Mảnh đất ông Lê Sỹ Ngũ đã cho ông Hồng mượn nay còn ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang không có người ở.
Ông Lê Sỹ Ngũ, 75 tuổi đã phải ròng rã 40 năm trời đi đòi lại mảnh đất của ông cha để lại, với lý do vì nghĩ thương bạn là ông Thái Lam Hồng không có nơi trú ngụ, nên đã cho bạn ở nhờ trên đất của mình từ năm 1978. Đến nay dù ông Hồng đã về nơi “chín suối” nhưng mảnh đất cho ông Hồng mượn đang bị các con ông Hồng chiếm dụng, đã có lúc nguy cơ mất trắng. Ông Ngũ đã tiếp tục làm đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Nghệ An, sau đó kháng cáo phúc thẩm bản án sơ thẩm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội. Vụ án đã được đăng tải trên nhiều thông tin báo chí.
Trước đó, tại Bản án sơ thẩm số 16/2020/DSST ngày 29/9/2020 của TAND tỉnh Ngệ An đã tuyên xử: Chấp thuận một phần yêu cầu đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Sỹ Ngũ; Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của bà Thái Thị Anh (con gái ông Hồng), quyết định tạm giao cho các con ông Hồng được sử dụng phần diện tích đất là 58,8 m2/~100m2 trên mảnh đất tranh chấp, sở hữu 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích đất còn lại trả lại cho ông Lê Sỹ Ngũ; Buộc các con ông Hồng phải trích lại do chênh lệch tài sản cho ông Ngũ là 87,5 triệu; Huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ((GCNQSD đất) số BB 884186 tại thửa đất số 77 tờ bản đồ 04, diện tích 239,6m2 mang tên ông Lê Sỹ Ngũ… Không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, ông Lê Sỹ Ngũ đã làm đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, xét xử phúc thẩm.
Ngày 27/01/2022 tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định cấp sơ thẩm đã không xác định đầy đủ tư cách tham gia tố tụng, không tiến hành đối chất làm rõ đói với các nội dung không thống nhất, hoặc mâu thuẫn theo quy định tại điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự; sai lầm trong việc xác định quan hệ tranh chấp và yêu cầu độc lập. Vụ án kiện đòi lại tài sản liên quan đến các sự kiện pháp lý như bán nhà, mượn, thỏa thuận về tài sản… nhưng chưa được xác định rõ nên việc thu thập chứng cứ, giám định tài liệu là cần thiết để giải quyết vụ án đúng quy định. Như vậy cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung và cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cần hủy án sơ thẩm giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định.
Tại Bản án số 24/2022/DS-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm số 16/2020/DSST ngày 29/9/2020 của TAND tỉnh Nghệ An; Giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Một số các vi phạm về tố tụng như sau:
Đây là vụ án do nguyên đơn là ông Lê Sỹ Ngũ đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất đã cho gia đình ông Thái Lam Hồng ở nhờ từ năm 1978 tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (GCNQSD đất số BB884186 ngày 22/02/2011). Bà Thái Thị Anh (con gái ông Hồng) làm đơn phản tố (tại phiên tòa sơ thẩm thay đổi thành yêu cầu độc lập), với nội dung đề nghị bác yêu cầu đơn khởi kiện và hủy GCNQSD đất nêu trên cho ông Lê Sỹ Ngũ. Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận một phần yêu cầu độc lập, hủy GCNQSD đất số BB884186 mang tên ông Lê Sỹ Ngũ là không đúng điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tại Bản án số 05/1982/DS-ST ngày 09/01/1982 TAND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã giải quyết ông Lê Sỹ Ngũ và bà Nguyễn Thị Liên ly hôn và chia tài sản chung. Bản án có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án không thể hiện được kết quả thi hành bản án, cấp sơ thẩm thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản được chia cho bà Liên từ khi vợ chồng ly hôn năm 1982 nhưng không làm rõ nội dung bà Liên đã từ bỏ hay chưa từ bỏ quyền lợi đối với nhà đất, tài sản được chia, và không xác định tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với bà Nguyễn Thị Liên là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Tại Biên bản lấy lời khai ngày 24/9/1983 tại TAND huyện Đô Lương ông Hồng trình bày: Ông Ngũ đã bán cho ông một ngôi nhà và thỏa thuận cho gia đình ông dựng trên mảnh vườn đó luôn, tại đơn trình bày lý do có chữ ký đề tên Ngũ thể hiện nội dung “ông Hồng ở lại vùng vườn trước thời gian mà vợ chồng chúng tôi ly dị. Vì hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn nên tôi có bán lại một cái nhà cho ông Hồng” tài liệu có nội dung này là bản photo mờ thiếu nét, phía nguyên đơn không chấp nhận căn cứ này và yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký của ông Ngũ. Nhưng cấp xét xử sơ thẩm đã không thực hiện, TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định đây là tại liệu có nội dung liên quan đến việc xác định quyền sử dụng diện tích đất tranh chấp chưa được làm rõ, tại phiên tòa cấp phúc thẩm không thể xem xét khắc phục, nên việc giám định là cần thiết…
Vụ án của cụ ông Lê Sỹ Ngũ, 75 tuổi sau 40 năm làm đơn khiếu kiện đòi lại quyền sử dụng mảnh đất mà ông đã cho bạn mượn ở nhờ, nay ông vẫn sẽ phải tiếp tục công việc khởi kiện để đi đòi lại quyền sử dụng mảnh đất của ông cha để lại. Vụ án đã được trải qua nhiều phiên tòa xét xử, qua nhiều năm và cho đến nay hồ sơ vụ án lại tiếp tục được giao cho Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại, với lý do có nhiều vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung xét xử tại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An.
Chưa biết đến bao giờ cụ ông này mới có được quyết định đúng đắn, phù hợp với pháp luật Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lê Sỹ Ngũ trong việc quyền sử dụng đối với mảnh đất mà cha ông để lại, khi mỗi ngày sức khỏe của ông đang giảm dần theo thời gian.
PV
Ngày 25/01/2022 TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử vụ án 'cho ở nhờ mất đất' tại Đô Lương
Nghệ An: Vụ kiện tranh chấp đất đai vì cho bạn 'ở nhờ' có nhiều tình tiết cần phải làm rõ
Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Bản án sau 40 năm đi đòi đất