Vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSD hai lô đất số 32 và 33 khu D3-B1 khu Vườn Đào (Tây Hồ, Hà Nội): Vì sao một vụ việc đã có 7 bản án vẫn không thể kết thúc?

23/09/2020 20:50 | 3 năm trước

(LSO) - Liên quan đến vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hai lô đất số 32 và 33 khu D3-B1 khu Vườn Đào, quận Tây Hồ, Hà Nội, đến nay, vụ án đã trải qua 07 phiên tòa xét xử nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bản án sơ thẩm lần thứ 3 của TAND quận Tây Hồ ngày 12/8/2016 đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên hủy toàn bộ tại Bản án phúc thẩm số 174/2017/DS-PT ngày 02/10/2017, giao TAND quận Tây Hồ xét xử lại.

Nội dung vụ việc

Tháng 12 năm 2006, qua báo chí, thấy có người đang môi giới rao bán hộ cho ông Trần Văn Thơm (cán bộ công an quận Tây Hồ) hai lô đất số 32 và 33 khu D3-B1 khu Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, diện tích 431m2, bà Lưu Thị Hoàng Anh, đã đến nhà riêng ông Thơm để hỏi mua. Bà Hoàng Anh được ông Thơm cho biết: Đây là 2 lô đất của Công ty Hồng Lan trúng thầu năm 2004 mà ông đã mua lại với giá 28.500.000 đồng/m2. Ông Thơm cho bà Hoàng Anh xem Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSD đất ngày 23/02/2004 giữa ông và Công ty Hồng Lan.

Để rõ hơn nguồn gốc của 2 lô đất này và đảm bảo chắc chắn về pháp lý, bà Hoàng Anh đã yêu cầu ông Thơm đưa đến Công ty Hồng Lan xem có thật ông Thơm mua đất của Công ty không và xem ông Thơm đã cầm cố hay chuyển nhượng 2 lô đất này cho ai chưa. Giám đốc Công ty Hồng Lan khẳng định với bà Hoàng Anh là ông Trần văn Thơm đã mua 2 lô đất trên và chưa hề chuyển nhượng cho ai.

Sau khi nắm chắc các thông tin cần thiết, ngày 23/12/2006, bà Hoàng Anh đã ký “Hợp đồng đặt cọc” và chuyển cho ông Thơm 250.000.000 đồng; đồng thời thỏa thuận: Từ ngày 23/12/2006 đến 20/02/2007, bà Hoàng Anh trả hết tiền mua đất cho ông Thơm. Thực hiện cam kết này, ngày 28/12/2006, vợ chồng bà Hoàng Anh đã chuyển cho ông Thơm 1.500.000.000 đồng; ngày 05/01/2007 là 2.600.000.000 đồng và ngày 06/01/2007 là 11.500.000 đồng.

Như vậy, tổng cộng, vợ chồng bà Hoàng Anh đã chuyển cho ông Thơm: 4.111.500.000 đồng, cộng với 250.000.000 đồng đặt cọc là: 4.361.500.000 đồng

Ngày 6/01/2007, ông Trần Văn Thơm đã lập Hợp đồng chuyển nhượng lại 2 lô đất nói trên cho vợ chồng bà Hoàng Anh có diện tích 431m2, giá thành 30.500.000 đồng/m2, tổng số tiền là: 13.045.000.000 đồng. Theo đó, ông Thơm có trách nhiệm phải đưa bà Hoàng Anh đến Công ty Hồng Lan làm thủ tục thanh lý Hợp đồng số 18 giữa Công ty Hồng Lan và ông Thơm ký ngày 23/2/2004 để Công ty Hồng Lan làm lại Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Hoàng Anh, sau khi vợ chồng bà trả hết tiền mua đất. Nếu Hợp đồng được thực hiện, ông Thơm được hưởng số tiền chênh lệch là 761.500.000 đồng trong tổng số 4.361.500.000 đồng. Số tiền còn lại ông Thơm phải trả cho Công ty Hồng Lan.

Theo ông Thơm, được sự đồng ý của Công ty Hồng Lan, ông Thơm yêu cầu bà Hoàng Anh chuyển trả trực tiếp số tiền mua đất còn lại cho Công ty Hồng Lan. Ngày 30/01/2007, bà Hoàng Anh đã chuyển cho Công ty Hồng Lan 3.400.000.000 đồng. Ngày 11/7/2007, bà chuyển tiếp cho Công ty Hồng Lan 4.000.000.000 đồng (đều bằng hình thức chuyển khoản). Số tiền còn lại 1.283.500.000 đồng bà Hoàng Anh trực tiếp đến Công ty Hồng Lan nộp tiền mặt cho bà Trần Thị Thanh Thủy, Thủ quỹ của Công ty.

Như vậy, đến thời điểm đó, vợ chồng bà Hoàng Anh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền chuyển quyền sử dụng 431m2 cho Công ty Hồng Lan là 12.283.500.000 đồng. Số tiền còn lại: 761.500.000 đồng, ông Thơm được hưởng theo thỏa thuận của Hợp đồng được thực hiện.

Hủy hợp đồng?

Vào thời điểm vợ chồng bà Hoàng Anh thanh toán hết tiền mua đất cho Công ty Hồng Lan, thì giá đất trên thị trường biến động có chiều hướng tăng lên. Mâu thuẫn ba bên bắt đầu xuất hiện, phía ông Thơm và công ty Hồng Lan yêu cầu tăng giá lên gấp 2 lần, nghĩa là 50.000.000 đồng/m2 so với giá cũ là 28.500.000 đồng/m2 thì mới làm Hợp đồng mới. Để làm việc này, họ đưa ra hàng loạt lý do:

Một là, Công ty Hồng Lan không biết bà Hoàng Anh và Công ty cũng không biết việc mua bán giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh.

Nhưng những lập luận này đều không được chấp nhận tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lần 1, lần 2 . Đồng thời các Luật sư Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Thị Bích Lan và Dương Thị Thanh Nga (Văn phòng Luật sư số 5, Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đã chỉ rõ: Tại BL số 251 (Bản án sơ thẩm ngày 19/01/2010, ông Trần Văn Thơm đã khai: “Tôi có đưa chị Hoàng Anh đến 278 Khâm Thiên, là trụ sở của Công ty Hồng Lan để giới thiệu và nói chị Hoàng Anh thay tôi nộp tiền để mua đất”. Đồng thời, sau 4 năm từ 30/01/2007 đến 22/12/2010, Công ty Hồng Lan đã sử dụng số tiền 12.283.500.000 đồng của bà Hoàng Anh. Đây là số tiền có giá trị rất lớn.

Chỉ sau phiên tòa phúc thẩm lần 1 thì Công ty Hồng Lan mới chuyển trả lại số tiền trên cho bà Hoàng Anh. Các phiếu ủy nhiệm chi tiền đều ghi rõ tên đơn vị chuyển tiền là Lưu Thị Hoàng Anh, số tài khoản và tên đơn vị nhận tiền là: Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan và số tài khoản. Nội dung thanh toán ghi rõ: Trả tiền mua đất xây biệt thự khu đấu giá ô đất số 32 và ô số 33 lô D3-B1, đường Lạc Long Quân”. Còn số tiền 1.283.500.000 đồng, Công ty Hồng Lan nói không biết, không chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế bà Hoàng Anh đã trực tiếp đến nộp cho chị Trần Thị Thanh Thủy là Thủ quỹ của Công ty có bà Trần Thị Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty làm chứng.

Hai là, Công ty Hồng Lan cho rằng đã có Thông báo hủy hợp đồng với ông Trần Văn Thơm. Theo các Luật sư thì việc này không đúng vì Thông báo đề năm 2004 do bà Trần Thị Kiều Hạnh ký, nhưng thời kỳ này bà Nghiêm Thị Hồng vẫn làm Giám đốc. Bà Trần Thị Kiều Hạnh mới làm Giám đốc Công ty từ ngày 17/5/2007 đến nay (Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 6). Hơn nữa con dấu công ty đóng trong các thông báo trên cũng không phải con dấu mang số đăng ký kinh doanh thời kỳ 2004, mà là con dấu đăng ký tại lần đăng ký thay đổi lần thứ 8.

Ba là, Công ty Hồng Lan cho rằng giữa Công ty, ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh không có Văn bản nào thể hiện việc chuyển giao nghĩa vụ cả. Tuy nhiên, trong hồ sơ và trên thực tế đều đã thể hiện: Đây là việc thế nghĩa vụ trả tiền. Tại BL 1257, ngày 04/9/2013, ông Thơm khai: “Giữa tôi và vợ chồng bà Hoàng Anh đã thỏa thuận với nhau việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ về thanh toán tiền, thực hiện bằng Hợp đồng”. Hợp đồng ngày 06/01/2007 giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh đã thể hiện: Mặc dù Hợp đồng này có tên là HĐ chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất, nhưng bản chất là Văn bản chuyển giao quyền yêu cầu và nghĩa vụ, tức thế quyền và thế nghĩa vụ. Theo đó, bà Hoàng Anh thay thế ông Thơm thực hiện các nghĩa vụ của ông Thơm tại HĐ số 18 ngày 23/02/2004.

Như trên đã dẫn, sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm lần thứ nhất (ngày 02/7/2007) thì Công ty Hồng Lan đã chuyển trả cho bà Hoàng Anh toàn bộ khoản tiền (bao gồm tiền ông Thơm đã nộp cho Công ty Hồng Lan). Điều này đã khẳng định: Công ty Hồng Lan biết rất rõ việc mua bán đất giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh và đã đồng ý việc thế quyền nghĩa vụ và thế quyền giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh.

Bốn là, ngay từ khi có ý định xóa Hợp đồng, không bàn giao đất cho gia đình bà Hoàng Anh, ông Trần Văn Thơm đã nại ra lý do: Bên mua nộp thiếu 1,6 tỉ đồng theo HĐ đã ký. Mặc dù, trước đó chính ông Thơm đã thừa nhận với người mua là: “Đã nhận đủ 1,6 tỉ và chuyển cho Công ty Hồng Lan rồi” (Thông báo số 9, ngày 02/7/2007, Công ty Hồng Lan xác nhận: Đã nhận đủ 7 tỉ đồng của ông Thơm, của bà Hoàng Anh, trong đó bao gồm 1,6 tỉ đồng). Việc này, chỉ sau khi ông Phạm Xuân Mừng, chồng bà Hoàng Anh có Đơn đề nghị Giám đốc Công an Hà Nội can thiệp thì ông Thơm mới chuyển trả cho bà Hoàng Anh phiếu chuyển 1,6 tỉ đồng cho Công ty Hồng Lan!

Vì sao vụ việc vẫn chưa có phán quyết cuối cùng?

Đến nay, vụ án đã trải qua 7 phiên tòa xét xử nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bản án sơ thẩm lần thứ 3 của TAND quận Tây Hồ ngày 12/8/2016 đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên hủy toàn bộ tại Bản án phúc thẩm số 174/2017/DS-PT ngày 02/10/2017, giao TAND quận Tây Hồ xét xử lại, chỉ giữ nguyên hiệu lực về phần cấm Cty TNHH thương mại Hồng Lan chuyển dịch quyền về tài sản và thay đổi hiện trạng về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là 02 lô đất số 32 và số 33 khu D3-B1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, P Phú Thượng, Q Tây Hồ, Hà Nội trong thời gian giải quyết tranh chấp và kê biên toàn bộp diện tích 2  lô đất trên để thi hành quyết định, bản án của Tòa án. Sự thật thì chỉ có một nhưng liệu vụ việc này bao giờ có thể kết thúc?

LÊ HỮU - ĐỖ QUÝ THÍCH

/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu.html