộ chuyên trách chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn…

Thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị đối với nhóm người bệnh yếu thế trong xã hội. Trong đó trọng tâm là cùng với đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hậu cần phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong cộng đồng xã hội đối với người bệnh tâm thần, đặc biệt là xóa bỏ quan niệm sai lệch trong việc phòng, tránh phát sinh các rối loạn tâm thần, giảm kỳ thị, xa lánh, mặc cảm đối với người bệnh tâm thần.

THƯƠNG NGUYỄN