Vụ án khai thác cát trái phép và sự công bằng pháp luật

14/06/2023 15:20 | 10 tháng trước

(LSVN) - “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Hiển 24 tháng tù, Đỗ Thị Luyến 20 tháng tù cho hưởng án treo là có phần nương nhẹ, xử phạt các bị cáo giữ vai trò đồng phạm giúp sức cùng 20 tháng tù, Đỗ Anh Thắng là lái xe thuê cho bị cáo Hiển 12 tháng tù là chưa đảm bảo sự công bằng và phân hóa tội phạm”, trích Bản án phúc thẩm số 231/2023/HS-PT ngày 12/4/2023 của Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội.

Nhận định trên cho thấy phản hồi từ phía dư luận về Bản án sơ thẩm số 509/2022/HSST ngày 12,13/12/2022 của TAND thành phố Hà Nội xét xử vụ án khai thác trái phép cát có tổ chức tại địa phận huyện Đan Phượng là có cơ sở. Trong đó bị cáo Đỗ Thị Luyến, còn gọi là “Trang cát”, chính là tâm điểm. Do cả bị cáo Hiển và Luyến đều không kháng cáo nên toà phúc thẩm không xem xét. Tuy nhiên, từ góc độ bảo vệ pháp luật, việc nhìn nhận và đánh giá lại hành vi của “Trang cát” tại Bản án sơ thẩm là cần thiết.

Tóm tắt nội dung vụ án

Công ty Bình Minh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 13/GP-UBND ngày 31/01/2008, theo đó, được khai thác cát làm vật liệu san lấp mặt bằng tại bãi cát thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng với diện tích khai thác 100 ha, thời hạn 17 năm, công nghệ khai thác bằng máy xúc, vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên, do chưa có đường bộ nên Công ty chưa khai thác.

Ngày 06/3/2019, bị cáo Hiển nhờ bị cáo Hường là Giám đốc Công ty Đại Hồng Châu đứng ra thay ông này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Bình Minh tại dự án trên. Thực chất, Hiển đóng toàn bộ thuế, phí mà Công ty Bình Minh còn nợ và toàn quyền tiến hành khai thác cát.

Hiển chỉ đạo bị cáo Tuấn, bị cáo An tìm các tàu thực hiện việc hút cát trái phép từ lòng sông Hồng để bán sang mạn cho các tàu mua cát với giá khoảng 15.000 đồng/m3 và trả công cho tàu hút khoảng 6.000 đồng/m3.

Đến cuối năm 2019, do có quen và biết bị cáo Hiển khai thác cát tại địa điểm trên, bị cáo Luyến đã đề nghị chung vốn và Hiển đồng ý. Cả hai thỏa thuận mỗi bên bỏ ra 50% chi phí đóng thuế, lệ phí khai thác ban đầu. Đến tháng 6/2020, Luyến cho bị cáo Chính đến kiểm tra việc khai thác cát nhưng chưa thấy hoạt động nên Chính chưa làm việc. Đến tháng 10/2020, Luyến biết Hiển đang cho người đưa tàu đến khu vực để hút cát nên đã cử bị cáo Chính và Hưng hàng ngày đến kiểm tra, giám sát việc khai thác cát. Luyến yêu cầu Hiển chia đôi lợi nhuận và được đồng ý.

Từ tháng 10/2020, để thực hiện việc khai thác cát trái phép, Hiển và Luyến thành lập Tổ Tài nguyên 5 thành viên gồm 3 bị cáo (An, Tuấn, Anh) do Hiển cử, trả lương; và 2 bị cáo (Hưng, Chính) do Luyến cử, trả lương. Tổ Tài nguyên trực tiếp thực hiện tổ chức khai thác cát trái phép từ lòng sông Hồng bằng hình thức trang bị máy hút và vòi hút cho các tàu hút cát bơm lên khoang các tàu mua cát. Hiển và Luyến đã trang bị cho Tổ Tài nguyên 3 xuồng máy cùng 3 điện thoại để điều hành khai thác và mua bán cát.

Việc khai thác trái phép thực hiện trong khoảng thời gian từ 16h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Để phục vụ cho hoạt động trái phép, Hiển và Luyến cho phép 19 tàu hút cát thuê (được gọi là “phao”, đánh số từ 00 đến 18) hoạt động tại lòng sông Hồng, đoạn qua huyện Đan Phượng. Việc xếp vị trí các “phao” do Tổ Tài nguyên điều hành, căn cứ diện tích thực tế của sông Hồng. Nhiệm vụ các thành viên trong Tổ được phân công cụ thể: An, Anh, Chính đi ca nô ra thu tiền của các tàu mua cát. Giá bán cát giao động từ 15.000 – 35.000 đồng/m3 (tùy từng thời điểm).

Từ sau 18h, các thành viên không trực tiếp thu tiền bán cát mà ngồi trong lán trên bãi để điều hành hút cát qua điện thoại và giao các chủ tàu hút cát thu tiền hộ; đến khoảng 4 – 5h sáng thì An, Anh và Chính tiếp tục sử dụng ca nô để đi thu lại tiền bán cát từ các chủ tàu hút thu hộ. Thu tiền xong, các đối tượng đưa lại cho Hưng (người của Luyến) và Tuấn (người của Hiển) kiểm đếm trong lán. Sau mỗi đêm khai thác, Tuấn cùng An, Hưng tổng hợp số tiền, trừ đi các chi phí tiền ăn, xăn dầu, tiền công hút trả chủ tàu… Sau đó, Tuấn và Hưng chia đều khoản tiền thành hai phần bằng nhau. Một phần, Hưng cầm về đưa cho Luyến; phần còn lại, Tuấn đưa cho Hiển. 19h30 ngày 13/12/2020, Tổ công tác thuộc Cục C05, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Công an Hà Nội phát hiện, lập biên bản bắt quả tang 6 tàu hút cát và 7 tàu mua cát trái phép, với 17 đối tượng, trong đó có đủ 5 thành viên Tổ Tài nguyên.

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có tới 19 bị cáo bị tuyên án. Có 18 bị cáo bị kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự. Trong đó, Hiển và Luyến bị áp dụng điểm a, b, c Khoản 2; 5 bị cáo là thành viên Tổ Tài nguyên cùng 11 bị cáo khác bị áp dụng điểm b, c Khoản 2. Bị cáo Bùi Thị Gái bị kết án về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo điểm a Khoản 3 Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Công ty Bình Minh không tham gia và không thu lời từ việc khai thác cát trái phép của Hiển và đồng bọn nên không bị xử lý. 11 chủ tàu hút cát và thuyền viên do chưa xác định được thông tin lai lịch và biển số tàu nên Cơ quan điều tra đã tách vụ án để tiếp tục điều tra xử lý sau. 3 đối tượng khác có liên quan, do chưa triệu tập được 2 đối tượng đến làm việc Cơ quan điều tra cũng tách vụ án để điều tra xử lý sau. 406 phương tiện thủy có đăng ký tại 13 tỉnh thành trên cả nước, Cơ quan điều tra đã có công văn đề nghị Cục C05, Bộ Công an phối hợp xác minh triệu tập. Do chưa có kết quả nên cũng phải ra quyết định tách vụ án hình sự 406 phương tiện có liên quan việc mua bán cát trái phép để điều tra xử lý sau.

Trở lại hành vi của bị cáo Luyến, điều đáng quan tâm là Bản án sơ thẩm nhận định: Từ tháng 3/2019 đến ngày 13/12/2020, Hiển đã chỉ đạo An và Tuấn khai thác trái phép với tổng khối lượng 255.897m3 cát bằng 17.912.790.000 đồng. Hiển thu lời bất chính 3.210.000.000 đồng; An thu lời bất chính: 182.000.000 đồng, và Tuấn thu lời bất chính: 266.000.000 đông. Từ tháng 10/2020 đến 13.12/2020, Luyến đã cùng Tổ Tài nguyên, trong đó có Hưng, Chính, Anh khai thác cát trái phép với khối lượng 230.786,8m3 bằng 16.155.076.000 đồng. Luyến thu lời bất chính: 955.259.000 đồng; Chính thu lời bất chính: 140.000.000 đồng; Hưng thu lời bất chính: 48.000.000 đồng và Ngọc Anh thu lời bất chính: 114.000.000 đồng. Các bị cáo Hiển, Luyến, Chính, Hường và một số bị cáo khác đã nộp tiền để khắc phục hậu quả và một phần hậu quả.

Với các hành vi nêu trên, Bản án sơ thẩm quyết định hình phạt: Bị cáo Hiển 24 tháng tù; 5 bị cáo là thành viên trong Tổ Tài nguyên gồm Tuấn, An, Hưng, Anh, Chính đều mức án 20 tháng tù; còn bị cáo Luyến 20 tháng tù cho hưởng án treo.

Đây là vụ án đồng phạm, mức án nêu trên rõ ràng là chưa công bằng giữa vị trí, vai trò và hành vi của từng bị cáo mà chính Tòa sơ thẩm đã xác định bị cáo Hiển giữ vai trò chính, bị cáo Luyến giữ vai trò tích cực, các bị cáo Chính, Anh, Hưng, Tuấn, An giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Trong khi đó, “vai trò tích cực”, nếu không muốn nói là đồng chủ mưu với Hiển của bị cáo Luyến được thể hiện bởi các hành vi: Từ cuối năm 2019, sau khi biết Hiển ký được hợp đồng để tiến hành khai thác cát trái phép, đã chủ động tham gia cùng phạm tội với Hiển; cùng bỏ vốn đầu tư ngang nhau, lợi nhuận chia đôi; cùng lập ra Tổ Tài nguyên, mua sắm trang thiết bị và tổ chức, cùng chỉ đạo các thành viên khai thác trái phép và thu lợi bất chính.

Nếu xác định Hiển có vai trò chính (chủ mưu, cầm cầu, chỉ huy) thì vai trò của Luyến kể từ khi tham gia thực hiện tội phạm cùng Hiển cũng không hề thua kém. Cả hai đều đồng tâm thực hiện, vai trò, vị trí, quyền lực ngang nhau, ăn chia thụ hưởng ngang nhau. Số lượng cát khai thác trai phép theo sự chỉ đạo của Hiển (255.897m3) và của Luyến (230.786,8m3) cũng gần tương đương nhau.

Luyến và Hiển không kháng cáo, cho thấy, cả hai đều bằng lòng với mức án đã tuyên. Hội đồng phúc thẩm khi xét xử kháng cáo của các bị cáo Tuấn, An, Chính, Anh, Thắng đã nhận định: “Các bị cáo đều là người làm thuê hưởng lương, chịu mọi sự chỉ đạo điều hành từ Nguyễn Quang Hiển và Đỗ Thị Luyến”; và “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Hiển 24 tháng tù, Đỗ Thị Luyến 20 tháng tù cho hưởng án treo là có phần nương nhẹ, xử phạt các bị cáo giữ vai trò đồng phạm giúp sức cùng 20 tháng tù, Đỗ Anh Thắng là lái xe thuê cho bị cáo Hiển 12 tháng tù là chưa đảm bảo sự công bằng và phân hóa tội phạm”. Những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Luyến và điều khoản áp dụng để cho bị cáo được hưởng án treo có nhiều vấn đề cấn làm rõ. 

Vụ án  này vẫn chưa kết thúc bởi phải tách ra nhiều vụ án để điều tra xử lý tiếp. Hậu quả của nó  rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nguy hiểm có tính lâu dài như sạt lở, vỡ đê đối với sự an nguy của Hà Nội và các vùng lân cận. Vì thế, cần đặt ra câu hỏi về tính nghiêm minh cũng như lẽ công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật?

PHÁP CHÍNH

Cân nhắc quy định cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng

Từ khoá : lsvn.vn LSVN