(LSO) - “Ông ăn chả, bà ăn nem!”. Trần nghĩ thầm trong bụng và rồi cũng đi nhảy đầm. Vũ trường khách sạn 5 sao lúc nào cũng chật cứng người trên sàn nhảy. Trong những điệu nhảy quay cuồng, chuếnh choáng hơi men, Trần muốn lãng quên đi những hậm hực không sao rũ bỏ được...
Những ngày cuối năm 1990 đối với ông Trần thật giống như cực hình vì linh tính cho biết có những diễn biến kỳ lạ đang xảy đến với người vợ của mình. Cô ta bỏ đi nhiều đêm, nói là đi nhảy đầm với bạn bè, nhưng có đêm không về! Chưa bao giờ Chu Lê - tên vợ Trần - lại như vậy. Khổ thân cho Trần, một mình vừa phải chạy hàng, vừa phải chăm cho 3 đứa con...
Cô gái phụ việc tên Thu đứng bán tiệm vàng ở đường Nguyễn An Ninh cứ nhìn “ông chủ” âu sầu lại quay mặt đi thở dài. Nhiều lúc, Trần muốn tâm sự với cô gái giúp việc để vơi đi những lo lắng, nhưng nghĩ đến cảnh vợ đi thâu đêm suốt sáng, anh ta lại không chịu nổi...
Cô ta ham tiền, hay hám mác “ngoại”? Tất cả bắt đầu từ một tay trùm buôn lậu ở Singapore sang. Anh ta là mối hàng chính đưa vàng ký cho tiệm vàng của vợ chồng Trần, bán hàng xong mới thu gom đô-la trở lại chuyển về Singapore. Từ ngày anh ta xuất hiện, tiệm vàng trở nên đông khách vì giá bán “mềm” hơn hẳn các tiệm vàng ở quận I do trốn tránh được Hải quan. Vợ chồng Trần “phất” lên trông thấy. Chu Lê đẹp hẳn ra. Cũng từ đó, Trần thấy biểu hiện khác lạ nơi vợ mình, chểnh mảng chuyện chăm lo gia đình, bỏ bê con cái... Cứ đến chiều tối, Lê lại mặc đầm rất mốt, cùng một cô bạn gái chở nhau đi...
“Ông ăn chả, bà ăn nem!”. Trần nghĩ thầm trong bụng và rồi cũng đi nhảy đầm. Vũ trường khách sạn 5 sao lúc nào cũng chật cứng người trên sàn nhảy. Trong những điệu nhảy quay cuồng, chuếnh choáng hơi men, Trần muốn lãng quên đi những hậm hực không sao rũ bỏ được... Một anh chồng bị cắm sừng - đó quả thật là một đòn choáng váng đánh gục Trần. Có nhiều đêm, hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Lúc đầu thì Chu Lê chối bay, nói rằng đó chỉ là “quan hệ làm ăn”. Nhưng khi Trần đưa ra những bằng chứng do bạn bè cung cấp, Lê lại trở nên quyết liệt, thách thức Trần. Lòng tự trọng của người đàn ông không cho phép Trần nhượng bộ. Anh ta quyết định sẽ ly dị với Chu Lê, cho dù đó là một giải pháp chẳng hay ho gì!
Từ ngày ly dị đầu năm 1991, trông Trần sút hẳn người, ria mép mọc tua tủa, bán buôn ngừng trệ. Cô ta nhẫn tâm bỏ 3 đứa con còn nhỏ, ôm theo gần như tất cả vàng bạc tư trang của hai vợ chồng tích lũy bao nhiêu năm đi theo tay trùm buôn lậu nước ngoài. Trần quyết định đóng cửa tiệm vàng, phần do hết vốn, phần do chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện kinh doanh.
Trong một dịp về nước, Hoàng là em ruột của Trần từ Nhật Bản về Việt Nam thăm nhà, Hoàng thương hoàn cảnh của anh trai nên đã giúp vốn để mở lại tiệm vàng, nhưng chỉ được một thời gian lại đóng cửa. Lúc này, hai anh em Trần bàn cách làm ăn khác. Từ Kobe - Nhật Bản, Hoàng sẽ mua gom hàng nội địa như máy cày, vỏ xe ô tô, tivi... gửi qua các đường phi mậu dịch theo các tàu Việt Nam chở hàng đến Nhật Bản. Chính bằng cách thức như vậy, Trần gần như đã hồi phục lại vốn liếng, đồng thời tạo ra những mối quan hệ làm ăn với các tàu viễn dương.
Được một thời gian, hàng hóa bị chựng lại do nguồn hàng phi mậu dịch “đánh quả” bằng đường biển về quá nhiều, Hoàng từ Kobe điện về cho Trần thu gom lá cần sa gửi sang Nhật để bán kiếm lời. Theo tính toán của Hoàng, giá trong nước 1kg cần sa cực rẻ, chỉ xê dịch từng thời điểm từ 40.000đ - 70.000 Việt Nam đồng. Trong khi đó, nếu mang sang trót lọt đến Nhật, giá bán một ký lên đến 200USD! Một lợi nhuận siêu ngạch! Hơn nữa, đây là một mặt hàng “lạ”, không có ai biết, mang theo tàu trót lọt vì người thường cũng nghĩ đó là thuốc nam gửi cho người nhà chữa bệnh...
Từ ngày ly dị vợ, Trần tìm đến Thu là một cô gái phụ việc bán ở tiệm vàng trước đây... Chẳng mấy chốc, hai người yêu nhau. Đúng khi Hoàng đề nghị tìm mua lá cần sa, Trần nghĩ ngay đến Việt là anh ruột Thu, nhờ tìm mối bán cần sa. Việt có quen một số bạn bè mua lá cần sa hút, nên nhanh chóng tìm ra hai điểm bán sỉ ở trong chợ Năn-xi và chợ Nguyễn Văn Trỗi, thu mua được tổng cộng 4 lần, mỗi lần trung bình 25-45kg để gửi sang Nhật cho Hoàng. Ngoài lần nhờ Phạm Việt, Trần còn nhờ nhiều thuyền viên của các hãng tàu khác để nhờ chuyển, với giá 100USD/kg lá cần sa...
Chuyện làm ăn của Trần đang suôn sẻ, một buổi chiều cuối tháng 11/1991, Trần đang ngồi ở nhà bàn chuyện với khách thì nghe có một ông già lạ hoắc đến tìm. Nhìn thấy nét mặt căng thẳng của ông già, Trần giật mình, đuổi hết khách vào bên trong, ngồi tiếp ông già tại salon...
- Xin lỗi, ông tìm tôi?
- Anh là Trần phải không? Ông già xẵng giọng hỏi.
- Có chuyện gì không ông?
- Anh hãy đọc đi rồi khắc biết...
Trần cầm lấy lá thư đề ngày 19/11/1991 của Việt ghi từ Trại Lai Chi Kok - Hồng Kông gửi về, tay bắt đầu run run, mồ hôi vã trên trán... Sau phần viết thư gửi cho gia đình, Việt viết nối mấy dòng gởi cho Trần, trách móc vì quá tin Trần mà nay đang bị ngồi tù ở Hồng Kông. Việt đề nghị Trần lo giúp chuyện gia đình anh ta hiện đang gặp rất nhiều khó khăn...
- Làm sao có thể xảy ra chuyện này - Trần lẩm bẩm - Tàu của Việt đi Nhật Bản kia mà?
- Anh còn thắc mắc gì nữa? Vì sao anh đưa hai bao cần sa để hại con tôi?
- Thật ra cháu không hề có ý hại Việt... Mà số lá cần sa này không phải của cháu mà của người khác.
Ông Văn tỏ ra giận dữ:
- Anh còn lẩn tránh nữa hả ? Nếu của người khác anh nói địa chỉ tôi kiếm ra bằng được người đã hại con tôi...
Nghe đến đây, Trần ngồi yên không thốt lên được nên lời. Ông Văn bỏ ra về. Ngồi trấn tĩnh một lát, Trần suy nghĩ về hậu quả vụ này sẽ liên lụy đến mình không biết chừng? Chỉ còn cách đến nhà ông Văn năn nỉ và hứa giúp ông tạm thời qua thời điểm khó khăn này.
Hai ngày sau, Trần lần mò đến nhà ông Văn ở đường Lạc Long Quân, quận 11 để trình bày cho ông Văn rõ: Việt chỉ là người được nhờ mang hai bao lá sang Nhật, chứ Việt không biết đó là lá cần sa và hứa sẽ giúp ông Văn mỗi tháng 1 chỉ vàng...
(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Vụ án lá cần sa (Kỳ 3): Phiên tranh tụng ở Hồng Kông” sẽ được đăng tải vào ngày 14/7/2020).
PHONG LINH