/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ án hình sự được giải quyết thế nào nếu bị can chết?

Vụ án hình sự được giải quyết thế nào nếu bị can chết?

31/07/2024 18:56 |

(LSVN) - Pháp luật hình sự Việt Nam quy định chỉ xử lý với người phạm tội còn sống. Trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người thực hiện hành vi phạm tội đã chết, Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, bị cáo đã chết đó.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, theo thông tin từ Công an tỉnh Long An, bà Lê Thu Vân (67 tuổi, vợ ông Lê Tùng Vân), bị can bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" trong vụ án Tịnh thất Bồng lai, đã tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh ung thư, không có nguyên nhân bất thường nào khác. 

Vậy trong trường hợp này, vụ án hình sự sẽ được giải quyết như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để tiến hành điều tra làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định chỉ xử lý với người phạm tội còn sống. Trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người thực hiện hành vi phạm tội đã chết, Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, bị cáo đã chết đó. 

Quá trình điều tra xác định người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không còn người khác phạm tội thì Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với vụ án đó. 

Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, các căn cứ theo các quy định trên bao gồm: Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm: Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố; tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015; các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự; đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Ý NHƯ

Thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ 01/7/2025

Nguyễn Mỹ Linh