Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại Thanh Hóa: Bị cáo kiến nghị làm rõ một số nội dung trước phiên xét xử phúc thẩm lại

27/05/2023 08:46 | 1 năm trước

(LSVN) - Vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 2019 đã trải qua 03 cấp xét xử, hai lần hủy án. Không đồng tình với những cáo buộc của các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, bị cáo Võ Ngọc Tuấn đã kiến nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại những nội dung chưa được làm rõ của vụ án.

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn và Cáo trạng của Viện KSND huyện Triệu Sơn xác định, khoảng 23h30 ngày 30/8/2019, tại khu vực cánh đồng thôn Đô Thịnh, xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Võ Ngọc Tuấn phát hiện vịt của gia đình mình bị ông Lê Cảnh Hiền trộm cắp nên đã dùng chân đá 02 cái vào vùng cổ, vùng mặt ông Hiền.

Nạn nhân bị thương, phải đưa đi cấp cứu do bị tổn thương sưng nề tụ máu nặng vùng cổ trên nền bệnh rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy hô hấp dẫn đến hôn mê. Quá trình hôn mê, ông Hiền xuất hiện phản xạ nhai, nuốt, thở dẫn đến trào ngược thức ăn vào đường thở nên tử vong.

Với cáo buộc trên, Võ Ngọc Tuấn đã bị khởi tố, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự.

Ngày 11/5/2022, TAND huyện Triệu Sơn đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Võ Ngọc Tuấn 07 năm tù. Sau đó, ông Tuấn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Ngày 11/8/2022, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Triệu Sơn; giao hồ sơ cho Viện KSND huyện Triệu Sơn để điều tra, giải quyết theo thủ tục chung.

Ngày 14/10/2022, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Bản án phúc thẩm số 164/2022/HSPT ngày 11/8/2022 của TAND tỉnh Thanh Hóa theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 20/3/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND cấp cao tại Hà Nội; hủy Bản án phúc thẩm số 164/2022/HSPT của TAND tỉnh Thanh Hóa để xét xử lại.

Ngày 16/5/2023, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Võ Ngọc Tuấn. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó được hoãn và mở lại vào ngày 31/5/2023 tới đây.

Ngày 25/5/2023, ông Võ Ngọc Tuấn đã có đơn kiến nghị gửi Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa và Kiểm sát viên sẽ tham gia phiên xét xử ngày 31/5/2023 tới đây.

Theo nội dung đơn, ông Tuấn đã kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ một số vấn đề về tội danh, kết quả giám định, việc điều tra, thực nghiệm hiện trường, xác định “vật tày” gây thương tích…

Nguyên nhân chết là gì?

Đơn kiến nghị của ông Võ Ngọc Tuấn.

Căn cứ hồ sơ tài liệu trong vụ án, cũng như các bản kết luận giám định về nguyên nhân chết của ông Lê Cảnh Hiền, ông Tuấn cho rằng các bản kết luận giám định mâu thuẫn nhau về nguyên nhân chết của ông Lê Cảnh Hiền.

“Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến khung hình phạt trong vụ án này. Bản thân tôi khẳng định với hành vi đá 01 cái vào ông Lê Cảnh Hiền không thể và rất không logic với cáo buộc của Cơ quan điều tra và VKS huyện Triệu Sơn đối với tôi”, đơn ông Tuấn kiến nghị.

Để lý giải vấn đề này, ông Tuấn nếu dẫn chứng: Tại Kết luận giám định số 2388/GĐPY-PC09 ngày 29/10/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh hóa và bản Kết luận giám định số 2321/GĐPY-PC09 ngày 31/8/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa về việc giải thích kết luận nguyên nhân chết (BL 354) đã kết luận: “Tổn thương vùng cổ, miệng của nạn nhân Lê Cảnh Hiền không gây trào ngược thức ăn vào đường thở của nạn nhân.

Khi thức ăn trào ngược vào sâu trong đường thở, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện tình trạng suy hô hấp. Do đó, nếu nạn nhân bị trào ngược thức ăn vào đường thở từ khoảng 23 giờ 30 phút ngày 30/8/2019 đến 11 giờ ngày 31/8/2019 mới xuất hiện tình trạng suy hô hấp là không phù hợp”. 

Nhưng tại Kết luận giám định lại lần thứ nhất giám định pháp y qua hồ sơ số 7234/C09-TT1 ngày 31/12/2020 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận (BL 368): “1. Tổn thương sưng nề tụ máu nặng cùng cổ trên nền bệnh rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu của ông Lê Cảnh Hiền là nguyên nhân gây ra suy hô hấp dẫn đến hôn mê. 2. Quá trình ông Lê Cảnh Hiền bị hôn mê xuất hiện phản xạ nhai, nuốt, thở dẫn đến trào ngược thức ăn vào đường thở”.

Ông Tuấn cho rằng, có sự mâu thuẫn giữa các bản kết luận giám định nguyên nhân chết của ông Lê Cảnh Hiền, việc cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng bản Kết luận giám định lại lần thứ nhất giám định pháp y qua hồ sơ số 7234/C09-TT1 ngày 31/12/2020 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để buộc tội ông là chưa khách quan.

Hơn nữa, trước thời điểm ông Lê Cảnh Hiền xuất hiện tình trạng khó thở, suy hô hấp thì  ông Lê Cảnh Hiền vẫn tỉnh táo và đi lại được.

Căn cứ vào Biên bản làm việc giữa Điều tra viên Hà Văn Duy và Bác sĩ Lê Văn Cường (BL 375) có nội dung: “Bệnh nhân được vào khoa cấp cứu đã được thăm khám và cho kết quả ban đầu là chưa phát hiện tổn thương nội tạng trên kết quả xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và bệnh nhân có các vết thương vùng môi dưới trái, dưới mắt phải vết thương bầm tím vùng cổ nên bệnh nhân được chuyển đến Khoa Răng – Hàm – Mặt để xử lý các vết thương trên. Sau khi khâu và xử lý các vết thương thì bệnh nhân tỉnh táo, tự đi về giường bệnh (có đồng chí Công an đi cùng biết việc)”.

Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của ông Lê Cảnh Hiền do Công an huyện Triệu Sơn lập ngày 31/8/2019 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng thể hiện nội dung: “Hồi 09 giờ 50 phút ngày 31/8/2019; bệnh nhân được chuyển tới Khoa Răng – Hàm – Mặt trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc chậm, được khâu vết thương vùng mặt. Sau khi khâu và xử lý vết thương thì bệnh nhân tỉnh táo, tự đi lại về giường bệnh được”.

Tại Bản kết luận điều tra bổ sung số 110/KLĐT ngày 15/11/2021 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn ghi rõ: “Ngày 07/7/2020 Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn đã tiến hành làm việc với ông Bùi Huy Hùng (là Bác sĩ thuộc BVĐK huyện Triệu Sơn) người trực tiếp thăm khám cho ông Lê Cảnh Hiền khi vào Bệnh viện ngày 31/8/2019. Ông Lê Cảnh Hiền đến cấp cứu tại BVĐK huyện Triệu Sơn từ lúc 05h00 ngày 31/8/2019 trong tình trạng vẫn còn tỉnh, hỏi thì biết, huyết áp ổn định. Thăm khám thì phát hiện bị thương vùng mặt (xương hàm, mặt biến dạng), chụp cắt lớp vi tính không thấy tổn thương sọ não; chụp cột sống thắt lưng thì không thấy hình ảnh tổn thương xương; xét nghiệm máu thì cho thấy ông Hiền bị giảm tiểu cầu vì vậy đã làm thủ tục cho ông Lê Cảnh Hiền chuyển tuyến đến BVĐK tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục cấp cứu điều trị vào lúc khoảng 06h ngày 31/8/2019”.

Cần làm rõ “vật tày tác động” là gì?

Quyết định xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi vụ án xảy ra (đêm 30/8/2019), Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn không tổ chức thực nghiệm hiện trường mà 02 năm sau mới tiến hành thủ tục này. Điều đáng nói, khi tiến hành thực nghiệm, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn không triệu tập ông Tuấn mà mượn người khác đóng thế. Địa điểm thực nghiệm không phải nơi xảy ra vụ án, mà chuyển sang vị trí khác?.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn chưa làm rõ được khái niệm “đa chấn thương” và “vật tày tác động” như kết luận trong hồ sơ vụ án.

Tại Bút lục số 34, trích biên bản hội chẩn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ngày 31/8/2019 trong hồ sơ vụ án: “Theo lời kể của bệnh nhân cách thời điểm vào viện 03 giờ đồng hồ, bệnh nhân bị đánh bằng gậy, nhiều phát vào đầu. Sau tai nạn, bệnh nhân tỉnh, đau đầu, biến dạng hàm mặt, vào viện (đa chấn thương) chủ tọa phiên hội chẩn là Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Bác sĩ tham gia là Bác sĩ Minh, thư ký ghi rõ biên bản là Bác sĩ Lê Hà rằng. Đây là lời khai, lời kể của ông Lê Cảnh Hiền được 03 Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa ghi lại trong biên bản hội chẩn ngày 31/8/2019”.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Tuấn đã đề nghị Kiểm sát viên trả lời rõ vật tày đã gây đa chấn thương cho bị hại là gì. Kiểm sát viên và Luật sư bảo vệ cho ông Tuấn cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, triệu tập Giám định viên để làm rõ “vật tày” trong vụ án, nhưng đề nghị trên không được HĐXX chấp nhận.

Với việc không làm rõ hung khí nào là “vật tày” đã gây đa chấn thương cho bị hại, ông Tuấn cho rằng mình đã bị truy tố oan. Bởi, chiếc gậy mà ông đem ra hiện trường đã được giám định, thể hiện không có dấu vết đánh người.

Kết luận khám nghiệm tử thi của ông Lê Cảnh Hiền có nhiều điểm bất nhất, chưa làm rõ được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của ông Hiền. Phần kết luận về “não” chưa được ghi nhận đầy đủ, có dấu hiệu bị bỏ lọt chuyên nhân mấu chốt.

“Đa chấn thương là ở những đâu? Tại sao lại bị đa chấn thương? Ai là người gây nên đa chấn thương? Vật tày là vật gì? Tất cả những mấu chốt đó chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của ông Hiền, nhưng chưa được điều tra, làm rõ”, đơn ông Tuấn nêu.

Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn vẫn chưa làm rõ được ông Hiền sau khi bị ông Tuấn đánh đã đi đâu? Trong khi quãng đường từ vị trí xảy ra vụ việc đến nhà ông Hiền chỉ khoảng 500m. Trong khi ông Lê Cảnh Học (bố đẻ ông Hiền) khẳng định có 03 người cùng thôn liên quan trực tiếp đến cái chết của con ông mà ông đã làm đơn kiến nghị làm rõ rất nhiều lần nhưng không được.

Từ những căn cứ chưa được làm rõ đó, ông Tuấn cho rằng, việc các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn điều tra, truy tố, xét xử ông về tội danh “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết “làm chết người” là chưa chính xác, chưa đúng với bản chất sự việc, thiếu căn cứ khoa học pháp lý, chưa đúng bản chất hành vi, diễn biến vụ việc. Ông Tuấn hy vọng, trong phiên xét xử phúc thẩm lại tới đây, HĐXX sẽ có những đánh giá công tâm, khách quan toàn bộ nội dung sự việc, xem xét kỹ từng tình tiết của vụ án để đưa ra những phán quyết công minh, hợp tình, hợp lý.

PV

Hà Tĩnh: Án đã tuyên, nhưng dấu hiệu vi phạm tố tụng hy vọng sẽ được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm