Ảnh minh họa.
Nội dung vụ án cụ thể: Cụ Võ Văn M. (chết năm 1992), cụ Nguyễn Thị U. (chết năm 2014), hai cụ có 05 người con, gồm các ông, bà: Võ Văn Th., Võ Thị Q., Vũ Thị Nh., Vũ Thị D., Vũ Anh T. (chết năm 2014, có vợ là bà Lê Thị Đ. và các con anh Võ Quốc H., chị Võ Thị V.). Khi còn sống, hai cụ tạo lập được nhà trên diện tích đất là 1.680m2 tại Số 553 LTK, Phường 6, thành phố C.M., tỉnh C. Sau khi cụ M. chết, cụ U. chia đất cho các con, ông Võ Văn Th., bà Võ Thị Q. và bà Vũ Thị D. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được cụ U. cho. Riêng phần đất cụ U. cho bà Nh. 216m2, cho ông T. 300m2 vẫn do cụ U. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 633,4m2, sau khi trừ phần đất cho bà Nh., ông T., thì phần đất của cụ U. còn lại 117,4m2. Khi còn sống, cụ U. sống chung với ông T. cùng bà Đ. và 2 con của ông T. và bà Đ. là H. và V .tại căn nhà trên. Cụ U. ngăn nhà thành 01 căn riêng biệt để ở một mình và tự chăm sóc, sau khi cụ U. chết, nhà đất do ông T., bà Ð. quản lý cho đến nay.
Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bà Đ. trả lại nhà đất đo thực tế 188,15m2 và yêu cầu được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để quản lý và thờ cúng cha mẹ; bà Nh được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần cụ U. cho bà 216m2 nay vẫn thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ U.
Bị đơn bà Lê Thị Đ. thừa nhận có việc cụ U. chia đất như nguyên đơn trình bày, phần đất còn lại 633,4m2 là của ông T. Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho “hộ” cụ U. gồm vợ chồng ông T., bà Đ. và hai người con là anh H, chị V. diện tích 633,4m2 nhưng không chứng minh được việc cụ U. cho ông T. nhà đất mà cho rằng vì ông T. là con trai sống chung với cụ U. nên được hưởng nhà đất của cụ U để lại và yêu cầu giao nhà đất tranh chấp cho bị đơn và các con bị đơn quản lý và thờ cúng.
Quá trình giải quyết vụ án
- Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2016/DS-ST ngày 25/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh C quyết định:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu đòi lại tài sản của các nguyên đơn.
Buộc bà Lê Thị Đ., anh Võ Quốc H., chị Võ Thị V. phải giao trả cho các nguyên đơn phần đất gồm sân, nhà, lối đi, nhà mồ với diện tích 188,15m2 tọa lạc tại tại số 553 LTK, Phường 6, thành phố C.M., tỉnh C (Kèm theo bản trích đo hiện trạng ngày 01/12/2015 do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh C lập).
Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BQ746804 ngày 19/11/2013 do Ủy ban nhân dân thành phố CM cấp cho cụ U. Bà Võ Thị Q., bà Vũ Thị H., bà Vũ Thị Nh. có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nhưng không có quyền định đoạt phần di sản thờ cúng khi chưa được sự đồng ý của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ U.
Sau xét xử sơ thẩm, bị đơn bà Đ. và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh H. có đơn kháng cáo không nhất trí với toàn bộ bản án sơ thẩm trên.
- Bản án dân sự phúc thẩm số 138/2017/DS-PT ngày 17/7/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H quyết định:
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Lê Thị Đ. và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Võ Quốc H.; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lê Thị Đ. có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 31/2020/KN-DS ngày 10/6/2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 138/2017/DS-PT ngày 17/7/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2016/DS-ST ngày 25/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh C.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/DS-GĐT ngày 22/6/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 31/2020/KN-DS ngày 10/6/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2016/DS-ST ngày 25/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh C để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp đổi sang tên cụ U ngày 19/11/2013 có diện tích 633,4m2, trừ đi diện tích đất Tòa án công nhận cho bà Nh. 216m2 (đo đạc thực tế 212,7m2) và ông T. 300m2 thì đất của cụ U. chỉ còn 117,4m2 (thực tế 120,7m2), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc bà Đ. và các con phải trả cho các nguyên đơn 188,15m2, vượt quá diện tích thực tế cụ U. còn lại là 67,45m2 (188,15m2 – 120,7m2 = 67,45m2) làm thiệt hại đến quyền lợi của ông T. mà các thừa kế của ông T. là bà Đ. và các con của ông T., bà Đ. được hưởng.
Về căn nhà, các bên đều thừa nhận do cha mẹ xây dựng từ năm 1980. Bà Đ. xác định, năm 1986, ông T. bà Đ. kết hôn và sống cùng cha mẹ tại căn nhà trên, quá trình chung sống, vợ chồng bà có sửa chữa, xây dựng công trình phụ và chăm sóc cha mẹ khi già yếu, ốm đau, lo tang lễ và thờ cúng đến nay. Tòa án các cấp buộc bà Đ. trả nhà đất của cụ U. cho các nguyên đơn nhưng không tính giá trị sửa chữa căn nhà, công trình phụ và công sức bảo quản, gìn giữ tài sản cho vợ chồng bà Đ. là không bảo đảm quyền lợi của vợ chồng bà Đ theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án thấy không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cụ U. có di chúc để lại nhà đất trên làm di sản thờ cúng, theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2015 thì di sản dùng vào việc thờ cúng phải có di chúc của người để lại di sản xác định phần tài sản để làm di sản thờ cúng và chỉ định người quản lý di sản. Như vậy, nhà đất tranh chấp nêu trên là di sản thừa kế của cụ U., không phải là là di sản thờ cúng, Tòa án các cấp xác định nhà đất tranh chấp trên là di sản thờ cúng và giao cho các nguyên đơn quản lý, sử dụng và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ và không đảm bảo quyền lợi cho người thừa kế của ông T.
Mặc dù quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có những vi phạm nêu trên, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại thành phố H đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của đương sự, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của đương sự, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Từ vụ án trên, với những vi phạm đã phát hiện, VKSND Tối cao thông báo để các VKSND các cấp nghiên cứu cùng rút kinh nghiệm chung, nhằm nhận diện được các vi phạm tương tự.
PV
Thái Bình: Khởi tố 3 đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Trà Lý