/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại Thái Bình: Hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tài liệu

Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại Thái Bình: Hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tài liệu

27/05/2024 10:49 |

(LSVN) - Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại sân nhà thờ Đặng Xuân (thôn Trần Phú, xã Vũ Đông, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vào ngày 21/3/2023, qua phần hỏi, cùng với đề nghị của bị cáo, Luật sư, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tuổi mực đối với tài liệu là “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” do Trạm y tế xã lập…

Hiện trường hôm xảy ra vụ việc ngày 21/3/2023 (ảnh cắt từ clip).

 Nội dung vụ án

Theo đó, khoảng 9h30 ngày 21/3/2023, ông Đặng Văn Hồng (SN 1962, thường trú tại TP.Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) cùng một số thợ làm đá đến nhà thờ họ Đặng Xuân tại thôn Trần Phú, xã Vũ Đông, TP. Thái Bình để đo đạc vị trí đặt “Bức cuốn thư” cho nhà thờ họ Đặng, theo như ý chí nguyện vọng của các thành viên trong họ Đặng bàn bạc trước đó. Khi vào sân nhà thờ họ Đặng, thì ông Đ.X.L. (SN 1953) từ trong nhà đi ra sân nhà thờ. Ông L. và ông Hồng trao đổi vị trí đặt cuốn thư nhưng không thống nhất được.

Khi hai bên chưa kịp trao đổi gì nhiều thì ông L. đã to tiếng và có hành động chỉ tay vào mặt ông Hồng và xông về phía ông Hồng. Với phản xạ tự nhiên, ông Hồng dùng 2 tay mình nắm tay ông L. và đẩy ông L. ra, để ông L. không chọc tay vào mặt ông, thì ông L. mất thăng bằng ngã ra sau, tay chống vào bậc thềm trước cửa nhà ông L. Sau đó ông Hồng vẫn đứng tại chỗ và không có bất cứ hành động gì động chạm tới ông L. Sau khi không đặt được “Bức cuốn thư” thì ông Hồng và mọi người cùng ra UBND xã Vũ Đông làm việc về vụ việc vừa xảy ra.

Trong các lời khai và đơn khiếu nại, ông Hồng cho rằng, bản thân ông không hề có bất cứ hành động vũ lực nào, tác động lên người bị hại, việc dùng tay đẩy bị hại ra xa nhằm không để bị hại có những hành động xô xát giữa hai bên. Cùng với đó, ông không có bất cứ động cơ cá nhân nào cũng như mâu thuẫn gì với bị hại nên không có ý định gây sự để gây thương tích cho bị hại. Việc đặt cuốn thư là việc chung của cả dòng tộc và được dòng tộc đồng ý, xuất phát lòng thành tâm công đức của con cháu dòng tộc. Do đó, cần xem xét lại hành vi của của ông chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích.

Cùng ngày xảy ra sự việc, ông L. được gia đình đưa đi khám và điều trị. Đến ngày 04/5/2023, ông L. chết vì bệnh lý ung thư và không liên quan gì đến sự việc xô xát nêu trên. Trong kết luận điều tra cũng nêu rõ việc bị hại tại thời điểm xảy ra sự việc có tiền sử bệnh đái tháo đường; tăng huyết áp; bệnh bạch cầu dạng lympho (ung thư máu). Sau khi có kết luận giám định thương tật của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an với tỉ lệ 2%, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Bình căn cứ Điều 36 và Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định khởi tố ông Hồng về tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Sau khi nhận được kết luận điều tra và cáo trạng, ông Hồng đã có đơn khiếu nại, cho rằng vụ việc ngày 21/3/2023 đã có video ghi lại và nộp cho các cơ quan chức năng thể hiện rõ nội dung ông trình bày tại các cơ quan là đúng thực tế diễn ra. 

Hoãn phiên toà để giám định tuổi mực

Tại các phiên toà trước đó và tại phiên toà ngày 2/5/2024, Luật sư Vũ Hoàng Nhật Tân (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bào chữa cho bị cáo đều đề nghị HĐXX làm rõ hành vi, động cơ mục đích của bị cáo trong vụ án.Theo Luật sư Tân, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia phiên xét hỏi tại Toà, với những tài liệu, chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án, chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo theo Điều 134 BLHS. Bởi đối với vụ án “Cố ý gây thương tích”, căn cứ quan trọng nhất để định tội danh, xác định tính chất mức độ của hành vi phạm tội là bản kết luận giám định thương tích; đặc biệt hơn trong vụ án này, bị hại đã chết vì ung thư, và buộc cơ quan giám định phải thực hiện giám định dựa trên hồ sơ, giấy tờ.

Tuy nhiên, căn cứ bản Kết luận giám định thương tích số 5458 ngày 25/8/2023 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đối với 5 tài liệu y tế, được cơ quan giám định sử dụng, có 1 tài liệu duy nhất, cụ thể là “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” số 250 do Trạm Y tế xã Vũ Đông cung cấp là thể hiện có 2 vết thương hở của bị hại, từ đó là căn cứ để kết luận tỉ lệ thương tật 2%.Luật sư cho rằng, đánh giá việc thu thập, tạo lập chứng cứ này của Công an xã Vũ Đông là sai quy trình, có mâu thuẫn nghiêm trọng về nội dung. Cụ thể về thẩm quyền thu thập của Công an xã. Theo đó, trong vụ án này, “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” được lập vào giờ hành chính (chiều ngày 21/3/2023) trước khi có tin báo và có biên bản tiếp nhận tin báo (23/3/2023) là trái quy định pháp luật, không phản ảnh đúng sự thật khách quan. Phiếu này được thu thập bởi ai, lúc nào, cơ quan nào, đều không biết vì người thu thập (ai là người giao, ai là người nhập…) không thực hiện đúng trình tự theo quy định của BLTTHS 2015. 

 “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” và “Sổ khám bệnh” có nhiều điểm nghi vấn?

Cùng với đó, căn cứ pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, Công an xã Vũ Đông không có quyền thu thập “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” số 250 của Trạm y tế xã Vũ Đông, trong khi phiếu này cũng không được lập hợp pháp, theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chỉ có Cảnh sát điều tra mới có quyền thu thập các tài liệu là bệnh án, trong khi đó cấp xã không có CQĐT. Kể cả khi Công an xã thu thập, nhưng không có giấy đề nghị cấp, không lập biên bản làm việc hoặc biên bản giao nhận là vi phạm Điều 133 BLTTHS 2015.Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 87 BLTTHS 2015 cũng quy định: Nguồn chứng cứ… “2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Từ những phân tích trên, Luật sư Tân cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định, tài liệu là “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” không được thu thập hợp pháp, không phải là chứng cứ và không có giá trị chứng minh.

Ngoài ra Luật sư cũng chỉ rõ những điểm mâu thuẫn của Phiếu theo dõi điều trị tại trạm số 250 với Sổ khám bệnh như: Về thời gian khám, số thứ tự khám cùng ngày 21/3/2023 giữa bị hại và bị cáo (bị hại khám khoảng 10h với số thứ là 250, bị cáo khám vào khoảng 15h với số thứ tự là 246A); mâu thuẫn trong việc ghi tình trạng bệnh của bị hại(lúc ghi thương tích ở tay trái, lúc ở tay phải). Nhìn bằng mắt thường cũng thấy từ số thứ tự, tên bệnh nhân, nội dung triệu chứng bệnh, chẩn đoán, phương pháp điều trị…của bị hại đã bị ghi chèn thêm vào “Sổ khám bệnh” ngày 21/3/2023. Bên cạnh đó, tài liệu đầu vào giám định chưa đầy đủ; thời hạn giám định không đảm bảo; chưa xác định được cơ chế hình thành vết thương của bị hại… “Theo đó, tôi đề nghị cần làm rõ một số vấn đề mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án, để từ đó HĐXX có những phán quyết công tâm, khách quan”, Luật sư Tân nhấn mạnh.

Được biết, ngày 25/4/2024, Tòa án nhân dân TP. Thái Bình đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm và sau phần bào chữa và đối đáp của Luật sư, HĐXX nhận thấy một số vấn đề trong hồ sơ vụ án chưa được làm rõ, cần triệu tập thêm bác sĩ của Trạm y tế xã Vũ Đông, Công an xã Vũ Đông; đồng thời cần quay lại phần xét hỏi để làm rõ. Ngày 26/4/2024, những người được triệu tập đã không có mặt, vì vậy HĐXX đã tạm ngừng phiên tòa.

Tại phiên toà ngày 02/5/2024, bác sĩ Trạm Y tế xã có mặt (Công an xã Vũ Đông không có mặt) và được HĐXX, Luật sư và kiểm sát viên đã hỏi bổ sung. Qua phần hỏi, cùng với đề nghị của bị cáo, của Luật sư bào chữa, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tuổi mực đối với tài liệu là “Phiếu theo dõi điều trị tại trạm” số 250 do Trạm Y tế xã Vũ Đông lập.

Hi vọng trong phiên xử tới đây, HĐXX sẽ xem xét toàn diện các chứng cứ, tài liệu của vụ án để có phán quyết khách quan, công tâm, không bỏ lọt những cũng không làm oan người vô tội.

QUỲNH ANH 

Nguyễn Mỹ Linh