Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn triển khai hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát chỉ đạo của Tổng cục Thuế và triển khai nghiêm các quy trình nghiệp vụ để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; kiểm soát chặt việc thực hiện kê khai, nộp thuế, thống kê đầy đủ gia hạn nộp thuế, giảm thuế. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả theo cơ chế một cửa, đảm bảo chất lượng, kịp thời, đúng quy định.
Với những nỗ lực đó, đến hết tháng 6 năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh đạt trên 13.101 tỉ đồng, đạt 52,4% dự toán pháp lệnh và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ sản xuất kinh doanh thực hiện đạt gần 9.892 tỉ đồng; các khoản thu từ đất thực hiện đạt 1.546 tỉ đồng; thu từ các khoản thuế, phí khác đạt 1.663,3 tỉ đồng.
Nhằm siết chặt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ cho từng phòng chuyên môn và từng Chi cục Thuế, tăng cường biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tổng số tiền thuế nợ đến 31/5/2024 trên địa bàn tỉnh là trên 2.274 tỉ đồng, tăng 749,3 tỉ đồng (tăng 49,1%) so với thời điểm 31/12/2023, trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.774 tỉ đồng; nợ khó thu là 328,2 tỉ đồng; và nợ đang xử lý là 172 tỉ đồng. Nguyên nhân nợ thuế tăng cao chủ yếu do phát sinh nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế trong 5 tháng đầu năm và tiền chậm nộp của các các đơn vị nợ từ năm 2023.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024, ngành Thuế Vĩnh Phúc đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế cơ bản để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, dễ thực hiện; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
THƯƠNG NGUYỄN