Tại Pháp, căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt đến dòng chảy đầu tư toàn cầu. Những số liệu mới nhất từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy điều đó thông qua các thống kê về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong năm thứ hai liên tiếp, dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm. Tổng đầu tư toàn cầu giảm 11% trong năm 2024, xuống còn 1.493 tỉ USD, so với 1.673 tỉ USD năm 2023.
“Việc tài trợ cho các dự án quốc tế, thiết yếu cho hạ tầng và phát triển, đã sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 26%. Các thương vụ mua bán và sáp nhập xuyên biên giới cũng vẫn dưới mức trung bình dài hạn”, Tổng thư ký UNCTAD, bà Rebeca Grynspan cho biết trong phần mở đầu báo cáo.Điều này phản ánh một xu hướng mang tính cấu trúc: các doanh nghiệp ngày càng ưu tiên đầu tư trong nước hoặc vào các quốc gia đồng minh, do rủi ro chính trị gia tăng, sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI, và mức độ bất định toàn cầu.
Trong bối cảnh bất ổn đó, Mỹ đã thu hút được phần lớn dòng vốn toàn cầu, điều mà có thể làm Tổng thống Donald Trump hài lòng, dù thực tế là thành quả này thuộc về nhiệm kỳ của ông Joe Biden. Năm 2024, Mỹ thu hút 279 tỉ USD vốn FDI, tăng gần 20% so với năm trước. “Xứ Cờ Hoa” vẫn là điểm đến hàng đầu của dòng vốn toàn cầu, với 2.460 nhà máy mới và 277 dự án quốc tế được tài trợ, đứng đầu thế giới.
Trong khi đó, châu Âu gặp khó khăn nghiêm trọng: FDI vào châu Âu giảm gần 60%, còn 220 tỉ USD. Tại Pháp, dòng vốn FDI giảm 20%, xuống 34 tỉ USD. Đức thậm chí không còn nằm trong top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất.

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Ở châu Á, Trung Quốc cũng không khá hơn: chỉ thu hút 116 tỉ USD, giảm 29%, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp sụt giảm. Ngược lại, khu vực ASEAN ghi nhận tăng trưởng FDI 10%, đạt 225 tỉ USD, mức cao kỷ lục mới.
Xét theo ngành, công nghiệp số (kinh tế kỹ thuật số) đang “lên ngôi”. Bà Grynspan nhận định: “Kinh tế số tăng trưởng 10-12% mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng GDP toàn cầu và đóng góp ngày càng lớn vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Mặc dù hơn 500 tỉ USD đã được đầu tư vào các đơn vị sản xuất kỹ thuật số tại các nước đang phát triển trong 5 năm qua, nhưng dòng vốn này chủ yếu tập trung vào một số ít quốc gia.
Việt Nam nằm trong top 10 nước chiếm gần 80% tổng đầu tư, cùng với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mexico, Trung Quốc, Brazil, Saudi Arabia và Thái Lan. Mỹ là quốc gia cung cấp vốn nhiều nhất cho các dự án “greenfield” (dự án xây dựng mới) trong lĩnh vực kinh tế số tại các nước đang phát triển. Giai đoạn 2020-2024, Mỹ chiếm 36% tổng vốn đầu tư, theo sau là các nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc, Singapore.
Theo cảnh báo của UNCTAD, mặc dù tổng FDI vào các nước đang phát triển giữ nguyên ở mức 867 tỉ USD, nhưng áp lực mà các nước này đang phải chịu là rất lớn: giá trị tài trợ cho các dự án quốc tế giảm gần 1/3 trong khi số lượng dự án mới được công bố giảm gần 1/5. Chẳng hạn như trong năm 2024, đầu tư vào nguồn cung năng lượng và khí đốt giảm 28%, đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng giảm 16%. “Ở rất nhiều nền kinh tế, dòng vốn bị đình trệ hoặc không được phân bổ đến các lĩnh vực then chốt như hạ tầng, năng lượng, công nghệ và công nghiệp, vốn là động lực tạo việc làm”, bà Grynspan nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy FDI vẫn chưa đạt mức cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững. Nỗi lo này mới đây cũng được Ngân hàng Thế giới đề cập đến. Theo đó, năm 2023, FDI vào các nước đang phát triển thấp nhất kể từ năm 2005, chỉ đạt 435 tỉ USD. Hơn 2/3 dòng vốn này tập trung vào các nền kinh tế mới nổi lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil, chiếm một nửa FDI toàn cầu giai đoạn 2010-2023.