/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ 04 cán bộ ở TP. Tuy Hoà kêu oan: Nhiều 'lỗ hổng' trong kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai

Vụ 04 cán bộ ở TP. Tuy Hoà kêu oan: Nhiều 'lỗ hổng' trong kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai

11/06/2021 08:39 |

(LSVN) - Thay vì phải thận trọng xem xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Tuy Hòa đã căn cứ vào “kết luận giám định” của Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Yên. Từ đó, Cơ quan điều tra sử dụng kết luận giám định này làm căn cứ để quy kết tội 09 cán bộ.

09 cán bộ bị khởi tố là ai?

Theo Kết luận điều tra số 55/CSĐT-ĐCSKT do Thượng tá Lê Minh Hải, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Tuy Hòa ký ngày 04/6/2021, có đến 09 cán bộ bị quy kết hành vi phạm tội. Cụ thể:

Có 02 cán bộ bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là ông Biện Khắc Dũng - Cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch Hội đồng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) phường Phú Đông, TP. Tuy Hoà  và ông Đinh Khắc Thuật - Cán bộ địa chính phường Phú Đông.

Có 07 cán bộ bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm các ông  Huỳnh Quốc Trí - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông kiêm Chủ tịch Hội đồng đăng ký QSDĐ; Nguyễn Thanh Đạt - cán bộ không chuyên trách phường Phú Đông; Trần Việt Hòa - Trưởng khu phố 3, thành viên Hội đồng đăng ký QSDĐ; Nguyễn Anh Tuấn - nhân viên Văn phòng đăng ký QSDĐ TP. Tuy Hoà; Trần Minh Thủ - Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ; Nguyễn Mạnh Tín - chuyên viên Phòng TN&MT TP. Tuy Hoà và  Võ Công Toàn - Phó trưởng Phòng TN&MT.

Để truy tố 09 bị can, cơ quan Điều tra căn cứ vào “kết luận giám định” của Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên và “kết luận định giá tài sản và thiệt hại cho Nhà nước” của Hội đồng định giá  tài sản theo vụ việc của TP. Tuy Hòa. Tất cả đều liên quan đến thủ tục hành chính, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (Giấy chứng nhận) thửa đất số 36, tờ bản đồ số 57, tại khu phố 3, phường Phú Đông, với diện tích 193,4m2 (gọi tắt “thửa đất 36”).

Quyết định của Chi cục Quản lý đất đai có đúng quy định?

Vụ việc được tóm tắt như sau: Thửa đất 36 của bà Trần Thị Thảo bán cho vợ chồng ông Nguyễn Thái Lân năm 2000 bằng giấy viết tay để xây dựng nhà ở. Ngày 22/7/2012, ông Lân tiếp tục bán nhà, đất trên cho ông Trần Ngọc Hiếu giá 280.000.000 đồng cũng bằng giấy viết tay. Khoảng tháng 5/2015, ông Hiếu làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận thửa đất 36. Cán bộ địa chính phường Phú Đông xác định ông Hiếu không đủ điều kiện, nếu muốn được cấp phải do chủ đất cũ là ông Lân đứng tên đề nghị. Ngày 18/5/2015, ông Hiếu nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đứng tên vợ chồng ông Lân.

Hội đồng đăng ký QSDĐ phường Phú Đông tiến hành họp xét ngày 12/6/2015, kết luận: “Đủ điều kiện”. Hồ sơ được chuyển đến Văn phòng đăng ký QSDĐ thẩm định, thống nhất đủ điều kiện nên chuyển cho Chi cục thuế TP. Tuy Hòa tính thuế. Sau khi ông Hiếu nộp đủ tiền sử dụng đất và các khoản lệ phí, Phòng TN&MT có Tờ trình số 607/TTr-TN&MT ngày 16/3/2016. Ngày 05/4/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa Lê Vĩnh Thành ký cấp Giấy chứng nhận cho vợ chồng ông Lân. Ngày 08/4/2016, vợ chồng ông Lân ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà, đất lại cho ông Hiếu. 

Theo kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận năm 2016 thì vợ chồng ông Nguyễn Thái Lân không đang sử dụng đất vì đã chuyển nhượng bằng giấy viết tay cho ông Trần Ngọc Hiếu nên không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 99 của Luật Đất đai năm 2013. UBND TP. Tuy Hòa cấp Giấy chứng nhận là không đúng quy định.

Đối với ông Trần Ngọc Hiếu, Chi cục Quản lý đất đai có văn bản số 77/CCQLĐĐ ngày 20/5/2021, khẳng định: “Ông Trần Ngọc Hiếu không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận. Ông Hiếu không được cấp Giấy chứng nhận thì thửa đất 36 không được cấp Giấy chứng nhận cho ai khác”. 

Những người bị truy tố cho rằng, Chi cục Quản lý đất đai, cơ quan tham mưu trong lĩnh vực quản lý đất đai của tỉnh Phú Yên đưa ra kết luận trái với Luật Đất đai năm 2013 (quy định tại khoản 16 Điều 3, khoản 7 Điều 22 và khoản 2 Điều 26). Thửa đất 36 do người dân sử dụng ổn định, đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận, nhưng Chi cục Quản lý đất đai lại cho rằng “không được cấp cho ai”. 

Từ lập luận “cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định”, Chi cục Quản lý đất đai quy kết trách nhiệm của từng cá nhân như sau: Việc họp xét nguồn gốc đất, thuộc trách nhiệm của các ông, bà Huỳnh Quốc Trí, Biện Khắc Dũng, Nguyễn Thanh Đạt, Trần Việt Hòa, Trần Phương Nam và Võ Thị Thu Trang (ông Nam, bà Trang là Công chức tư pháp, đồng thời thành viên Hội đồng đăng ký QSDĐ phường Phú Đông). Việc lấy ý kiến khu dân cư thuộc trách nhiệm của ba ông Đinh Khắc Thuật, Trần Việt Hòa, Huỳnh Quốc Trí. Việc niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ thuộc trách nhiệm của ba ông Biện Khắc Dũng, Đinh Khắc Thuật, Huỳnh Quốc Trí.

Việc kiểm tra hồ sơ đăng ký, xác nhận đủ điều kiện là thiếu sót của hai ông Nguyễn Anh Tuấn và Trần Minh Thủ. Việc thẩm định hồ sơ có thiếu sót của hai ông Nguyễn Mạnh Tín và Võ Công Toàn. Việc ký cấp giấy chứng có thiếu sót thuộc trách nhiệm của ông Lê Vĩnh Thành.

Về kết luận định giá tài sản: Tại thời điểm tháng 4/2016, thửa đất 36 có giá trị thị trường 336.516.000 đồng. Kết luận điều tra xác định các khoản tiền mà ông Hiếu đã nộp tổng cộng 83.006.000 đồng là các “chi phí hợp lý” (gồm 82.568.000 đồng tiền sử dụng đất; 413.000 đồng lệ phí trước bạ và 25.000 đồng phí cấp Giấy chứng nhận). 

Cơ quan điều tra tính thiệt hại theo công thức như sau: Lấy kết quả định giá thửa đất trừ đi “chi phí hợp lý” (336.516.000 đồng - 83.006.000 đồng) ra con số 253.510.000 đồng là thiệt hại do hành vi cấp Giấy chứng nhận gây ra.

Ngoài 09 trường hợp bị đề nghị truy tố, còn 05 cán bộ có liên quan đến vụ án nhưng được “tha bổng”. Cụ thể, đối với ông Trần Phương Nam và bà Võ Thị Thu Trang là hai thành viên Hội đồng đăng ký QSDĐ, Cơ quan điều tra xác định có tham gia họp xét nhưng không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai người này(?).

Đối với ông Dương Minh Tứ (chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND TP. Tuy Hòa) có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ của các loại tài liệu trong hồ sơ và ông Vũ Ngọc Tường (Phó Chánh văn phòng HĐND - UBND TP. Tuy Hòa) ký nháy vào bản chính Giấy chứng nhận để trình lãnh đạo UBND TP. Tuy Hòa ký duyệt, Cơ quan điều tra cho rằng, đây chỉ là sai phạm trong quy chế làm việc, hơn nữa, kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai không đề cập đến trách nhiệm của hai ông này nên Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự(?).

Đối với ông Lê Vĩnh Thành đã ký cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định nhưng hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra sẽ đề nghị xử lý bằng biện pháp khác cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung(?).

Kết luận điều tra số 55/CSĐT-ĐCSKT của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Tuy Hòa và Đơn khiếu nại Kết luận này của ông Võ Công Toàn.

Dấu hiệu oan sai càng lộ rõ…

Ông Võ Công Toàn và nhóm cán bộ đồng loạt có đơn khiếu nại, cho rằng Kết luận điều tra số 55/CSĐT-ĐCSKT căn cứ vào kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai để quy kết tội các cán bộ là hoàn toàn không có cơ sở, dấu hiệu gây oan sai.

Căn cứ quy định của pháp luật, nhóm cán bộ một lần nữa chứng minh đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, việc cấp Giấy chứng nhận thửa đất 36 là đối tượng, đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định pháp luật, hoàn toàn không gây thiệt hại cho Nhà nước. Kết luận điều tra quy kết hành vi “thiếu trách nhiệm” là không có căn cứ, cáo buộc “gây thiệt hại nghiêm trọng” lại càng không có cơ sở.

Chính Chi cục Quản lý đất đai xác định rõ, ông Lân nhận chuyển nhượng thửa đất 36 từ năm 2000. Hồ sơ thể hiện, năm 2011, ông Lân lập thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận thửa đất 36 nhưng không được giải quyết vì khi đó còn áp dụng Luật Đất đai 2003 chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp này. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, và các nghị định hướng dẫn thi hành, những trường hợp mua bán đất giấy tay trước ngày 01/01/2008 được phép giải quyết.

Căn cứ theo khoản 3, khoản 5 Điều 22; khoản 2 Điều 7 và khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, ông Lân được pháp luật công nhận quyền sử dụng thửa đất 36. Xét, ông Lân bán nhà, đất bằng giấy tay cho ông Hiếu năm 2012, sau thời điểm ngày 01/01/2008 nên không được pháp luật thừa nhận. Do đó, tuy ông Hiếu đang sinh sống tại thửa đất 36 nhưng quyền sử dụng thửa đất này vẫn thuộc vợ chồng ông Lân theo quy định của pháp luật.

Khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, ông Lân và ông Hiếu cùng đứng ra lập thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận rồi tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng theo quy định pháp luật, khắc phục việc mua bán giấy tay. Việc làm này hợp tình, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước quản lý, thu thuế đối với thửa đất 36 theo quy định. 

Chi cục Quản lý đất đai cho rằng, ông Lân không đang sử dụng đất vì đã chuyển nhượng bằng giấy viết tay cho ông Hiếu. Lập luận này đồng nghĩa với việc Chi cục Quản lý đất đai đồng tình ủng hộ, công nhận hành vi chuyển nhượng bằng giấy viết tay trái quy định pháp luật? Nếu không công nhận thì quyền sử dụng thửa đất 36 vẫn của ông Lân dù ông này không đang sử dụng thửa đất này. Căn cứ theo Bản đồ đo đạc năm 2010 và Sổ mục kê đất đai lập ngày 03/7/2015 có xác nhận của Sở TN&MT tỉnh Phú Yên thì thửa đất 36 do ông Lân đứng tên. 

Từ những phân tích nêu trên, có cơ sở xác định ông Lân đủ điều kiện để được Giấy chứng nhận thửa đất 36. Do đó, UBND TP. Tuy Hòa xét cấp Giấy chứng nhận cho vợ chồng ông Lân là đúng đối tượng, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Việc Chi cục Quản lý đất đai khẳng định “thửa đất 36 không được cấp cho ai” là không có căn cứ.

Liên quan đến số tiền 253.510.000 đồng gây thiệt hại cho Nhà nước, nhóm cán bộ cho rằng quy kết của Cơ quan điều tra không có cơ sở; đưa ra “công thức” tính thiệt hại lại càng vô lý hơn. Thửa đất 36 của người dân sử dụng ổn định, đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định; thửa đất này không phải là đất của Nhà nước, hay đất công sản, lấy cấp cho dân. Do đó, việc tính thuế căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Đại diện Chi cục thuế TP. Tuy Hoà  xác định việc tính tiền thuế sử dụng đất đối với thửa đất 36 là đúng quy định. Tất cả những trường hợp tương tự đều thực hiện nghĩa vụ tài chính giống như ông Lân, nếu tính sai, cơ quan này phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, Cơ quan điều tra đã tự mâu thuẫn với chính mình khi quy kết số tiền gây thiệt hại, căn cứ theo kết luận giám định của Chi cục quản lý đất đai, Cơ quan điều tra xác định cấp Giấy chứng nhận cho ông Lân “không đúng quy định” và “thửa đất 36 không cấp được cho ai”. Lẽ ra, khi đã xác định rõ ràng như thế thì phải kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận cấp cho ông Lân đồng thời hoàn trả lại cho ông này số tiền đã nộp hơn 83.000.000 đồng, cộng lãi suất theo quy định. Nhưng ngược lại, không yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận, Cơ quan điều tra còn định giá thửa đất, công nhận số tiền ông Lân đã nộp, xem đây “chi phí hợp lý” rồi áp đặt phép tính “cộng, trừ” hết sức vô lý, dẫn đến quy kết số tiền gây thiệt hại hoàn toàn không có căn cứ, trái quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc “tha bổng” những cán bộ có liên quan, trong vụ án này, Phó Chủ tịch Lê Vĩnh Thành là người ký cấp Giấy chứng nhận, Chi cục Quản lý đất đai xác định “có thiếu sót” giống như hai ông Trần Minh Thủ, Võ Công Toàn nhưng quá trình tố tụng, Cơ quan điều tra và Thượng tá Lê Minh Hải đề nghị xử lý ông Thành bằng biện pháp khác. 

Ngoài ra, còn nhiều cán bộ khác có liên quan đến trách nhiệm trong vụ án này, nhưng cũng được Cơ quan điều tra không xử lý, cụ thể như: Ông Trần Phương Nam và bà Võ Thị Thu Trang (hai thành viên Hội đồng đăng ký QSDĐ phường Phú Đông); ông Dương Minh Tứ và ông Vũ Ngọc Tường (hai cán bộ Văn phòng HĐND - UBND TP. Tuy Hòa) cùng một số cán bộ của Chi cục Thuế TP. Tuy Hòa)…

Trong đơn kêu oan mới nhất, nhóm cán bộ khẩn thiết đề nghị lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Phú Yên xem xét lại toàn bộ hồ sơ, bản chất của vụ án, từ đó chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Tuy Hòa thu hồi Kết luận điều tra số 55/CSĐT-ĐCSKT ngày 04/06/2021; hủy bỏ các Quyết định khởi tố bị can, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho các cán bộ bị hàm oan…

Theo dõi vụ án, nghiên cứu Kết luận điều tra cùng các tài liệu chứng cứ liên quan,  Luật sư Trần Hải Đức - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu quan điểm:  Hành vi của các bị can trong vụ án này không đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã “gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước 253.510.000 đồng” là không có căn cứ pháp lý. Thửa đất 36 thuộc quyền sử dụng của người dân, Cơ quan điều tra chưa chứng minh được số tiền 253.510.000 đồng là tài sản Nhà nước. 

Cơ quan thuế đã thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí theo quy định, Nhà nước không hề thất thoát hoặc thất thu thuế qua việc cấp Giấy chứng nhận thửa đất 36. Nhận thấy Cơ quan điều tra đã hình sự hóa một quan hệ hành chính, việc khởi tố các bị can có dấu hiệu oan sai.

Đồng quan điểm với Luật sư Trần Hải Đức, Luật sư Nguyễn Thị Ngân Bình - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cơ quan tố tụng TP. Tuy Hoà căn cứ vào Kết luận giám định của Chi cục Quản lý đất đai để xử lý hình sự 9 bị can là không đúng quy định pháp luật. Nếu đã xác định cấp Giấy chứng nhận sai thì phải thu hồi theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai và khoản 4, khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nay là khoản 26, Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP). 

Mặt khác, Cơ quan điều tra căn cứ giá đất theo thị trường để xác định thiệt hại 253.510.000 đồng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Hành vi của các cán bộ không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, Viện kiểm sát cần phải xem xét thận trọng, nếu không sẽ gây oan sai cho nhiều người và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng TP.Tuy Hoà. 

Luật sư Lê Thành Nhân - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Tuy Hoà cần xem xét thận trọng, nhằm tránh hình sự quan hệ hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Pháp luật về đất đai không có quy định người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Hơn nữa công thức tính của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không có căn cứ, trái với khoản 2 Điều 7 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ dẫn đến quy kết gây thiệt hại hơn 253.510.000 đồng hoàn toàn không có cơ sở. 

Nếu có căn cứ cấp Giấy chứng nhận sai thì phải thu hồi theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai và khoản 4, khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2020/NĐ-CP như ý kiến của Luật sư đồng nghiệp nên không thể nào gây ra thiệt hại số tiền như quy kết các cơ quan tiến hành tố tụng.

TRUNG DUY

04 cán bộ ở TP. Tuy Hoà, Phú Yên kêu oan: Mong manh chứng cứ khởi tố, lộ rõ dấu hiệu oan sai?

Lê Minh Hoàng