/ Trợ giúp pháp lý
/ Với mức lãi suất bao nhiêu thì cấu thành tội 'Cho vay nặng lãi'?

Với mức lãi suất bao nhiêu thì cấu thành tội 'Cho vay nặng lãi'?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tôi có vay 30.000.000 đồng của một tổ chức tín dụng với lãi suất là 4.000.000 đồng/tháng. Vậy, tôi muốn hỏi như vậy có vi phạm pháp luật không? Bạn đọc B.L. (Bắc Giang) có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Thêm vào đó, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ví dụ, trường hợp lãi suất do các bên thỏa thuận và không được vượt quá: 20%/ năm của khoản tiền vay thì lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng

Với quy định về lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng là 1,666% như trên, thì mức lãi phải chịu chỉ là : 30.000.000 x 1,666% = 499.800 đồng/tháng. 

Kể cả 2 bên cho vay và bên vay có thỏa thuận trước về mức lãi, những cũng không được vượt quá 20% khoản tiền cho vay/ năm. Với việc trả lãi 4.000.000 đồng/tháng trên tổng số tiền vay là 30.000.000 đồng, (lãi xuất 13,33%/ tháng), tăng gấp gần 08 lần so với quy định thì đây là mức lãi quá cao so với quy định pháp luật. Trong khi đó, lãi suất suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 x 1,666%/tháng = 8,33%/tháng. 

Như vậy, khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 05 lần trở lên và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hoàn toàn có thể cầu thành tội "Cho vay nặng lãi". 

Việc nhắc nợ khách hàng là một trong những nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng. Càng trong những thời điểm nguy cơ nợ xấu tăng cao thì nhân viên các tổ chức tín dụng càng phải đôn đốc, sát sao hơn. Song không thể vì áp lực đòi nợ mà một số nhân viên thu nợ không giữ được bình tĩnh, liên tục nhắn tin, thậm chí tổ chức "siết" nợ kiểu "xã hội đen", gây bức xúc cho khách hàng. 

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay các công ty tài chính, tổ chức tín dụng cần gia hạn thời gian trả nợ cho người vay đang gặp khó khăn. Người đi vay cần chủ động thông báo cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin gia hạn khoản vay. Trong trường hợp buộc phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thì cũng phải theo đúng trình tự pháp luật. Tuyệt đối không được hành xử thu nợ theo kiểu xã hội đen hay đe dọa, o ép khách hàng,…

Theo quy định pháp luật hiện hành thì công ty tài chính, tổ chức tín dụng không có chức năng thi hành án. Việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực của pháp luật. Do đó việc khủng bố, cưỡng chế tài sản một cách bất hợp pháp có thể bị xử lý hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH 

Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Lập quy hoạch chung cư cũ phải có tính chỉnh trang đô thị

Lê Minh Hoàng