VKSND Tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong kiểm sát áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh

14/10/2024 09:34 | 16 giờ trước

(LSVN) - Thông qua theo dõi, quản lý tình hình chấp hành pháp luật và kết quả kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh (BBCB) và trực tiếp kiểm sát tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương (VPYTTTW), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao (Vụ 8) đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót mang tính hệ thống, kéo dài chưa được khắc phục triệt để trong thi hành biện pháp tư pháp BBCB tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Trong đó có một phần trách nhiệm của cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân (TAND) có thẩm quyền.

Ảnh minh họa.

VKSND Tối cao vừa ban hành Thông báo số 190/TB-VKSTC ngày 27/9/2024 rút kinh nghiệm trong kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, đề nghị Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác này của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.

Theo đó, những nội dung vi phạm thiếu sót của cơ quan áp dụng biện pháp BBCB đã được VKSND Tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong năm 2023 nhưng đến nay một số Viện Kiểm sát, Tòa án địa phương vẫn còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót, cụ thể:

Ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB không đúng đối tượng

Thứ nhất, nhiều trường hợp TAND, VKSND địa phương quyết định áp dụng biện pháp BBCB đối với trường hợp có kết luận giám định xác định đối tượng bị hạn chế năng lực hành vi và hạn chế khả năng điều khiển hành vi tại thời điểm giám định là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 21, Điều 49 Bộ luật Hình sự (BLHS) và các Điều 447, 449,451, 452  Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), dẫn đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh phải tiếp nhận, điều trị. Thực tiễn cho thấy từ việc tiếp nhận, điều trị của cơ sở chữa bệnh đối với các đối tượng không đủ điều kiện áp dụng biện pháp BBCB dẫn tới việc nhà nước vẫn phải cấp kinh phí để điều trị và phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Như vậy, dẫn đến hệ quả vừa gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và việc giải quyết vụ án bị kéo dài.

Một số trường hợp điển hình như: Bị can Nông Văn Thánh, sinh năm 1968, trú tại Cao Bằng, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 BLHS. Tại bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của VPYTTTW kết luận: “Tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn ổn định, bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Tuy không đủ điều kiện nhưng VKSND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 01/QĐ-VKSCB-P2 ngày 19/7/2024, áp dụng biện pháp tư pháp BBCB đối với Nông Văn Thánh.

Chỉ định cơ sở điều trị bắt buộc không đúng quy định

Trường hợp bị cáo Hoàng Xuân Trường, trú tại Diễn Châu, Nghệ An, bị Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang áp dụng biện pháp BBCB theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TA ngày 05/12/2022 chỉ định Phân Viện pháp y tâm thần Bắc miền Trung có trách nhiệm thi hành.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ, Phân viện pháp y tâm thần Bắc miền Trung không có thẩm quyền tiếp nhận điều trị đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của TAND  tỉnh Kiên Giang.

Nhưng VKSND tỉnh Kiên Giang không kịp thời phát hiện để kiến nghị yêu cầu chỉ định cơ sở điều trị theo quy định pháp luật.

Đình chỉ việc áp dụng biện pháp BBCB khi chưa đủ căn cứ

Có trường hợp cơ quan ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp BBCB khi không có Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần sau điều trị BBCB theo quy định tại Điều 12 Nghị định 64/2011/NĐ-CP.Việc đình chỉ đối tượng khi chưa đủ căn cứ xác định bệnh  ổn định để tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phần nào đến ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cụ thể, TAND thị xã Sơn Tây ra Quyết định đình chỉ biện pháp BBCB số 02/2024/QĐ-TA ngày 29/3/2024 đối với Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1965, trú tại Cao Phong, tỉnh Hòa Bình căn cứ vào Công văn số 476/VPYTTTW- KHTH ngày 27/3/2024 về kết quả hội chẩn đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần. Việc căn cứ Công văn thông báo kết quả hội chẩn để ra Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp BBCB là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 64/NĐ-CP, mà phải căn cứ Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về tình trạng sức khỏe tâm thần sau điều trị BBCB

Việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp BBCB không thống nhất

Qua kiểm tra, VKSND Tối cao (Vụ 8) thấy VPYTTTW còn lưu nhiều quyết định có dấu đỏ của VKS địa phương với nội dung không thống nhất như Quyết định áp dụng biện pháp BBCB có cùng số, ngày tháng năm nhưng có nội dung khác nhau (Quyết định áp dụng biện pháp  BBCB số 01/QĐ-VKSTA ngày 28/3/2024 của VKSND huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đối với Trần Văn Thực và Quyết định áp dụng biện pháp BBCB số 01/QĐ- VKS-P2 ngày 22/9/2022 của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đối với Nguyễn Viết Chung).

Chậm đưa người bị bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở điều trị bắt buộc

Qua trực tiếp kiểm sát tại cơ sở điều trị bắt buộc,VKSND Tối cao (Vụ 8) thấy có nhiều trường hợp, Viện Kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB nhưng trong thời gian dài đối tượng vẫn sinh sống tại địa phương, chậm được đưa đến cơ sở điều trị bắt buộc để điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trật tự xã hội; ảnh hưởng đến hiệu quả công tác điều trị tâm thần; vụ án bị kéo dài, chậm được giải quyết.

Điển hình là trường hợp bị can Trần Văn Thực, sinh năm 1992, bị VKSND huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp BBCB theo Quyết định số 01/QĐ-VKS ngày 20/5/2014. Đến ngày 10/11/2023 (sau gần 10 năm) Thực mới được đưa đi điều trị.  Tương tự là Lê Tuấn Anh, sinh năm 1987 bị VKSND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang áp dụng biện pháp BBCB theo Quyết định số 01/QĐ- VKSVY ngày 13/12/2018 nhưng đến 27/6/2023 (sau gần 5 năm) mới được đưa đi điều trị bắt buộc (tính từ khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đến khi đưa đi BBCB đã hết thời hiệu).

Rút kinh nghiệm trong kiểm sát áp dụng, thi hành bắt buộc chữa bệnh

Những nội dung vi phạm tương tự nêu trên VKSND Tối cao (Vụ 8) đã thông báo rút kinh nghiệm trong năm 2023 nhưng đến nay một số VKSND, Tòa án địa phương vẫn còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót tương tự. Do đó, để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp BBCB, tại Thông báo số 190/TB-VKSNDTC ngày 27/9/2024, VKSND Tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28/6/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao về tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Đối với những trường hợp VKS ra quyết định áp dụng BBCB  không đúng quy định cần ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp tư pháp  BBCB, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, nghiêm khắc kiểm điểm, chấn chỉnh khắc phục.

Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ TAND cùng cấp và cấp dưới trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB; đồng thời tiến hành rà soát và chỉ đạo VKS cấp dưới tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp áp dụng biện pháp BBCB, không đúng quy định của pháp luật để hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, rà soát những trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp BBCB  nhưng chưa được đưa vào cơ sở BBCB, để kiên quyết yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện ngay đưa người vào cơ sở BBCB.

Luật sư HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa