Trao đổi với các nhà đầu tư trong buổi Gặp gỡ nhà đầu tư được VPBank tổ chức trực tuyến chiều ngày 28/7, Phó Tổng giám đốc thường trực Lưu Thị Thảo nhận định rằng kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, áp lực vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là một thách thức không nhỏ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, đại điện của VPBank tin rằng những thách thức, khó khăn hiện tại là tạm thời và thị trường vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực và quản trị tốt tăng trưởng.
“Với VPBank, vẫn có cơ sở tin rằng những động lực tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục là động lực trong 6 tháng cuối năm”, bà Thảo chia sẻ.
Kết thúc quý II, VPBank đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 15.300 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 2 toàn hệ thống trong nửa đầu năm. Kết quả trên cũng đã đưa VPBank đi được 52% chặng đường mục tiêu lợi nhuận của năm 2022.
Trong 6 tháng qua, tín dụng của VPBank tăng 14,3%, cao hơn đáng kể so với tăng trưởng ngành, và chủ yếu hướng vào hai phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME. Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của hai phân khúc chiến lược này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.
Theo bà Thảo, mức tăng trưởng tín dụng 9,35% của toàn ngành ngân hàng ghi nhận trong nửa đầu năm là mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước và trong dịch bệnh, minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch. Với GDP dự báo đạt 6,5 - 7% trong năm nay, dư địa cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều và đây cũng là cơ hội cho các tổ chức tín dụng như VPBank bứt phá và đạt những kết quả kinh doanh khả quan.
Đối với câu hỏi xin thêm room tín dụng để phục vu nhu vầu vốn nửa cuối năm, bà Thảo cho biết trên cơ sở cân đối và điều hành các chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát và thanh khoản thị trường, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại tập trung nguồn lực vào các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch. Như vây đây sẽ là một lợi thế đối với VPBank khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chủ yếu tới từ phân khúc khách hàng cá nhân và SME.
Bên cạnh đó, VPBank hiện là một trong những ngân hàng có tiềm lực về vốn mạnh nhất hệ thống, được xếp hạng tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng uy tín. Vốn chủ sở hữu của VPBank hiện đã lên tới xấp xỉ 100 nghìn tỉ đồng. Mới đây, Moody’s, tổ chức xếp hạng tín nhiệm danh tiếng trên thế giới, đã công bố giữ nguyên đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) của VPBank ở mức Ba3, tương đương với xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đáng chú ý, Moody’s còn cho biết xếp hạng của VPBank có thể được nâng lên cao hơn nếu không bị vướng trần xếp hạng quốc gia.
Đại diện VPBank tin rằng còn có những yếu tố tích cực khác giúp ngân hàng tin tưởng vào việc được cấp thêm room tín dụng trong thời gian tới. Đó là VPBank luôn tham gia tích cực vào các hoạt động lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng của NHNN, điển hình như việc đang tham gia vào kế hoạch tiếp nhận một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Ngoài ra, VPBank cũng là đơn vị đi đầu trong công tác thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp vào hoạt động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trước đó trong một báo cáo phát hành hồi tháng 6, CTCK VNDirect đã đưa ra nhận định VPBank sẽ ghi nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay, ít nhất 23%, dựa vào tỉ lệ an toàn vốn (CAR) cao nhất ngành (15,2%) tại thời điểm cuối quý I. Kết thúc quý II, VPBank ghi nhận CAR giảm nhẹ, ở mức 14,7%, nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II mới công bố, hoạt động kinh doanh của VPBank có nhiều điểm sáng nhờ sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực chủ đạo.
Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của ngân hàng đạt 31,6 nghìn tỉ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỉ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.
Trong khi doanh thu tăng mạnh, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - một tỉ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay.
Tại thời điểm cuối tháng 6, tập khách hàng hợp nhất của VPBank cán mốc 21 triệu khách hàng, tương đương 1/5 dân số Việt Nam. Số lượng khách hàng có thu nhập cao (AF) và trung bình-cao (mass AF) tăng trưởng trên 50% so với thời điểm cuối năm 2021, cho thấy hiệu quả của hoạt động khai thác các phân khúc giàu tiềm năng mà VPBank đang theo đuổi.
PV
Meyhomes Capital Crystal City mang "Vùng tri thức" đầu tiên đến đảo Ngọc