/ Dọc đường tố tụng
/ Hải Phòng: 98 bị hại có nguy cơ không thu hồi được tiền bị chiếm đoạt

Hải Phòng: 98 bị hại có nguy cơ không thu hồi được tiền bị chiếm đoạt

30/09/2024 14:07 |

(LSVN) - Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ án này các bị hại và Luật sư phát hiện nhiều tài liệu không được đưa vào hồ sơ vụ án? Vợ chồng Lương Ngọc Tuy và Phạm Thị Nguyệt có dấu hiệu lừa các bị hại để tẩu tán tài sản cho em gái!

Một số tài liệu chưa được đưa vào hồ sơ vụ án?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã chỉ rõ: “Tại Thông báo 621/TB ngày 30/6/2020 và 131/TB ngày 18/8/2020, Công an quận Dương Kinh xác định Lương Ngọc Tuy và vợ là Phạm Thị Nguyệt đã nhận tiền góp họ và vay của người chơi họ với tổng số tiền 14.913.000.000 đồng, đến ngày 02/8/2019 Tuy và Nguyệt bỏ trốn khỏi địa phương. Nhưng 02 bản Thông báo này không được đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, bị hại Phạm Thị La đã nộp cho Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm hai bản Thông báo số 621/TB và 131/TB tại phiên tòa ngày 18/10/2023.

Thông báo số 621/TB và 131/TB của Công an quận Dương Kinh.

Ngày 04/10/2019 (02 tháng sau khi bỏ trốn cùng chồng), Phạm Thị Nguyệt quay về Công an quận (CAQ) Dương Kinh viết bản cam kết trả nợ cho bị hại Đỗ Thị Duyển (Bạo), nhưng đến nay không trả. Tuy nhiên, bản chính giấy cam kết này không được đưa vào hồ sơ mà chỉ có bản photo do bị hại giữ (đã nộp cho HĐXX phúc thẩm).

Ngày 16/10/2020, Điều tra viên (ĐTV) Tuấn Công an quận Dương Kinh lập biên bản làm việc giữa Phạm Thị Nguyệt với hơn 40 người bị hại, trong đó có 09 người đại diện ký biên bản là bà Phạm Thị La, Đỗ Thị Quyến, Đỗ Thị Liên, Nguyễn Thị Trường, Vũ Thị Xuyến, Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Thị Duyển, Lê Thị Ánh Tuyết, Vũ Thị Thanh Hảo. Các bị hại yêu cầu Nguyệt nếu không còn tiền trả nợ thì bán nhà đi để trả cho các bị hại. Nguyệt cam kết trong thời gian 02 tháng sẽ bán nhà để trả nợ cho các bị hại. Nhưng biên bản này không được đưa vào hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, bà Phạm Thị La đã ghi âm lại toàn bộ buổi làm việc copy vào USB để làm bằng chứng và đã nộp cho HĐXX phúc thẩm tại phiên tòa ngày 24/11/2023.

Sau đó, các bị hại được biết thực tế vợ chồng Tuy - Nguyệt đã bán nhà cho em gái từ ngày 13/01/2020, nhưng vẫn lừa dối là chưa bán….

Vợ chồng Tuy, Nguyệt có hành vi tẩu tán tài sản

Theo các bút lục lời khai của Phạm Thị Nguyệt, lời khai của các bị hại và tại Thông báo 621/TB và 131/TB CAQ Dương Kinh cũng xác định: Tuy, Nguyệt đã nhận tiền góp họ và vay của người chơi họ với tổng số tiền 14.913.000.000 đồng, đến ngày 02/8/2019 Tuy – Nguyệt đã bỏ trốn khỏi địa phương.  

Ngày 07/8/2019, Nguyệt về CAQ Dương Kinh trình báo việc thu tiền góp họ và vay tiền rồi bỏ trốn, đến ngày 04/10/2019 Nguyệt về CAQ Dương Kinh viết bản cam kết trả nợ cho bà Đỗ Thị Duyển (Bạo) nhưng không trả và tiếp tục bỏ trốn, đến ngày 16/10/2020 tại CAQ Dương Kinh, ĐTV lập biên bản về việc Nguyệt cam kết trong thời gian 02 tháng sẽ bán nhà để trả nợ cho các bị hại.Nhưng thực tế, Tuy Nguyệt đã bán nhà từ 13/01/2020, cho đến nay Nguyệt vẫn bỏ trốn khỏi nơi cư trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, để trốn tránh người mình vay nợ, để trốn nợ.

Lời khai của Tuy, Nguyệt và Nguyễn Thị Huân (em gái Nguyệt) về số tiền từng lần cho vay, tổng số tiền cho vay rồi bán nhà trừ nợ và việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà số 50 Trà Khê, phường Anh Dũng của vợ chồng Tuy, Nguyệt cho em gái, hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

Lương Ngọc Tuy thì khai: Có vay Huân, lúc vay 100 triệu, lúc vay 200 triệu, cao nhất là 300 triệu, tổng cộng vay 1,5 tỉ là tiền chung của vợ chồng Huân, còn vay riêng của Huân 500 triệu là tiền Huân bốc họ, tôi khẳng định là anh em nên tôi không viết giấy vay tiền (BL 1761 đến 1762). Nếu bán công khai cũng không đủ tiền trả nợ nên tôi đã bí mật liên lạc với Huân, thống nhất việc chuyển nhượng để đối trừ nợ, đảm bảo Huân không bị thiệt về kinh tế (BL 1770 đến 1771).

Như vậy, theo Huân khai, thì khoản cho vay 500 triệu để trả ngân hàng nằm trong tổng số tiền cho vay 02 tỉ, còn Tuy thì khai khoản vay 500 triệu để trả ngân hàng nằm ngoài khoản tiền vay 02 tỉ đồng, Nguyệt khai thế chấp vay ngân hàng 350 triệu, còn Huân thì khai cho Nguyệt vay 500 triệu để trả ngân hàng lấy sổ đỏ về.

Các bị hại thì đều cho rằng, Thắng (chồng Huân) làm phụ vữa, Huân chuyên đi lau dọn nhà thuê, thu nhập thấp, đóng tiền học cho con cũng phải đi vay, nên vợ chồng Thắng – Huân không thể có số tiền 2 tỉ đồng để cho Tuy vay rồi mua nhà để trừ nợ. Mặt khác, trong thời gian bỏ trốn, Tuy có gọi điện cho chị Chi, chị La và chị Tương nói bán căn nhà số 50 Trà Khê với giá 4 tỉ, khi chị Chi đồng ý 4 tỉ và hẹn hôm sau sẽ làm thủ tục sang nhượng thì Tuy tắt điện thoại.

Khi biết tin Nguyệt trốn về nhà mẹ đẻ ở phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn thì chị Chi đã đến tận nơi nói chuyện, Nguyệt vẫn hứa bán căn nhà đó để trừ nợ, nhưng sau đó Nguyệt trốn khỏi nhà mẹ đẻ không gặp chị Chi nữa. Việc Tuy - Nguyệt không bán nhà cho các bị hại với giá 4 tỉ để trừ nợ mà lại bày đặt việc bán nhà cho em gái với giá 2 tỉ là giả tạo nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho 98 người bị hại.

Trao đổi với phóng viên về “giải thích” của Toà án cấp sơ thẩm trong việc không xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị Nguyệt, Tiến sĩ Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Toà án cấp sơ thẩm chỉ viện dẫn kết luận của Cơ quan CSĐT và cáo trạng của VKS để “lý giải” không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị Nguyệt là chưa thể hiện đúng vai trò quyền hạn và trách nhiệm của người “cầm cân nảy mực” quy định tại Điều 45 và tính độc lập theo Điều 23 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bởi lẽ Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước giao thực hiện chức năng xét xử. Thẩm phán, Hội thẩm, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan Nhà nước khác không được can thiệp vào việc xét xử và hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của Cơ quan CSĐT và VKS.

Các chứng cứ tài liệu có trong vụ án thể hiện Nguyệt đã 106 lần ký nhận tiền, trong đó có 05 lần cùng Tuy ký giấy vay tiền, ký giấy bảo lãnh cho Tuy vay tiền và 101 lần ký giấy nhận tiền góp họ của các bị hại trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019. Đáng chú ý ngày cuối cùng Nguyệt thu tiền họ của mọi người là ngày 30/6/2019 trước khi cùng Tuy bỏ trốn (ngày 02/8/2019) chỉ cách nhau khoảng 01 tháng. Điều này thể hiện rất rõ Nguyệt có hành vi thu tiền họ (hụi) nhiều lần, trong thời gian dài, có ký kết vay tiền và có chủ đích.Do đó Toà án cấp sơ thẩm “giải thích” Nguyệt không biết Tuy (chồng) lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tiền, nên không xem xét xử lý Nguyệt là chưa “độc lập” trong việc đánh giá đúng hành vi, bản chất, chứng cứ. Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, Toà án cấp phúc thẩm cần đánh giá toàn diện, hủy án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra lại làm rõ vai trò của Phạm Thị Nguyệt theo điểm c, khoản 1, Điều 280, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết: “Những lời khai của Phạm Thị Nguyệt phù hợp với lời khai của Lương Ngọc Tuy và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ vật chất có trong hồ sơ đã có đủ cơ sở chứng minh hành vi của Phạm Thị Nguyệt là thực hành tích cực với vai trò đồng phạm cùng Lương Ngọc Tuy lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng không được đề cập, đánh giá trong bản án sơ thẩm dẫn đến bỏ lọt tội phạm. HĐXX sơ thẩm lại giải thích rằng, tại Kết luận của CQĐT và Cáo trạng của VKS đều khẳng định chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyệt là lệ thuộc hoàn toàn vào CQĐT và VKS mà bỏ qua nguyên tắc xét xử độc lập và tự đánh mất quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điều 23 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm.

Bản án sơ thẩm buộc bị cáo Tuy phải bồi thường cho 98 người bị hại gần 15 tỉ đồng nhưng Tuy không lấy đâu ra tiền để bồi thường? Vì vậy, phần dân sự trong bản án hình sự tuyên xong chỉ để đấy, không có cơ sở để thực hiện.

Bản án sơ thẩm số 77/2023/HS-ST ngày 16/5/2023 của Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng.

Đây là vụ án chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số lượng lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhưng trong quá trình giải quyết tin báo tố giác, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm không khách quan, không phù hợp với các tài liệu chứng cứ vật chất có trong hồ sơ, có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, bỏ lọt tội phạm, không có biện pháp kịp thời phong tỏa, kê biên tài sản mà lại câu giờ quá lâu, tạo điều kiện cho Tuy – Nguyệt tẩu tán tài sản trong thời gian lẩn trốn, gây dư luận bất bình, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại, khởi tố Phạm Thị Nguyệt về hành vi đồng phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, buộc Phạm Thị Nguyệt phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường, kê biên căn nhà của vợ chồng Tuy – Nguyệt tại số 50 Trà Khê 3, phường Anh Dũng, một mảnh đất 260m2 tại tổ 8 phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng và một xe máy SH để đảm bảo thi hành án bồi thường cho 98 người bị hại.

PV

Hải Phòng: Vụ chiếm đoạt gần 15 tỉ đóng họ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Bùi Thị Thanh Loan