/ Kết nối
/ VKSND Tối cao thông báo rút kinh nghiệm về việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong vụ án ‘Giả mạo trong công tác’

VKSND Tối cao thông báo rút kinh nghiệm về việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong vụ án ‘Giả mạo trong công tác’

19/12/2022 09:00 |

(LSVN) - Qua công tác kiểm tra cáo trạng của VKSND cấp tỉnh, VKSND Tối cao phát hiện trong vụ án Đặng Thị Hoài Thương cùng đồng phạm phạm tội “Giả mạo trong công tác”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tỉnh Tiền Giang, các bị can thực hiện hành vi giả mạo trong công tác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là bỏ lọt hành vi phạm tội.

Ảnh minh họa.

Ngày 12/12/2021,VKSND Tối cao thông báo để VKSND tỉnh Tiền Giang rút kinh nghiệm, khắc phục, hạn chế những vi phạm, sai sót tương tự, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Nội dung và quá trình giải quyết vụ án

Trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, do cần tiền sử dụng cá nhân nên Đặng Thị Hoài Thương, Kế toán Phòng Y tế huyện Tân Phước, Huỳnh Thị Bé Phúc, công chức Liên đoàn Lao động huyện Tân Phước và Lê Thị Thùy, Kế toán Liên đoàn lao động huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất cùng nhau làm giả các tài liệu để lập hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng dưới danh nghĩa là cán bộ, nhân viên của Phòng Y tế và Liên đoàn Lao động huyện vay tín chấp.Tổng cộng, các bị can đã làm 83 tài liệu giả của Phòng Y tế và Liên đoàn Lao động huyện Tân Phước.

Sau đó, Đặng Thị Hoài Thương cùng đồng phạm đã dùng các tài liệu giả này để làm 23 bộ hồ sơ vay tín chấp giả vay tiền tại các ngân hàng, tổng số tiền vay là 2,76 tỉ đồng; các bị can và người có liên quan đã tất toán và giải quyết bằng vụ án dân sự được 15 khoản vay, còn lại chiếm đoạt số tiền 470.447.190 đồng của 08 khoản vay.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc, Lê Thị Thùy về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Tại Cáo trạng số 27/CT- VKSTG-P1 ngày 25/11/2021, VKSND tỉnh Tiền Giang truy tố Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc, Lê Thị Thùy về tội “Giả mạo trong công tác” theo khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Qua công tác kiểm tra cáo trạng, VKSND Tối cao (Vụ 5) phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội của các bị can nên đã có Văn bản số 06/VKSTC-V5 ngày 25/01/2022 đề nghị VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm tra, đánh giá lại hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc, Lê Thị Thủy. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của  VKSND Tối cao (Vụ 5), VKSND  tỉnh Tiền Giang đã rút hồ sơ vụ án và ra Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bổ sung bị can đối với Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc, Lê Thị Thủy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 29/08/2022, VKSND tỉnh Tiền Giang có Cáo trạng số 19/CT-VKSTG-P1 truy tố Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc, Lê Thị Thùy về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Giả mạo trong công tác” theo khoản 3 Điều 174, Khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2022/HS-ST ngày 19/9/2022 của  TAND  tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt Đặng Thị Hoài Thương 23 năm tù; Huỳnh Thị Bé  Phúc  21 năm tù; Lê Thị Thùy 19 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Giả mạo trong công tác”.

Rút kinh nghiệm về việc bỏ lọt hành vi phạm tội

Trong vụ án này, các bị can đã lợi dụng chức vụ,quyền hạn được giao, thực hiện hành vi giả mạo chữ ký của những người có chức vụ, quyền hạn, làm giả 83 tài liệu của Phòng Y tế và Liên đoàn Lao động huyện Tân Phước, với mục đích để được vay  vốn tín chấp tại các ngân hàng.

Do đó Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Thị Hoài Thương, Huỳnh Thị Bé Phúc và Lê Thị Thùy về tội “Giả mạo trong công tác” theo khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi thực hiện hành vi giả mạo trong công tác, các bị can đã sử dụng các tài liệu giả để vay vốn và chiếm đoạt số tiền 470.447.190 đồng của các ngân hàng.

Như vậy, các bị can đã thực hiện hành vi gian dối, sử dụng tài liệu giả để chiếm đoạt tiền vay tại các ngân hàng, đây là hành vi độc lập với hành vi giả mạo trong công tác và đủ yếu tố cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 174  Bộ luật Hình sự. Do không đánh giá đúng từng hành vi phạm tội của các bị can, nên Cơ quan điều tra, VKSND  tỉnh Tiền Giang đã bỏ lọt hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi có văn bản yêu cầu của VKSND Tối cao (Vụ 5), các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang mới thực hiện khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bổ sung bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

ĐẠI HƯNG

Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023

Bùi Thị Thanh Loan