Ảnh minh họa.
Công văn nêu rõ: VKSND Tối cao nhận được Văn bản số 742/BDN ngày 14/6/2023 của Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị giải đáp, hướng dẫn khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình áp dụng pháp luật.
Trong đó, liên quan đến việc xác định tội danh “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” hay “Gá bạc”, theo VKSND Tối cao trường hợp A phạm tội “Đánh bạc” do A có hành vi tham gia đánh bạc cùng các con bạc khác tại địa điểm do A quản lý với tổng số tiền dùng để đánh bạc từ 20 triệu đồng trở lên, thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Do việc đánh bạc là ngẫu nhiên, không thường xuyên, không có hành vi rủ rê, lôi kéo và các hành vi khác thể hiện việc tổ chức đánh bạc và gá bạc nên không xử lý về tội “Tổ chức đánh bạc” hay “Gá bạc”. Để thống nhất khái niệm như thế nào là "Gá bạc' và "Tổ chức đánh bạc" thì cần phải có nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Ngoài ra, về vấn đề xác định tiền đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trong trường hợp A và B là bạn, cùng xem bóng đá, trong đó A tham khảo tỉ số cá cược của nhà mạng rồi cá cược cùng B. Theo VKSND Tối cao, trong trường hợp này cần xem xét kỹ nội dung, cách thức thỏa thuận cá cược của A và B để xác định hình thức đánh bạc, không phụ thuộc vào việc tham khảo tỉ số cá cược của nhà mạng. Nếu A và B là bạn, cùng xem bóng đá và cùng tham gia cá độ với nhau, A trực tiếp chung chi thắng thua với B, A chỉ tham khảo tỉ lệ cá cược của nhà mạng để cùng B thống nhất dựa vào tỉ lệ cá cược mà thắng thua với nhau thì A không phải chủ cá độ bóng đá, xác định tiền đánh bạc như trong trường hợp nhiều người cùng đánh bạc với nhau.
Về việc mua bán số đề dựa theo kết quả xổ số của nhiều công ty xổ số của tỉnh, thành phố trong cùng 1 ngày có cộng dồn tính là 1 lần đánh bạc không? VKSND Tối cao cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề thì một lần chơi số đề được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt, số tiền để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Như vậy, trong cùng 1 ngày với 1 lần mở thưởng ở các đài, nếu người chơi số đề mua số đề của 1 chủ đề mà lấy kết quả ở các đài xổ số ở các tỉnh, thành phố khác nhau nhưng cùng thuộc một đài xổ số miền Trung hoặc miền Nam thì số tiền đánh bạc được xác định là tổng số tiền của tất cả các đài xổ số ở các tỉnh, thành phố thuộc 1 đài cộng lại cho 1 lần đánh bạc, vì trong cùng 1 ngày các đài xổ số ở các tỉnh, thành phố thuộc 1 đài xổ số miền Trung hoặc miền Nam đều mở thưởng cùng một thời điểm (hoàn thành 1 lần đánh bạc).
Bên cạnh đó, liên quan về việc xác định tội danh tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, hay tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo VKSND Tối cao Điều 341 Bộ luật Hình sự là tội danh ghép của tội “Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả”.
Hành vi khách quan của các tội này là “làm” hoặc “sử dụng”, cũng như ý thức chủ quan của người đặt mua tài liệu giả đó về nhằm mục đích để sử dụng, giữa người đặt mua và người trực tiếp làm ra tài liệu giả không có mối quan hệ gì, không có thỏa thuận gì trước về việc mỗi người sẽ thực hiện một công đoạn trong việc làm ra tài liệu giả để bán lại cho người khác và mục đích của 2 đối tượng này đều hoàn toàn khác nhau.
Một bên làm giả theo yêu cầu để bán lại cho người mua nhằm hưởng lợi, một bên cung cấp thông tin, trả tiền cho người làm để mua tài liệu giả theo đúng yêu cầu của mình về nhằm mục đích sử dụng.
Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là trường hợp 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì thấy rằng ý thức chủ quan giữa người trực tiếp làm và người đặt mua là hoàn toàn khác nhau, do đó với các hành vi đặt mua tài liệu giả về sử dụng như trên khi bị phát hiện thì xử lý về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” mới đúng về tội danh và lý luận.
Hơn nữa, trước đó vào ngày 27/4/2021, VKSND Tối cao cũng đã có Văn bản số 1648/VKSTC để trả lời thỉnh thị đối với VKSND tỉnh Bình Phước, tại mục 2 của văn bản nêu rõ: “... Trường hợp không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức...”, cho đến nay VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm hướng dẫn như trên.
PV
Các trường hợp lái xe gây tai nạn không được bảo hiểm bồi thường