Ảnh minh họa.
Cụ thể:
Vụ thứ nhất: Giữa nguyễn đơn Công ty TNHH Liên hợp xây dựng A (Công ty A) với bị đơn là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông B (Tổng Công ty B) và Công ty TNHH Một thành viên xây dựng công trình giao thông M (Công ty M).
Nội dung vụ án: Công ty M là đơn vị có chủ sở hữu là Tổng Công ty B. Quá trình hoạt động, Công ty M đã ký kết và thực hiện 04 hợp đồng thầu phụ với Công ty A về việc thi công xây dựng một số công trình giao thông cụ thể: Dự án nâng cấp cải tạo QL 1A-HPR2 ĐH-QN (Hợp đồng kinh tế số 60/HĐKT ngày 04/10/2002); Dự án R4, B4 (Hợp đồng nguyên tắc không số ngày 15/11/2000); Dự án cao tốc Thành phố H-TL (Hợp đồng kinh tế số 05a/HĐ-XD/2007 ngày 15/02/2007); Dự án đường cao tốc CG-NB, gói thầu số 4 ngày 06/3/2006. Công ty A đã thi công đúng tiến độ, nghiệm thu công trình và đối chiếu công nợ với Công ty M. Tuy nhiên, đến nay Công ty M và Tổng Công ty B vẫn chưa thanh toán dứt điểm công nợ cho Công ty A. Do đó, Công ty A khởi kiện yêu cầu Tổng công ty B và Công ty M phải liên đới trả cho Công ty A số nợ sau khi đối trừ còn lại số tiền nợ gốc là 10.936.408.249 đồng (Mười tỉ chín trăm ba sáu triệu bốn trăm không tám nghìn hai trăm bốn chín đồng) và 452.312.737 đồng (Bốn trăm năm hai triệu ba trăm mười hai nghìn bảy trăm ba bảy đồng) tiền bảo hành công trình.
Tổng Công ty B thừa nhận Công ty M là đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty B, là đơn vị có tư cách pháp nhân riêng biệt. Hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật với các hoạt động của mình. Tổng Công ty B không ký kết, không bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng mà Công ty A đã ký kết với Công ty M nên không có nghĩa vụ trả nợ. Tổng Công ty B chỉ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở Công ty M phải đối chiếu thanh toán công nợ với các khách hàng, trong đó có Công ty A. Tổng Công ty B cho rằng cả 04 hợp đồng trên Tổng Công ty B đã hoàn thành nghĩa vụ thanh quyết toán cho Công ty M.
Công ty M xác nhận việc còn nợ lại tạm đối chiếu là 10.936.408.249 đồng. Công ty M sẽ trả nợ cho Công ty A khi các thủ tục nghiệm thu thanh toán với Công ty M trong đó gồm các khoản Công ty M và Tổng Công ty B thu theo thủ tục quy định. Đối với số tiền lãi Công ty M không đồng ý vì theo các điều khoản trong hợp đồng giữa Công ty M và Công ty A ký kết không đề cập đến lãi suất. Vì vậy, Công ty M không chấp nhận bảng tính lãi suất mà Công ty A đã tính và gửi Tòa án.
Quá trình giải quyết vụ án
- Bản án sơ thẩm số 15/2013/KDTM-ST ngày 25/9/2013 của TAND quận X tuyên xử (tóm tắt): Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Công ty A.
Buộc Tổng công ty B và Công ty M phải có nghĩa vụ liên đới trả cho Công ty A số tiền nợ phát sinh từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa Công ty A và Công ty M;... Tổng công ty B phải thanh toán trả cho Công ty A số tiền nợ gốc là 5.468.204.124 đồng, tiền lãi chậm trả là 1.600.889.162 đồng. Tổng cộng là 7.249.093.286 đồng...
Không đồng ý với Bản án sơ thẩm Công ty A, Công ty M kháng cáo, Tổng công ty B kháng cáo nội dung không chịu trách nhiệm liên đới thanh toán trả Công ty A và yêu cầu Công ty M phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
- Bản án phúc thẩm số 20/2014/KDTM- PT ngày 05/3/2014 của TAND thành phố H tuyên xử (tóm tắt): (1) Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty A; (2) Không chấp nhận kháng cáo của Tổng công ty B; (3) Xác định Tổng công ty B và Công ty M còn nợ Công ty A 15.887.292.822 đồng trong đó (gốc 10.936.08.249 đồng, lãi 4.498.566.843 đồng, tiền bảo hành 452.317.737 đồng; (4) Tổng công ty B và Công ty M cùng có trách nhiệm trả Công ty A số tiền nêu trên...
Không đồng ý với bản án phúc thẩm Tổng công ty B có đơn đề nghị TAND Cấp cao xem xét bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.
Ngày 20/01/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định kháng nghị số 04/2017/KDTM-KN nội dung đề nghị hủy Bản án số 20/2014/KDTM-PT ngày 05/3/2014 và hủy Bản án sơ thẩm số 15/2013/KDTM-ST ngày 25/9/2013; giao hồ sơ vụ án cho TAND quận X xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Quyết định Giám đốc thẩm số 29/2017/KDTM- GĐT ngày 29/9/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định (tóm tắt): (1) Sửa Bản án số 20/2014/KDTM- PT ngày 05/3/2014... chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A; xác định Công ty M còn nợ Công ty A số tiền 15.887.292.822 đồng... (2) Công ty A có trách nhiệm trả cho Tổng Công ty B số tiền 7.676.873.397 đồng mà cơ quan Thi hành án đã khấu trừ qua tài khoản của Tổng Công ty B trả cho Công ty A theo quyết định của bản án phúc thẩm số 20/2014/KDTM- PT ngày 05/3/2014 của TAND thành phố H. Quyết định Giám đốc thẩm số 29/2017/KDTM-GĐT ngày 29/9/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội có hiệu lực pháp luật. Công ty A có đơn đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 06/9/2021, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐKNGĐT-VKS-KDTM.
- Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 10/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 06/9/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy Quyết định giám đốc thẩm 29/2017/KDTM-GĐT ngày 29/9/2017 của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 20/2014/KDTM- PT ngày 05/3/2014 của TAND thành phố H.
Vụ thứ 2: Giữa nguyên đơn Công ty Cổ phần R với bị đơn là Công ty Xây dựng quốc tế U và Công ty trách nhiệm hữu hạn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty trách nhiệm hữu hạn C quản lý công trình và bảo trì.
Nội dung vụ án: Công ty Xây dựng quốc tế (Công ty U) là nhà thầu chính và Công ty Cổ phần R (Công ty R) là nhà thầu phụ ký Hợp đồng thầu phụ số HVTS0207REE.01 ngày 02/05/2007 về việc Công ty R cung cấp gói thầu 3B “dịch vụ cơ điện” cho Dự án Golden Westlake tại số 151 T. K, quận H, thành phố H (thầu phụ) do Công ty TNHH T là chủ đầu tư (Công ty T). Công ty TNHH C là đơn vị giám sát thi công (Công ty C) với tổng giá trị Hợp đồng là 5.146.969,30 USD (năm triệu một trăm bốn sáu nghìn chín trăm sáu chín Đô la Mỹ và 30 xu) và thời gian thi công kết thúc vào tháng 5/2008.
Quá trình thực hiện Hợp đồng có những phát sinh tăng và được các bên thống nhất với số tiền là 545.702,03 USD (năm trăm bốn lăm nghìn bảy trăm không hai Đô la Mỹ và 03 xu). Tổng giá trị hợp đồng sau khi phát sinh tăng là 5.692.671,33 USD (năm triệu sáu trăm chín hai nghìn sáu trăm bảy mươi một Đô la Mỹ và 33 xu), còn 02 khoản phát sinh giảm các bên chưa thống nhất được dẫn đến tranh chấp gồm 100.640 USD (một trăm nghìn sáu trăm bốn mươi Đô la Mỹ) do Công ty R vi phạm quy định về an toàn; phạt 5% hợp đồng tương đương 257.348,47 USD (hai trăm năm bảy nghìn ba trăm bốn tám Đô la Mỹ và 47 xu) do chậm tiến độ.
Ngày 17/02/2012, Công ty R đã khởi kiện đề nghị TAND thành phố H giải quyết buộc Công ty U phải thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ của Hợp đồng số HVTS0207REE.01 ngày 13/02/2007 là 17.782.155.340 đồng (mười bảy tỉ bảy trăm tám hai triệu một trăm năm năm nghìn ba trăm bốn mươi đồng) bao gồm nợ gốc là 549.978,54 USD tương đương 11.549.549.340 đồng (mười một tỉ năm trăm bốn chín triệu ba trăm bốn chín nghìn ba trăm bốn mươi đồng) và tiền lãi phát sinh tạm tính đến ngày 15/02/2012 là 6.232.606.000đ đồng (sáu tỉ hai trăm ba hai triệu sáu trăm không sáu nghìn đồng). Trường hợp Công ty U không thanh toán số tiền nêu trên thì buộc Công ty T phải thanh toán toàn bộ khoản nợ của Hợp đồng nêu trên.
Quá trình giải quyết vụ án
- Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 49/2018/KDTM - ST ngày 05/11/2018 của TAND thành phố H tuyên: (1) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần R về việc yêu cầu Công ty U và Công ty T liên đới thanh toán số tiền còn nợ của Thỏa thuận hợp đồng thầu phụ ký giữa hai bên ngày 02/05/2007. (2) Buộc Công ty U và Công ty T liên đới hoàn trả cho Công ty R số tiền cụ thể: Tiền gốc là 317.988,47 USD tương đương 7.436.160.000 đồng (Bảy tỉ bốn trăm ba mươi sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng); số tiền lãi là 8.391.734.000 đồng (Tám tỉ ba trăm chín mươi mốt triệu bảy trăm ba mươi tư nghìn đồng). Toàn bộ số tiền nêu trên do Công ty T phải thanh toán cho Công ty Cổ phần R.
Ngày 15/11/2018, Công ty T có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án nêu trên.
- Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 05/2020/QĐ-PT ngày 23/10/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định: “Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 23/2019/TLPT- KDTM ngày 14/06/2019 về “Tranh chấp hợp đồng xây dựng" giữa Công ty Cổ phần R với U và T... Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 49/2018/KDTM- ST ngày 05/11/2018 của TAND thành phố H có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này”.
Ngày 03/02/2021, Công ty T có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 04/01/2021, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội có Thông báo số 16/TB-VKS-KDTM đề nghị xem xét lại đối với Quyết định nêu trên. Ngày 05/10/2021, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/QĐKNGĐT-VKS-KDTM.
- Quyết định giám đốc thẩm số 03/2022/KDTM-GĐT ngày 22/3/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 05/10/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 05/2020/QĐ-PT ngày 23/10/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, hủy Bản án số 49/2018/ KDTM-ST ngày 05/11/2018 của TAND thành phố H. Giao hồ sơ vụ án về TAND thành phố H xét xử lại theo quy định.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm
Vụ thứ nhất, Công ty M là Công ty TNHH một thành viên, có tư cách pháp nhân độc lập nhưng là đơn vị thành viên của Tổng công ty B (Công ty mẹ - Công ty con). Tổng Công ty B là chủ sở hữu và nắm giữ 100% vốn điều lệ của Công ty M, Công ty M chỉ là thành viên dưới quyền thực hiện sự chỉ đạo của Tổng công ty B. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 73; khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014; điểm o khoản 2 Điều 49 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty B năm 2013 thì Tổng Công ty B phải chịu trách nhiệm liên đới đến cùng về các khoản nợ của Công ty M đối với Công ty A.
Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 10/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 06/9/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy Quyết định giám đốc thẩm 29/2017/KDTM-GĐT ngày 29/9/2017 của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 20/2014/KDTM- PT ngày 05/3/2014 của TAND thành phố H là phù hợp, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Vụ thứ hai, trong vụ án này, Công ty T là chủ đầu tư căn cứ vào kết quả trúng thầu đã chỉ định Công ty U là nhà thầu chính ký hợp đồng thầu phụ với Công ty R (trong đó có thỏa thuận về tổng giá trị gói thầu ban đầu, thời gian thi công kết thúc và cam kết thanh toán).
Theo Điều 3 của Thỏa thuận Hợp đồng thầu phụ được ký kết ngày 02/5/2007 giữa Công ty T, Công ty U và Công ty R thì Công ty T là Chủ đầu tư chỉ trực tiếp thanh toán tiền cho Nhà thầu phụ R (khi có xác nhận của Nhà thầu chính). Như vậy, theo thỏa thuận trên thì Công ty T chỉ thay mặt Công ty U thanh toán tiền thẳng cho Công ty R chứ Công ty T không có nghĩa vụ thanh toán hay liên đới thanh toán các khoản tiền mà Công ty U còn nợ Công ty R. Mặt khác, theo Thông báo chung ngày 12/12/2009 giữa Công ty T và Công ty U xác định Công ty T được quyền tự ý định đoạt để thanh toán trực tiếp một phần hoặc toàn bộ khoản tiền đến hạn cho Công ty R, không buộc Công ty T phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty R nếu Công ty U không thanh toán. Bản án sơ thẩm tuyên Công ty T phải có trách nhiệm liên đới thanh toán trực tiếp cho Công ty R vì lẽ công bằng là không đúng vì: Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó và áp dụng trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Quyết định giám đốc thẩm số 03/2022/KDTM-GĐT ngày 22/3/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 05/10/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 05/2020/QĐ-PT ngày 23/10/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, hủy Bản án số 49/2018/ KDTM-ST ngày 05/11/2018 của TAND thành phố H. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố H xét xử lại theo quy định.
Từ hai vụ án cụ thể trên, khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tương tự, VKSND các cấp cần lưu ý phân biệt trường hợp nào liên quan đến quan hệ giữa Công ty mẹ và Công ty con; quan hệ giữa Chủ đầu tư với nhà thầu chính, nhà thầu phụ; liên quan đến việc xác định trách liên đới thanh toán thông qua việc ký kết hợp đồng kinh tế. Từ đó, phân biệt rõ từng trường hợp cụ thể xem ai là người có trách nhiệm thanh toán, ai là người phải chịu trách nhiệm liên đới thanh toán và ai là người không phải chịu trách nhiệm liên đới thanh toán.
PV
Hà Nội ban hành quy định mới về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất