Công bố quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Duy.
Ngày 10/5/2021, Cơ quan CSĐT tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến việc UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ 5% tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất 262 lô đất khu đô thị mới Nam Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền trên 8 tỉ đồng.
Ngày 04/6/2021, CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 02 bị can là ông Nguyễn Chí Hiến (nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên (nhiệm kỳ 2016-2021), nguyên Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Phú Yên) và bà Nguyễn Thị Nở - nguyên phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có khung hình phạt tù đến 20 năm).
Mới đây, ngày 24/8/2021, CSĐT - Công an tỉnh Phú Yên tiếp tục khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 Phó Giám đốc sở và 1 Phó Cục trưởng để điều tra cùng về tội danh này, gồm: Ngô Quang Phú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Mai Hắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp và Nguyễn Ngọc Duy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
Các quyết định tố tụng đã được VKSND tỉnh Phú Yên phê chuẩn.
Cuối năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định bán đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, bán sỉ tổng khu đất, theo đó người trúng đấu giá được hỗ trợ 5% nhân với giá khởi điểm do mua sỉ toàn khu đất để bán lẻ.
Năm 2017, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức bán đấu giá 1 trong 4 khu đất đã nêu là 262 lô nhà ở liền kề vẫn với phương thức hỗ trợ 5% trên tổng giá trị trúng đấu giá cho người trúng đấu giá. Kết quả, bà Ngô Thị Điều (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trúng đấu giá 262 lô đất trên với giá 162,495 tỉ đồng. Thực tế bà Điều chỉ phải nộp hơn 154,4 tỉ đồng.
Tháng 11/2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 8 tỉ đồng hỗ trợ nêu trên. Tuy nhiên, tháng 4/2019, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Phú Yên kiểm điểm về việc phê duyệt phương án đấu giá, nhưng không kiến nghị thu hồi hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất cho nhà đầu tư.
Đến tháng 5/2021,CQĐT Công an tỉnh Phú Yên xác định việc UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ 5% trên tổng giá trị trúng đấu giá 262 lô đất nêu trên đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 8 tỉ đồng, có dấu hiệu tội phạm nên đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định hỗ trợ không đúng nhà đầu tư được hưởng lợi?
Vậy căn cứ nào để Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi và sau đó lại không kiến nghị thu hồi số tiền 8 tỉ đồng? Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ được làm rõ trong quá trình xử lý vụ án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không bình luận về việc khởi tố về tội danh này đối với các bị can có căn cứ, đúng luật không. Vấn đề này cần chờ phán quyết của Tòa án có hiệu lực theo Hiến pháp và luật định.
Vấn đề trao đổi là thu hay không thu hồi tiền thất thoát ngân sách khi phát hiện có vi phạm trong các quyết định quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, đất đai, thuế; ai phải nộp số tiền này (cán bộ, công chức làm sai phải bồi thường thiệt hại hay nhà đầu tư hưởng ưu đãi không đúng phải nộp lại ngân sách, thẩm quyền ra quyết định thu hồi,...).
Cụ thể trong vụ việc bán sỉ 262 lô đất tại Phú Yên, khi các quyết định về việc hỗ trợ 5% trên tổng giá trị trúng đấu giá của UBND tỉnh Phú Yên ban hành không có căn cứ pháp luật thì người trúng đấu giá có mặc nhiên được hưởng lợi số tiền này? UBND tỉnh Phú Yên có thẩm quyền ban hành ngay quyết định thu hồi số tiền thất thoát hay phải chờ cho đến khi phán quyết có hiệu lực của Tòa án mới được tổ chức thi hành?
Có quan điểm cho rằng khi những vi phạm pháp luật trong quản lý lý nhà nước đã cấu thành tội phạm, đã khởi tố thì việc xử lý vụ án phải tuân theo trình tự tố tụng. Những người bị buộc tội có tội hay không; hình phạt và quyết định cụ thể trách nhiệm dân sự bồi thường thực hiện theo phán quyết của Tòa án có hiệu lực.
Tác giả cho rằng quan điểm trên là hướng xử lý theo nguyên tắc chung. Đối với những vụ án liên quan đến các đạo chuyên ngành như Luật Đất Đai, Luật Đầu tư, Thuế, Xây dựng,... trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định ban hành không đúng, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân thì cơ quan ban hành quyết định sai phải nhanh chóng thu hồi quyết định, buộc đối tượng hưởng ưu đãi không đúng phải nộp vào ngân sách. Theo đó, đối tượng thi hành các quyết định thu hồi có nghĩa vụ nộp lại tiền cho ngân sách có quyền khiếu nại và khởi kiện theo pháp luật tố tụng hành chính. Quyết định hành chính có hiệu lực phải tổ chức thi hành.
Do đó, UBND tỉnh Phú Yên là cơ quan ban hành quyết định không đúng, có thẩm quyền ra quyết định thu hồi số tiền thất thoát ngân sách, buộc người trúng đấu giá nộp tiền 8 tỉ đồng vào ngân sách mà không phải chờ cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.
ĐẠI HƯNG