Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 11 ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 66 của Tỉnh ủy về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song với quyết tâm, sự đổi mới, sáng tạo của thầy và trò, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt những thành tích đáng khích lệ.
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 98 học sinh vào đội tuyển dự thi, có 89 học sinh dự thi đạt giải. Có 01 học sinh dự thi Olympic Sinh học Quốc tế đạt Huy chương Đồng. Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước với 7,464 điểm, đứng thứ nhất toàn quốc; trong đó có 4 thủ khoa các khối thi.
Trong những thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 15 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số đạt thành tích giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh; 88 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải Quốc gia, cấp tỉnh các môn học; 89 em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố và nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được của các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong năm học vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga nhấn mạnh: Để phát triển toàn diện nền Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các nhà trường, nhất là trường có học sinh dân tộc thiểu số, dân tộc nội trú; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục đạo đức, ý thức, pháp luật và sự quyết tâm học tập, rèn luyện cho học sinh vùng dân tộc, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ bậc học phổ thông và thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, tăng cường các giải pháp nhằm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, năng khiếu ở các vùng, miền, các ngành học, bậc học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là các thầy cô giáo là người dân tộc; phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học tỉnh, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài; tuyên truyền, phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tại các vùng dân tộc; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục làm chuyển biến mạnh hơn hoạt động xã hội hóa giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Bà Phùng Thị Kim Nga cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc, thiểu số đặc biệt là Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, quan tâm đến các chính sách đối với giáo viên, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời động viên, khích lệ phong trào học tập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Hội Khuyến học tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để khuyến khích phong trào học tập tại Vĩnh Phúc đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển.
Tại lễ tuyên dương, 15 giáo viên, 138 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt năm học 2023 - 2024 đã được tôn vinh, khen thưởng.
THƯƠNG NGUYỄN