(LSVN) - Đó là Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM ngày 12/8/2021 của Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm, hủy Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; hủy Bản án sơ thẩm số 12/2011/KDTM-ST ngày 27, 28/01/2011 của TAND TP. Hà Nội, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Đến nay, sau 15 năm, đất Lô C/D13 Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang trong tình trạng chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án.
Kỳ 1: Hành trình nay đúng, mai sai, 10 năm sau lại xử lại…
Cách đây 15 năm, dư luận chưa thể quên vụ phán xử Hợp đồng “Cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 458/HĐCNQSDĐ (gọi tắt là HĐ cam kết 458) giữa Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế và Đầu tư sản xuất (Công ty CIRI) với Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên (Công ty Vạn Niên) ký ngày 10/11/2006 là đúng hay trái pháp luật.
HĐ cam kết 458 có nội dung: Bên A (Công ty CIRI) cam kết chuyển nhượng cho bên B 7.236m2 (Lô đất C/D13 bên A vừa trúng đấu giá để làm dự án nhà chung cư) sau khi bên A có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với giá 12,3 triệu đồng/m2, thành tiền là 89 tỉ đồng. Trong 10 ngày, sau khi ký hợp đồng cam kết, Bên B (Công ty Vạn Niên) chuyển 65,124 tỉ đồng vào tài khoản của bên A để nộp tiền trúng đấu giá; Bên A có trách nhiệm hoàn tất thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Trong thời hạn tối đa không quá 5 ngày, kể từ khi bên A được cấp GCNQSDĐ, hai bên ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng, bên B chuyển 80% số tiền còn lại theo hợp đồng chuyển nhượng. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày Bên A nhận được 80% số tiền còn lại, Bên A phải làm các thủ tục sang tên cho bên B. Phần phạt hợp đồng quy định: bên nào không thực hiện đúng, đầy đủ phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng.
Để phán xử nội dung cam kết nêu trên là đúng hay trái pháp luật, vụ án được xét xử trong 5 năm, cả Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC đều ra quyết định kháng nghị, khiến vụ án phải trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm và 2 lần giám đốc thẩm.
Phán quyết đầu tiên trong vụ án là Bản án sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST ngày 13, 18/03/2008 của TAND quận Đống Đa tuyên HĐ cam kết 458 có hiệu lực, buộc CIRI phải giao toàn bộ GCNQSDĐ và 7.236m2 cho Vạn Niên toàn quyền sử dụng. Bản án này sau đó đã bị Chánh án TANDTC ban hành Kháng nghị số 13/2008/KDTM-KH-KT ngày 29/12/2008 nhận định là “không đúng pháp luật, vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự và thẩm quyền của Tòa án, không đúng với nội dung cam kết trong hợp đồng”.
Phán quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật là Bản án phúc thẩm số 253, ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (Bản án phúc thẩm 253) với tuyên xử: HĐ cam kết 458 trái pháp luật, bị vô hiệu toàn bộ. Bản án phúc thẩm đã dẫn chiếu các điều luật mà HĐ cam kết 458 đã vi phạm.
Với nội dung áp dụng pháp luật đơn giản như vậy, nhưng cùng với bản án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa, VKSNDTC tại Kháng nghị số 18/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 16/6/2009 (kháng nghị lần 1) lại cho rằng: Nội dung HĐ cam kết 458 là hợp pháp, bản án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa xử đúng pháp luật, xử vô hiệu là không đúng. Hội đồng thẩm phán TANDTC sau đó đã xử bác kháng nghị này, khẳng định: “Toà án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Diễn biến khó hiểu của vụ án đã thu hút sự quan tâm của nhiều tờ báo: Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới... “Có hay không việc chạy án?”, “Một vụ án có vấn đề”, “Những chuyện kỳ quặc quanh vụ án”,… là những loạt bài điều tra đăng trên các báo gây chú ý dư luận. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã phải có ý kiến yêu cầu Chánh án TANDTC chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.
Khó nói hết nỗi khổ của 2 doanh nghiệp bị cuốn và hành trình tố tụng suốt 5 năm trong tư thế chao đảo bởi các phán quyết trái ngược nhau của các cơ quan tố tụng, hồi hộp nín thở trước các bản án, kháng nghị của TAND và VKSND. Chính hành trình tố tụng “nay đúng mai sai” này đã dẫn đến hệ lụy các bên đương sự đều mang tâm trạng nghi ngờ trước bất kỳ phán xử nào bất lợi cho mình.
Vì vậy, dù Bản án phúc thẩm 253 đã có hiệu lực pháp luật tới 10 năm nhưng Công ty Vạn Niên vẫn không chịu hợp tác thi hành án, tiếp tục làm đơn đề nghị giám đốc thẩm rồi tái thẩm. Công ty CIRI sau rất nhiều lần đề nghị được trả tiền theo nghĩa vụ bản án nhưng không được Công ty Vạn Niên hợp tác, cuối cùng (ngày 02/12/2019) đã chuyển 89.822.277.000 đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án theo hướng dẫn. Công ty Vạn Niên chiếm giữ xây dựng nhà trái phép trên khu đất dự án từ năm 2007 nên việc thi hành án bị cản trở, đã dẫn tới việc triển khai dự án của CIRI sau 10 năm vẫn hầu như đình trệ dù đã tổn thất hàng trăm tỉ đồng do triển khai dự án chậm. Mãi tới cuối tháng 11/2019, khu đất dự án mới được cưỡng chế thi hành án xong và bàn giao mặt bằng cho Công ty CIRI.
Ngày 22/9/2020, lần thứ 2, TANDTC ra Thông báo trả lời Công ty Vạn Niên: Không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, ngày 12/8/2021, Viện trưởng VKSNDTC lại ban hành Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; hủy Bản án sơ thẩm số 12/2011/KDTM-ST ngày 27,28/01/2011 của TAND TP. Hà Nội, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Không thể nói khác, công lý đối với 2 doanh nghiệp trong vụ án này đang là hành trình nay đúng mai sai, 10 năm sau,… xử lại.
Kỳ sau: “Tình tiết mới” theo luật định của kháng nghị tái thẩm?
PV