Mong muốn được “nghe hai tai”
Sáng ngày 24/6/2025, TAND huyện Quỳ Hợp,tỉnh Nghệ An đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Văn Thành (tạm trú tại bản Tăng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp) bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Quỳ Hợp truy tố về hành vi hủy hoại rừng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Sau một ngày xét xử với các phần xét hỏi, tranh tụng, đối đáp, công khai, minh bạch giữa các luật sư bào chữa với đại diện VKSND, giữa luật sư với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giữa đại diện VKSND với bị cáo... một số nội dung tình tiết chứng cứ đã dần được làm sáng tỏ tại phiên tòa, nhất là vấn đề pháp lý liên quan đến giám định.

Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp.
Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật sư Bùi Xuân Lai đã viện dẫn các quy định của pháp luật để chứng minh thành phần đoàn giám định không hợp pháp (vi phạm Điều 11 Luật Giám định tư pháp) dẫn đến kết luận giám định không được coi là chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự (https://lsvn.vn/nghe-an-quy-hop-vu-an-chu-rung-vuong-lao-ly-thanh-phan-giam-dinh-co-hop-phap-a159369.html).
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Đào Văn Đạt “khuyến khích” tranh luận nhưng yêu cầu tập trung ngắn gọn vào các tình tiết chính, tránh lặp lại và đặc biệt yêu cầu các luật sư bào chữa đưa ra các quan điểm ý kiến một cách đa chiều cho đại diện VKSND đối đáp, để HĐXX được “nghe hai tai”, đánh giá toàn diện chứng cứ, nội dung tình tiết của vụ án.
Do chưa làm rõ được phần diện tích rừng của từng nhân công được bị cáo (Lê Văn Thành) thuê khoán tác động, đặc biệt là thẩm quyền của Trung tâm Tư vấn và Phát triển lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng trong việc giám định và ban hành Kết luận giám định số 06/KLGĐ ngày 12/6/2023, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
QUANG TRUNG – THANH THIÊN